Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người bác sỹ của đồng bào Tà Riềng ở Đắc Tôi

Hồng Phúc- Văn Sơn - 15:13, 28/12/2023

Sau chừng 5 năm, nay chúng tôi mới có dịp ghé thăm Đắc Tôi- một xã vùng biên giáp với nước bạn Lào, cách thị trấn Thạnh Mỹ (Trung tâm huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) gần 80km về hướng Tây Bắc. Đắc Tôi thật yên bình với 100% dân số là đồng bào Tà Riềng (một nhóm của dân tộc Gié Triêng) sinh sống, cùng những ngôi nhà sàn truyền thống nằm ở lưng chừng sườn núi đã để lại trong chúng tôi ấn tượng sâu sắc về cuộc sống gần gũi với thiên nhiên của bà con nơi đây. Ở đó, chúng tôi đã gặp được bác sĩ người dân tộc Tà Riềng chị Zơ Rum Hán - Trưởng trạm y tế xã Đắc Tôi, tấm gương sáng về cán bộ y tế vùng biên tận tụy, hết lòng với công việc, với chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc Tà Riêng nơi đây.

(BCĐ - TT vận động ND) Người bác sỹ của đồng bào Tà Riềng ở Đắc Tôi
Vườn thuốc nam của trạm y tế Đắc Tôi

Một ngày như bao ngày làm việc khác trong tuần, chị Zơ Rum Hán đều vượt 20km từ nhà mình ở thôn Đắc Chờ Đây, xã La Dê để đến Trạm y tế ở xã Đắc Tôi để làm việc. Với đường nông thôn miền núi cũng mất vài tiếng đồng hồ liên tục đi xe máy. Người dân xã Đắc Tôi đã quen với hình ảnh chị Hán đến nơi làm việc rất sớm, tranh thủ thăm hỏi bệnh nhân ở lại điều trị, rồi xem công việc trong ngày để bố trí và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, những ngày này, khi diễn biến thời tiết chuyển mùa phức tạp thì công việc của một bác sĩ như chị Hán lại càng bận rộn hơn.

Chị Zơ Rum Hán tâm sự: Tôi sinh năm 1987, trong một gia đình dân tộc Tà Riềng ở thôn Đắc Chờ Đây, xã La Dê, huyện Nam Giang (Quảng Nam). Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, lại đông con, nên các anh chị của tôi đều không được đi học. Đứa em trai út khi đó cũng đã bỏ học để theo anh trai đi làm. Cha mẹ lớn tuổi, không lao động được nhiều, lại thường xuyên đau ốm.

Học xong cấp II, chị Hán cũng tính bỏ học để đi làm nhưng rồi nghĩ nếu mình trở thành bác sỹ sẽ có thể chăm sóc cha mẹ, giúp đỡ bà con xóm giềng, nên chị đã làm hồ sơ nhập học vào lớp 10. Ngay từ đầu năm học, chị lên kế hoạch và vạch ra hướng đi cuộc đời mình với ý nghĩ: ba năm THPT sẽ là bàn đạp để chị có thể bật xa, có thể tiến gần hơn với ước mơ trở thành bác sỹ. “Nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến những kết quả mình đạt được. Tôi rất biết ơn thầy cô, những người đã truyền động lực để tôi cố gắng nỗ lực học tập và theo đuổi mơ ước của mình”, chị Hán chia sẻ.

(BCĐ - TT vận động ND) Người bác sỹ của đồng bào Tà Riềng ở Đắc Tôi 1
Nữ bác sĩ Zơ Rum Hán khám bệnh cho người dân

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Zơ Rum Hán thi và trúng tuyển vào trường Đại học y Huế. Sau 7 năm học tại trường, vào tháng 10 năm 2013, cô học trò nghèo dân tộc Tà Riềng tốt nghiệp ra trường với tấm bằng đại học chính quy chuyên ngành y đa khoa. Cuối năm 2013, chị Hán tình nguyện nộp đơn xin về nhận công tác ở Trạm y tế xã Đắc Tôi và gắn bó cùng Trạm y tế từ đó đến nay.

Trò chuyện với chúng tôi, nữ bác sĩ Zơ Rum Hán chia sẻ: Những năm đầu mới về nhận công tác tại địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc Tà Riềng trong xã Đắc Tôi nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa chú trọng chăm sóc sức khỏe của bản thân, cộng đồng. Nhận thức rõ những khó khăn của địa phương, ngay khi về nhận công tác tại địa phương, xác định được trách nhiệm của mình, những năm qua, tôi luôn tìm tòi, học hỏi, nỗ lực vươn lên để hoàn thành công việc chăm lo sức khỏe cho người dân.

Với lòng yêu nghề, bác sĩ Hán luôn trăn trở làm sao để chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân nên chị đã quyết tâm sắp xếp thời gian, công việc để nâng cao chuyên môn, bác sĩ Hán là người đi đầu trong tham mưu các giải pháp nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc Tà Riềng. Chị đã cùng chính quyền và các đoàn thể của xã tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh tại gia đình, cộng đồng; chú trọng tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường sống, thực hiện nếp sinh hoạt, ăn ở đảm bảo vệ sinh.

Bà Chơ Rum Ớn (78 tuổi) ở thôn Đắc Tà Vâng (xã Đắc Tôi) chia sẻ với chúng tôi: Cháu Hán là bác sĩ trẻ tận tình, gương mẫu nên người dân chúng tôi mỗi khi đến Trạm y tế đều yên tâm. Bà con đến Trạm Y tế khám, chữa bệnh đều được bác sĩ tiếp đón niềm nở, chăm sóc chu đáo. Bác sĩ Hán luôn coi người bệnh như người thân của mình, gần gũi, hỏi thăm và quan tâm chia sẻ. Người dân chúng tôi rất tin tưởng ở cháu Hán và Trạm y tế xã Đắc Tôi là địa chỉ tin cậy cho người dân đến khám chữa bệnh.

Với tính cách năng động, làm việc nhiệt tình, có trình độ chuyên môn cao, vào tháng 7 năm 2020 chị Hán được tín nhiệm giữ chức trưởng Trạm y tế xã Đắc Tôi từ đó đến nay. Những năm qua, trên cương vị trạm trưởng Trạm Y tế, bác sĩ Hán đã tập trung lãnh đạo đơn vị thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Với tâm niệm nghề thầy thuốc là nghề cao cả và vinh quang, bác sĩ Hán luôn quan tâm xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong đơn vị, tạo điều kiện giúp chị em đồng nghiệp cùng tiến bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Anh A Lăng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Tôi cho biết: Đắc Tôi hiện có 4 thôn: Đắc Ro, Đắc Rích, Đắc Tà Vâng và Xóm 10, với hơn 1.820 nhân khẩu. Những năm qua, để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bác sĩ Zơ Rum Hán luôn làm tốt công tác tham mưu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh, củng cố mạng lưới y tế cơ sở vững chắc, triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, phối hợp và tổ chức làm tốt công tác phòng chống dịch Covid- 19, mỗi năm Trạm tổ chức khám và chữa bệnh cho hơn 2 ngàn lượt người, góp phần giảm sự quá tải cho các bệnh viện tuyến trên...

Với tấm lòng hết mình vì người bệnh và sự phấn đấu, học hỏi bác sĩ Zơ Rum Hán đã trở thành tấm gương sáng về một cán bộ y tế tận tụy, hết lòng với công việc, được cán bộ và đồng bào dân tộc Tà Riêng nơi đây tin yêu, kính trọng.


Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.