Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ngộ độc thực phẩm tại các điểm du lịch và bài toán giữ gìn thương hiệu

Hương Trà - 20:42, 23/09/2023

Liên quan đến vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng tại thành phố du lịch nổi tiếng - Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã có gần 150 du khách phải nhập viện, điều trị, trong đó có 30 khách nước ngoài. Chủ cơ sở sản xuất bánh mì Phượng đã có thư xin lỗi gửi đến khách hàng. Từ vụ việc đáng tiếc này cho thấy, không đơn thuần là việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn là vấn đề bảo vệ, giữ vững thương hiệu du lịch mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã và đang dày công xây dựng.

Lực lượng chức năng lấy mẫu bánh mì Phượng đưa đi xét nghiệm
Lực lượng chức năng lấy mẫu bánh mì Phượng đưa đi xét nghiệm

Chiều 21/9, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Mai Văn Mười cho biết, Viện Pasteur Nha Trang – Bộ Y tế vừa gửi thông báo đến Sở Y tế, Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Nam về kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan vụ ngộ độc thực phẩm, sau khi ăn bánh mì Phượng tại thành phố Hội An.

Kết quả kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm cho thấy, trong món chả phát hiện Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL. Mẫu thịt heo xíu (xá xíu) dương tính với Salmonella spp. Mẫu rau xà lách, rau răm, hành, dưa chuột phát hiện Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL và Salmonella spp. Mẫu thịt xíu mại có chủng Bacillus celeus sinh độc tố NHE và HBL và Salmonella spp.

Theo các bác sĩ, vi khuẩn Bacillus celeus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau Salmonella. Bacillus cereus phổ biến trong môi trường, trong phân, đất nên dễ bị nhiễm vào thực phẩm. Khuẩn này có khả năng tồn tại ở dạng bào tử và đề kháng với nhiệt cao. Thực phẩm chứa độc tố của vi khuẩn này thường gây ra hai dạng ngộ độc.

 Hội An (Quảng Nam) là thành phố du lịch của Việt Nam, vốn được rất nhiều du khách nước ngoài tìm đến. Theo các số liệu thống kê mới nhất, 6 tháng đầu năm 2023, Hội An đón gần 2 triệu lượt khách, trong đó 2/3 là khách quốc tế, chiếm phân nửa số khách đến tỉnh Quảng Nam. Hội An ngày càng nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới do vậy, du khách dễ dàng tìm thấy nhiều dịch vụ tại đây từ nhà hàng đến quán ăn đường phố, xe đạp cho thuê, hàng lưu niệm…, trong đó các tiệm bánh mì rất được du khách nước ngoài ưa thích. Tiệm bánh mì Phượng ở trung tâm phố cổ, từ lâu đã trở thành điểm check-in trải nghiệm ẩm thực Hội An của du khách trong và ngoài nước.

Được biết, bánh mì Phượng là thương hiệu nổi tiếng ở Hội An hơn 35 năm qua, đã được mở tại Hàn Quốc và được đầu bếp Anthony Bourdain của Mỹ mệnh danh là, món "bánh mì ngon nhất thế giới". Từ đó, bánh mì Phượng càng trở nên nổi tiếng, thu hút đông thực khách trong và ngoài nước. Hàng nghìn du khách đến Hội An mỗi ngày sẵn sàng xếp hàng dài chờ đến lượt mua.

Sự cố ngộ độc bánh mì Phượng, là hồi chuông cảnh báo để Hội An cũng như các điểm đến khác trong cả nước kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề an toàn thực phẩm, nhất là ẩm thực đường phố. Có ý kiến cho rằng, thành phố Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam đang quảng bá là điểm đến xanh và an toàn, vì vậy chính quyền địa phương cần đưa khẩu hiệu này vào thực tế cuộc sống nhanh hơn, mạnh hơn thông qua tuyên truyền và lan tỏa những cách làm theo đúng thông điệp đưa ra.

Có thể nói rằng, ẩm thực là một yếu tố cấu thành quan trọng trong chuyến du lịch của du khách. Trong văn hóa của các nước, thì ẩm thực không chỉ là ăn uống mà còn là văn hóa, đặc trưng, sinh hoạt vùng miền.

 Điểm đến du lịch ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, ẩm thực luôn là sản phẩm được du khách quốc tế quan tâm tìm kiếm, khi họ đến vùng miền nào cũng sẽ lựa chọn ẩm thực đầu tiên để khám phá.

 Từ vụ ngộ độc thực phẩm tại các điểm du lịch, bài toán đặt ta không đơn thuần là việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn là vấn đề bảo vệ, giữ vững thương hiệu du lịch mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã và đang dày công xây dựng
Từ vụ ngộ độc thực phẩm tại các điểm du lịch, bài toán đặt ra không đơn thuần là việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn là vấn đề bảo vệ, giữ vững thương hiệu du lịch mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã và đang dày công xây dựng

 Trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, thì các món ăn luôn thu hút du khách quốc tế thưởng thức. Trong sản phẩm du lịch văn hóa, ẩm thực cũng luôn là yếu tố quan trọng, là điểm mạnh để marketing cho điểm đến, với điểm nhấn là chất liệu món ăn, văn hóa vùng miền cho đến văn hóa ẩm thực, tạo sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam.

Những yếu tố đặc biệt  được đặt ra này, không chỉ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, mà quan trọng hơn, là bài toán giữ gìn hình ảnh điểm đến nổi tiếng, giữ gìn thương hiệu du lịch, bởi thương hiệu không phải là xây dựng được trong một sớm một chiều?.