Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghề làm gốm truyền thống của người Thái ở Mường Chanh

Đình Thành - Thúy Hồng - 10:45, 17/04/2020

Mảnh đất Mường Chanh, huyện Mai Sơn (Sơn La) nhờ thiên nhiên ưu đãi đã làm nên thương hiệu gạo Mường Chanh dẻo, thơm nhất vùng. Không chỉ vậy, với chất đất sét pha cao lanh đặc trưng chỉ có ở nơi đây, cộng với đôi bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc Thái đã tạo ra các sản phẩm gốm Mường Chanh độc đáo nức tiếng một thời.

Ông Hoàng Văn Nam, bản Noong Ten, xã Mường Chanh (huyện Mai Sơn) kiểm tra các sản phẩm gốm truyền thống
Ông Hoàng Văn Nam, bản Noong Ten, xã Mường Chanh (huyện Mai Sơn) kiểm tra các sản phẩm gốm truyền thống

Ông Hoàng Văn Nam, 75 tuổi ở bản Noong Ten vẫn lưu giữ nghề gốm truyền thống của Mường Chanh. Trong ngôi nhà sàn có nhiều sản phẩm gốm mới ra lò, ông Nam chia sẻ: Không biết nghề làm gốm của người dân Mường Chanh có từ lúc nào, nhưng từ ngày còn bé, tôi đã được cùng cha làm gốm và theo mẹ mang gốm đi bán hoặc đổi lấy vải, gạo, gà, lợn... 

Theo ông Nam, để làm ra sản phẩm gốm Mường Chanh, nguyên liệu phải là loại đất dẻo, đất sét pha cao lanh có chất lượng tốt với nhiều màu sắc, như: Xanh xám, đen, vàng, hanh đỏ, loại đất này chỉ ở xã Mường Chanh mới có. Để lấy đất, sau mỗi vụ gặt lúa, người làm gốm phải đào sâu khoảng 1m ở ruộng mới tới lớp đất làm gốm dày khoảng 20 - 50cm. Sau khi lấy được đất về, phải giã đất thật nhuyễn và dẻo, sau đó mới tạo hình trên bàn xoay bằng thớt gỗ tròn có đường kính khoảng 40cm, cao 20cm, úp trên một trụ gỗ chôn chặt dưới gầm sàn.

Để tạo ra được một sản phẩm gốm phải trải qua nhiều công đoạn, tất cả đều làm thủ công như: Giã đất, nặn gốm, phơi và nung. Chẳng hạn như làm chum hay lọ, đầu tiên phải rắc một lớp tro mịn chống dính lên bàn xoay, đặt miếng đất sét lên mặt, miết xung quanh cho đất dính chặt vào bàn, dùng gậy gỗ dát mỏng, làm nhẵn mặt đáy, sau đó lấy dao tre cắt đáy kết hợp quay bàn xoay thành một vòng tròn quanh đáy sản phẩm. 

Sau khi tạo hình hoàn chỉnh sản phẩm rồi phơi hoặc sấy khô thì đến công đoạn nung gốm. Đây là khâu quyết định chất lượng sản phẩm. Ban đầu, lò được đốt nhỏ lửa để sấy gốm cho khô khi gốm chuyển sang màu hồng lửa, mới tăng thêm củi cho gốm chín. Để tạo màu sắc cho gốm, người thợ lấy lá cây dẻ cho vào lò rồi lấp cửa, lấp ống khói, trong quá trình ủ, lá dẻ cháy tạo thành khói đen ám vào sản phẩm và sinh ra màu xám đen đặc trưng của gốm Mường Chanh. Thời gian nung gốm mất một ngày một đêm, sau đó ủ tiếp trong lò tạo độ chắc, bền cho gốm và chờ đến khi nguội hẳn mới dỡ lò. 

Sản phẩm gốm của người Thái Mường Chanh thuộc loại gốm trơn, không tráng men nhưng nhẹ, bền chủ yếu là gốm gia dụng như: Chum, bình có quai, nồi nấu cách thủy, cối... Các sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho người dân địa phương và phục vụ khách du lịch. “Do những sản phẩm gốm Mường Chanh được làm thủ công và không tráng men nên đến nay vẫn được nhiều người tìm mua, nhất là khách du lịch”, ông Nam cho biết thêm.

Mặc dù gốm Mường Chanh vẫn được nhiều người ưa chuộng, nhưng do làm gốm tốn nhiều thời gian, công sức nên thế hệ trẻ hiện nay không còn mặn mà với nghề gốm truyền thống của dân tộc mình. Cả xã hiện chỉ còn vài gia đình đang gìn giữ, lưu truyền nghề gốm của cha ông. 

Chia sẻ về việc bảo tồn nghề gốm truyền thống của địa phương, ông Cầm Văn Lãnh, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh cho biết: Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ nghiên cứu mở rộng phát triển và bảo tồn nghề gốm thủ công truyền thống của dân tộc Thái. Đây cũng là hướng tạo nghề cho lao động địa phương để phát triển kinh tế cho người dân.