Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Học sinh vùng cao, lội sông đến trường mùa mưa lũ

PV - 14:58, 25/09/2020

Cuộc sống khó khăn, con đường đến lớp của các em học sinh vùng cao nay lại càng gian nan gấp bội.

Học sinh vùng cao Tây Giang lội sông đến trường mùa lũ. Ảnh: Lê Văn Điệp
Học sinh vùng cao Tây Giang lội sông đến trường mùa lũ. Ảnh: Lê Văn Điệp

Năm học 2020-2021 bắt đầu chưa được bao lâu, cơn bão số 5 gây mưa lớn, lũ quét, ngập lụt tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã làm hư hại nhiều cơ sở hạ tầng, cuốn trôi nhiều tài sản khiến người dân lâm vào cảnh khó trăm bề.

Những ngày đầu năm học mới, cơn bão số 5 ập đến làm cây cầu treo bắc qua sông Chr’lang nối từ làng Ta Lang, xã Bha Lêê, huyện vùng cao Tây Giang ra Quốc lộ Hồ Chí Minh bị lũ cuốn trôi. Con đường đến lớp của hàng chục học sinh ở làng Ta Lang, xã Bha Lêê khó khăn hơn trước nhiều lần. Em A Lăng Thành Viên, học sinh lớp 8/1, trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Nguyễn Bá Ngọc, xã Bha Lêê cho biết, trước đây có cầu treo, em được bố chở đến trường mất khoảng 7-8 phút. Nay cầu treo không còn, xe máy không thể qua sông Chr'lang nên Viên phải dậy từ 5 giờ sáng để lội sông đến trường.

Viên cho hay, vì đường khá xa, em phải đi bộ mất gần 1 tiếng đồng hồ mới tới trường: “Giờ đây, không có cầu nên em phải đi bộ gần tiếng đồng hồ mới đến trường. Sáng nay, em nhịn ăn sáng vì mẹ không kịp nấu bữa sáng. Một ngày em học hai buổi nên sang sông đến bốn lần. Mỗi lần đi học phải mang theo một bộ đồ để sau khi sang sông để thay đi học”.

Không có cầu treo, các em học sinh cấp 2 có thể tự mình lội sông đi học. Còn học sinh tiểu học và mầm non ba mẹ phải cõng qua sông. Chị A Lăng Đên ở thôn Ta Lang, xã Bha Lêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, chị có hai con, đứa lớn học lớp 10 và đứa nhỏ đang học lớp 5. Mấy ngày nay, vợ chồng chị phải thay phiên cõng con út qua sông đi học, không còn thời gian làm công việc nương rẫy.

“Nhiều ngày nay đều đặn, hai vợ chồng thay phiên nhau, sáng cõng con đi, trưa cõng về, đầu giờ chiều cõng đi và 4h chiều cõng về. Cả ngày mỗi việc đưa con đi học đã mất hết thời gian rồi. Giờ xe không đi qua được nên đành đi bộ hết”, chị Đên chia sẻ.

Đường lên vùng cao ách tắc do sạt lở (Ảnh: Lê Văn Điệp)
Đường lên vùng cao ách tắc do sạt lở (Ảnh: Lê Văn Điệp)

Hơn 1 tuần trôi qua, thầy Huỳnh Phước Tài, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Nguyễn Bá Ngọc, xã Bha Lêê huyện Tây Giang vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về trận lũ quét xảy ra vào tối 17/9 rạng sáng 18/9 vừa qua. Thầy Tài tâm sự, lên miền núi công tác hơn chục năm nay, đây là lần đầu tiên thầy chứng kiến trận lũ kinh hoàng đến vậy. Mưa to, nước lên quá nhanh, mọi người không kịp trở tay. Thầy Tài cho biết, thầy cô chỉ kịp đưa 200 học sinh nội trú chuyển lên tầng cao hơn, còn toàn bộ tài sản của nhà trường đã bị cơn lũ nhấn chìm.

Theo bà Lê Kim Vân, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, bão số 5 gây ra trận lũ quét vừa qua đã làm hư hại nhiều cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn. Hiện, các thầy cô giáo ở vùng cao vừa nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ, vừa đến từng nhà vận động học sinh tiếp tục đến trường: “Cơn bão số 5 vừa rồi đã gây thiệt hại cho hơn 50% số trường trên địa bàn huyện. Hiện, những nơi đang bị cô lập, một số học sinh vẫn chưa thể trở lại trường. Chúng tôi đang phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và phụ huynh tập trung khắc phục hậu quả trước mắt như có thể làm cầu tạm để đưa các em tiếp tục đến trường”./.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...