Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI sẽ được tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn

Ngọc Vân - 17:23, 13/10/2024

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI do Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sẽ diễn ra vào đầu tháng 11/2024.

Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ X
Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ X

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, tại tỉnh Lạng Sơn năm 2024 với chủ đề “Văn hóa vùng Đông Bắc - Bản sắc, hội nhập và vươn xa”, dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 02 đến ngày 04/11/2024, tại thành phố Lạng Sơn, với sự tham gia của 8 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và tỉnh Lạng Sơn.

Các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Đông Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; giới thiệu những tiềm năng về văn hóa, thể thao và du lịch, phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Đông Bắc để góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; đây cũng là sự kiện gắn với chào mừng kỷ niệm 193 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (04/11/1831 - 04/11/2024) và 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 - 04/11/2024) là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

Ngày hội còn là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc vùng Đông Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Đồng thời là cơ hội để các tỉnh tham gia Ngày hội nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng giới thiệu, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tới bạn bè trong nước và quốc tế; qua đó thúc đẩy hiểu biết, tăng cường nhận diện, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm nhấn đáng chú ý trên bản đồ văn hóa toàn cầu.

Lễ Khai mạc Ngày hội từ 20h00’ ngày 02/11/2024 (thứ Bảy), dự kiến truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và tiếp sóng trên Đài Phát thanh – Truyền hình các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội tại địa điểm sân khấu chính quảng trường đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn.

Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch gồm: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc; Trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; Trưng bày, chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống; Liên hoan văn nghệ quần chúng và Trình diễn trang phục các dân tộc vùng Đông Bắc; Tổ chức các hoạt động thể thao truyền thống (nội dung thi đấu gồm 4 môn: kéo co, đẩy gậy, tung còn và đi cà kheo); Thi trình diễn kỹ năng hướng dẫn viên du lịch; Hội thảo khoa học “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc – khơi nguồn và phát triển”; Chương trình du lịch ẩm thực Lạng Sơn…

Cùng với đó là một số hoạt động khác như: Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Trưng bày triển lãm ảnh “Đại gia đình các dân tộc vùng Đông Bắc – Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”; Không gian quảng bá văn hóa, du lịch các huyện, thành phố Lạng Sơn của tỉnh Lạng Sơn.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.