Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ

Tuyết Mai-Thúy Hồng - 22:59, 09/10/2024

Lạng Sơn – miền đất địa đầu phía Bắc của Tổ quốc hiện còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa đặc sắc, trong đó, có Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ diễn ra vào tháng Giêng hằng năm. Năm 2015, Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo này, từng bước nâng tầm giá trị di sản, những năm qua, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực.

Nghi lễ rước kiệu truyền thống từ đền Tả Phủ về đền Kỳ Cùng vào tháng Giêng năm 2024
Nghi lễ rước kiệu truyền thống từ đền Tả Phủ về đền Kỳ Cùng vào tháng Giêng năm 2024

Gìn giữ giá trị di sản Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ

Không chỉ nổi tiếng là dòng sông chảy ngược duy nhất ở miền Bắc, sông Kỳ Cùng còn gắn liền với những huyền tích, di tích, lễ hội độc đáo của Xứ Lạng. Là một trong những di tích nổi tiếng, đền Kỳ Cùng tọa lạc tại bờ Bắc của sông Kỳ Cùng, được xây dựng vào khoảng thời Hậu Lê, ban đầu thờ Thần Giao Long (Thần sông Kỳ Cùng) và hiện nay thờ Quan lớn Tuần Tranh. Năm 1993, di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ) xếp hạng cấp quốc gia; năm 2015, Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ chính của lễ hội tập trung chủ yếu vào hai ngày (22 và ngày 27 tháng Giêng), trong đó có lễ tế khai hội, đón rước và lễ an vị, lễ tạ. Đúng vào giờ Ngọ ngày 22 tháng Giêng, lễ rước kiệu đặt bát hương quan lớn Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng sang đền Tả Phủ được thực hiện trang nghiên, long trọng. Đến ngày 27 tháng Giêng lại rước quan lớn Tuần Tranh về lại đền Kỳ Cùng.

Theo ông Phan Văn Hòa, mối liên hệ và sự gắn kết giữa hai đền thông qua truyện kể về nỗi oan khuất của Quan lớn Tuần Tranh được Hán quận công Thân Công Tài, chứng minh và giải oan. Vì vậy để báo đáp công ơn của Hán quận công Thân Công Tài, hằng năm trong dịp Lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Cùng, bát hương quan lớn Tuần Tranh được Nhân dân rước từ đến đền Tả Phủ (nơi thờ Hán quận công Thân Công Tài) để dự hội Đầu pháo và tạ ơn người giải oan.

“Đây chính là sự liên quan, gắn kết trong lễ hội truyền thống giữa hai di tích đền Kỳ Cùng và đền Tả Phủ, tuy hai di tích nhưng có chung một Lễ hội gọi là lễ hội truyền thống đền Kỳ Cùng – Tả Phủ hay lễ hội truyền thống đền Tả Phủ - Kỳ Cùng”, ông Phan Văn Hòa cho biết.

Màn tranh cướp Đầu pháo đặc sắc tại lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ năm 2024
Màn tranh cướp Đầu pháo đặc sắc tại Lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ năm 2024

Phần hội bao gồm những nghi thức rước kiệu và các trò chơi, như: cướp đầu pháo, cờ tướng, kéo co, đấy gậy, võ thuật, lễ hội ẩm thực, hát sli, lượn, quan họ... được diễn ra với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân thành phố Lạng Sơn và du khách thập phương.

Đặc sắc nhất trong Lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ là màn tranh cướp đầu pháo vào sáng ngày 27 tháng Giêng. Theo Nhân dân trong vùng truyền tụng rằng, vào thời kỳ nhậm chức của Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài, có một năm giặc cướp nổi lên quấy nhiễu dân lành, ông đã huy động lực lượng đồn trú phối hợp cùng Nhân dân đánh tan giặc. Sau chiến thắng đó ông cho Nhân dân trong vùng hằng năm mở hội mừng thắng trận vào dịp đầu xuân năm mới, hội Đầu pháo bắt đầu từ đó.

Ông Đặng Minh Thuận, thành viên Bộ phận Thường trực di tích đền Tả Phủ cho biết: Trong ngày 27, mọi người tập trung tại khu vực sân trước đền Tả Phủ để chứng kiến hội Đầu pháo. Đầu pháo được thờ cúng quanh năm theo đúng phong tục của nhà đền. Theo dân gian "nếu ai tranh được đầu pháo trong ngày hội mang về nhà thờ thì trong năm và cũng như những năm về sau gia đình và dòng tộc sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt".

Bảo tồn, tôn tạo di tích

Nhận thức rõ vai trò, tiềm năng của hệ thống di sản văn hóa dọc hai bên sông Kỳ Cùng, trong những năm qua, ngành Văn hóa và chính quyền các cấp trong tỉnh Lạng Sơn đã có một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá ven sông Kỳ Cùng như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực di tích, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ di tích; tham mưu lập và thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ; bảo quản tu bổ, phục hồi một số di tích: đền Kỳ Cùng, đền Cửa Đông, đền Cửa Tây, đình Vằng Khắc, đền Mẫu Thoải… gắn với việc duy trì các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa tâm linh tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng.

Lễ hội Kỳ Cùng-Tả Phủ là điểm hẹn văn hóa xứ Lạng
Lễ hội Kỳ Cùng-Tả Phủ là điểm hẹn văn hóa xứ Lạng

Năm 2018, di tích đền Kỳ Cùng, phường Vĩnh Trại đã được tu bổ, tôn tạo mở rộng diện tích đền chính từ 285 mét vuông lên 487,3 mét vuông với kinh phí gần 20 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lạng Sơn đã lồng ghép, đẩy mạnh một số hoạt động trong Tuần Văn hóa - Thể Thao và Du lịch, đề án bảo tồn, phát huy giá trị hoa đào… và một số hoạt động khác dọc sông Kỳ Cùng như: tổ chức đua bè mảng gắn với lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ, trồng hoa đào tại một số điểm ven sông Kỳ Cùng. Hiện nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lạng Sơn đang nghiên cứu, tham mưu thực hiện ý tưởng phục dựng hoặc minh họa bằng công nghệ nghi thức sứ bộ hai nước Việt Nam - Trung Quốc qua bến đá bờ sông Kỳ Cùng… 

Song song với đó, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân Sở Văn hóa,  Thể thao và Du lịch Lạng Sơn đang tiếp tục phối hợp với các địa phương mở các lớp truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể và thành lập các câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hoá tại các địa bàn ven sông kỳ Cùng. Cụ thể, năm 2023, Sở đã mở 10 lớp truyền dạy các làn điệu dân ca: Then, Sli, Lượn và các điệu múa sư tử mèo cũng như nghề thêu, dệt truyền thống... 

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Lễ hội truyền thống đền Kỳ Cùng - Tả Phủ, cùng với những lễ hội khác đã góp làm tăng thêm vẻ đẹp và sức hấp dẫn của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.