Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nếu thuận lợi, tháng 9/2021 sẽ có vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam

PV - 14:56, 26/03/2021

“Tôi tin nếu thuận lợi đến tháng 9/2021 chúng ta sẽ có vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam, thậm chí khả năng này rất cao. Chúng ta có quyền tin sẽ thành công”, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên và cám ơn các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Nano Covax. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên và cám ơn các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Nano Covax. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sáng 26/3, tại Học viện Quân Y (Bộ Quốc phòng), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đến thăm và động viên động viên lực lượng tham gia nghiên cứu, các tình nguyện viên tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 của vaccine Nano Covax.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cám ơn các tình nguyện viên đã tham gia thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, phát triển. Mỗi tình nguyện viên đang trực tiếp đóng góp và quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine của Việt Nam để làm sao trong thời gian nhanh nhất có được vaccine phòng COVID-19 phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Đây cũng là mà còn là niềm tự hào, tin tưởng đối với đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu phát triển vaccine của Việt Nam, cũng là mong mỏi của Nhân dân.

Một nam tình nguyện viên đã 68 tuổi (ở huyện Đông Hưng, Thái Bình) cho biết sau khi tiêm mũi 1 vào ngày 26/2, ông không ghi nhận bất kỳ phản ứng bất thường nào kể cả đau vết tiêm hoặc sốt nhẹ. Tuy nhiên, liên tục trong 7 ngày ông tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn về theo dõi sức khỏe liên tục tại nhà.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với một tình nguyện viên cao tuổi đang theo dõi sau tiêm. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với một tình nguyện viên cao tuổi đang theo dõi sau tiêm. Ảnh: VGP/Đình Nam

Các tình nguyện viên bày tỏ sự tin tưởng vào thành công của vaccine do đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, phát triển và mong muốn trong thời gian tới tất cả mọi người dân sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19 do Việt Nam sản xuất.

Liên quan đến thông tin thiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, đến nay, thời gian nghiên cứu, phát triển vaccine Nano Covax đã rút ngắn đến mức tối đa có thể nhưng vẫn đảm bảo an toàn, đánh giá khoa học, chính xác tính sinh miễn dịch của vaccine, nhằm mục tiêu sớm có vaccine an toàn, hiệu quả cho người Việt Nam.

Giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine Nano Covax rất an toàn, tạo ra kháng thể tốt, khả năng trung hoà virus tốt, đã có kháng thể chống lại virus biến chủng mới tại Anh (B117). Theo đó, giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine với số lượng mẫu lớn hơn giai đoạn 1 (với 560 tình nguyện viên), tiếp tục làm thử nghiệm đôi, đa trung tâm nhằm đánh giá tính an toàn, chú trọng hơn đến hiệu quả, sinh kháng thể và khả năng diệt virus của kháng thể đó. Dự kiến cuối tháng 4/2021 sẽ kết thúc mũi tiêm thứ 2 của giai đoạn 2.

Trong giai đoạn 2, vaccine Nano Covax được tiêm thử nghiệm đồng thời tại Học viện Quân y và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (tỉnh Long An, do Viện Pasteur TPHCM cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện) từ ngày 25/3-6/4, mỗi đơn vị sẽ tiêm cho 280 tình nguyện viên. Ảnh: VGP/Đình Nam
Trong giai đoạn 2, vaccine Nano Covax được tiêm thử nghiệm đồng thời tại Học viện Quân y và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (tỉnh Long An, do Viện Pasteur TPHCM cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện) từ ngày 25/3-6/4, mỗi đơn vị sẽ tiêm cho 280 tình nguyện viên. Ảnh: VGP/Đình Nam

“Với tiến độ như hiện nay, đến cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021 có thể trình Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thông qua giai đoạn 3, có thể cấp phép tiêm thử nghiệm trên diện rộng hơn. Đến nay, thời gian nghiên cứu, sản xuất vaccine Nano Covax đã rút ngắn đến mức tối đa có thể nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học an toàn nhằm mục tiêu sớm có vaccine an toàn, hiệu quả cho người Việt Nam”, Giám đốc Học viện Quân y cho biết.

Cũng theo Giám đốc Học viện Quân y cho biết, quy trình nghiên cứu, thử nghiệm vaccine của thế giới, điều quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả vaccine trong bảo vệ người được tiêm không bị nhiễm trong môi trường có thể có lây nhễm trong cộng đồng. Có một quy định cho phép đối với 1 vaccine đã được công nhận, ở đây là vaccine Astrazeneca, thì có thể cho phép thử nghiệm so sánh để xem hiệu lực bảo vệ, khả năng sinh kháng thể, diệt virus của vaccine đang thử nghiệm, nếu tương đương hoặc hơn thì có thể cấp phép sử dụng được.

Việc thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ cần khoảng 10.000 người trong đó có 5.000 người tiêm vaccine Astrazeneca và 5.000 người tiêm vaccine Nanocovax để có cơ sở khoa học so sánh những tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn, hiệu quả sinh kháng thể, diệt virus. Với phương pháp như vậy chúng ta hoàn toàn có thể làm được với điều kiện của Việt Nam.

Ảnh: VGP/Đình Nam
Ảnh: VGP/Đình Nam

“Tôi tin nếu thuận lợi đến tháng 9/2021 chúng ta sẽ có vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam, thậm chí khả năng này rất cao. Chúng ta có quyền tin sẽ thành công”, GS.TS Đỗ Quyết nói.

Nano Covax là vaccine đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người, do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu. Giai đoạn 2 tiêm thử nghiệm có 560 tình nguyện viên tham gia, mở rộng đối tượng từ 18 đến trên 60 tuổi, trong đó một số người có bệnh nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch độ 1... không quá nặng.

Các tình nguyện viên được chia thành 4 nhóm tiêm thử, trong đó 80 người được tiêm “giả dược”; các tình nguyện viên còn lại được chia tiêm 3 nhóm liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg.

Đợt tiêm thử nghiệm lần này có 105 tình nguyện viên trên 60 tuổi; tình nguyện viên cao tuổi nhất 76 tuổi. Đợt tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 Nano Covax giai đoạn 2 được tổ chức tại hai điểm: Học viện Quân y và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An)./.