Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mộc mạc-tiếng chiêng tre của người Ê-đê

PV - 09:27, 31/07/2018

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng là linh hồn dân tộc chứa đựng giá trị lớn trong đời sống văn hóa tinh thần, phong tục, nghi lễ… Cồng chiêng gắn bó với con người từ lúc sinh ra đến khi về với Yang. Trước khi có chiêng đồng, người Ê-đê đã chế tác một loại chiêng rất độc đáo được làm bằng ống cây tre, gọi đó là ching kram hay chiêng tre với âm thanh mộc mạc, gần gũi.

cồng chiêng Cồng chiêng gắn bó với con người từ lúc sinh ra đến khi về với Yang. Trước khi có chiêng đồng, người Ê-đê đã chế tác một loại chiêng rất độc đáo được làm bằng ống cây tre, gọi đó là ching kram hay chiêng tre với âm thanh mộc mạc, gần gũi.

Ở buôn M’duk, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm là bậc thầy lâu năm trong truyền dạy cồng chiêng và chiêng tre. Bằng tâm huyết và niềm đam mê của mình, ông đã truyền dạy nhiều thế hệ hiểu và biết chơi loại nhạc cụ truyền thống đặc biệt này. Hiện nay, nghệ nhân Y Hiu đang truyền dạy cồng chiêng theo lời mời của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk và dạy chiêng tre miễn phí cho thiếu nhi trong buôn.

Trong khuôn sân rộng láng xi măng phẳng lì phía trước ngôi nhà sàn truyền thống, đám trẻ nhỏ người Ê-đê tập trung chờ nghệ nhân Y Hiu mang chiêng ra để bắt đầu buổi học. Những ống tre nhiều kích cỡ khác nhau cùng với các đạo cụ của bộ chiêng tre lần lượt được mang ra. Nghệ nhân Y Hiu phát từng bộ chiêng tre cho các học trò nhỏ để bắt đầu bài tập.

Theo lời nghệ nhân Y Hiu, chiêng tre có trước chiêng đồng, do chính người Ê-đê tạo ra từ những nguyên liệu tự nhiên, sẵn có trong rừng. Trước khi buôn làng sử dụng chiêng đồng, người Ê-đê đã biết chế tác và sử dụng chiêng tre làm nhạc cụ diễn tấu. Bộ chiêng tre thường có 5, 7, 9, 11 hoặc 19 chiếc hợp lại. Chế tác được một bộ ching kram rất kỳ công, cây tre chặt về phơi khô khoảng 2 tháng. Độ dài mỗi ống tre từ 29-45cm. Các ống tre được bịt kín một đầu giữ nguyên mắt, đầu còn lại gọt giũa để tạo âm thanh. Đi theo mỗi ống tre là một thanh tre già. Khi diễn tấu, người đánh kẹp ống tre vào 2 mặt đùi, đặt thanh tre già nằm ngay phía trên miệng ống, một đầu kê trên đùi một đầu đỡ bằng lòng bàn tay trái. Tay phải cầm khúc cây làm dùi gõ vào giữa thanh tre. Cũng như chiêng đồng, nghệ thuật chỉnh chiêng tre cũng đòi hỏi người nghệ nhân phải có một đôi tai thẩm âm thật tốt, và đôi tay khéo léo. Tùy theo độ lệch của âm cao hay thấp mà nghệ nhân cắt ngắn, hay gọt bớt miệng ống.

Trong dàn chiêng tre, mỗi chiếc ching kram có âm sắc, giai điệu với cung bậc riêng. Khi tất cả cùng vang lên sẽ tạo nên một dàn hợp xướng giống như chiêng đồng. Nếu âm thanh của chiêng đồng trầm bổng, chậm rãi, ngân vang thì chiêng tre lại có phần mộc mạc, rền chắc và rộn ràng.

Em Y Liăng Niê, 9 tuổi, buôn M’duk là thành viên nhỏ nhất của đội chiêng tre do nghệ nhân Y Hiu mở lớp dạy. Y Liăng chia sẻ: “Em thích cả cồng chiêng và chiêng tre, ngày đầu vì em nhỏ quá không xếp vào đội được. Mãi đến năm em học lớp 2, em mới được nhận vào đội chiêng để học. Thầy bảo em có năng khiếu, tiếp thu nhanh nên xếp em vào đội chính và để em được cùng đội chiêng tham dự thi tại ngày hội văn hóa vừa qua”.

Ông Y Siu Bya, Trưởng buôn M’duk, phường Ea Tam chia sẻ: Có thể nói, chiêng tre là món quà mà núi rừng Tây Nguyên đã ban tặng cho đồng bào dân tộc nơi đây. Với nhịp điệu vui tươi, rộn ràng, tiếng chiêng tre không chỉ đơn thuần để thư giãn, giải trí sau những giờ lao động mệt mỏi, mà đó còn là âm thanh kỳ diệu, linh thiêng kết nối tâm hồn con người với thần linh…

LÊ HƯỜNG