Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thanh Huyền - Hoàng Quý - 16:37, 30/07/2022

Ngày 30/7, tại tỉnh Tuyên Quang, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Ủy ban Dân tộc và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang về lĩnh vực giáo dục và đào tạo của tỉnh, trong đó có giáo dục dân tộc.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có giáo dục dân tộc đã được đưa ra tại buổi làm việc
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có giáo dục dân tộc đã được đưa ra tại buổi làm việc

Dự, chủ trì buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); Chẩu Văn Lâm - Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang. 

Tham dự buổi làm việc còn có đồng chí Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Ủy ban Dân tộc, Bộ GD&ĐT.

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, dân số trên 801.000 người, với 22 dân tộc sinh sống, trong đó DTTS chiếm 54%, 7 đơn vị hành chính, 138 xã, phường, thị trấn; 1.733 thôn, tổ dân phố. Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh không ngừng phát triển, quốc phòng an ninh được bảo đảm, đời sống Nhân dân ổn định, các chỉ tiêu về KT-XH đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn tỉnh Tuyên Quang quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn tỉnh Tuyên Quang quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS

Đối với lĩnh vực GD&ĐT, theo báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, trong những năm vừa qua, sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn có những chuyển biến tích cực. Điểm bình quân kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh từng bước được cải thiện vững chắc (năm 2022, Tuyên Quang xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 4/14 tỉnh miền núi phía Bắc). Tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ cao hơn bình quân của cả nước. Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.

Công tác quản lý có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực. Chất lượng của đội ngũ nhà giáo từng bước được nâng cao. Tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông công lập, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Mạng lưới trường, lớp tiếp tục được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được bổ sung.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Tuyên Quang đã dành nhiều sự quan tâm đến giáo dục
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Tuyên Quang đã dành nhiều sự quan tâm đến giáo dục

Về giáo dục dân tộc, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về phát triển hệ thống trường PTDT nội trú, PTDT bán trú trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai Đề án 5 thí điểm tổ chức mở lớp học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp học trung cấp nghề tại xã đặc biệt khó khăn ( xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên), nơi có tỷ lệ học sinh DTTS bỏ học cao (chủ yếu là dân tộc Mông) để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh DTTS đến lớp, tăng tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS.

Năm học 2021 - 2022, tỉnh chuyển đổi 3 trường PTDT nội trú THCS thành trường PTDT nội trú liên cấp THCS - THPT và 4 trường phổ thông thành trường PTDT bán trú liên cấp TH - THCS. Hiện toàn tỉnh đã có 7 trường PTDT nội trú với 2.754 học sinh; 297 trường PTDT bán trú với 11.202 học sinh. Tỷ lệ học sinh DTTS được chăm sóc giáo dục trong trường PTDT nội trú, PTDT bán trú đạt 12%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng quà lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng quà lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang

Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho học sinh vùng đồng bào DTTS theo quy định bảo đảm kịp thời, chính xác, đúng đối tượng được thụ hưởng. Tỉnh đã cấp phát 1.696.191 kg gạo; trên 38 tỷ đồng hỗ trợ tiền ăn, ở cho 12.803 học sinh bán trú; hỗ trợ chi phí học tập trên 7 tỷ đồng cho 611 học sinh DTTS rất ít người.

Tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan quan tâm đến các chính sách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến quy chế hoạt động của Trường PTDT bán trú, điều kiện học tập của học sinh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi...

Tỉnh kiến nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan tâm đối với tỉnh trong thực hiện Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để đầu tư phát triển hệ thống trường PTDT nội trú, PTDT bán trú. Sớm hỗ trợ nguồn vốn ODA để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH của tỉnh nói chung, lĩnh vực GD&ĐT nói riêng.

Đồng tình với một số mô hình tỉnh đang thí điểm triển khai thực hiện, như: Mô hình liên cấp; giáo dục thường xuyên gắn với trung cấp nghề, Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn tỉnh có đánh giá, nếu phát huy hiệu quả có thể nhân rộng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên người DTTS, đặc biệt có chính sách ưu tiên tuyển dụng giáo viên, nhân viên người DTTS làm việc trong các trường PTDT nội trú, PTDT bán trú; quan tâm dạy tiếng nói, chữ viết DTTS trong trường học; gắn việc bảo tồn, truyền dạy bản sắc văn hóa vào trường học...

Về những kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị tỉnh quan tâm, triển khai hiệu quả và cho biết sẽ tiếp thu, tham mưu, giải quyết theo thẩm quyền.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu và đánh giá cao tỉnh Tuyên Quang đã dành sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục bằng những chính sách cụ thể. Chia sẻ những khó khăn của tỉnh, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài.

Để sự nghiệp GD&ĐT đạt được nhiều thành công trong giai đoạn mới, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị tỉnh quan tâm đến khung chương trình tài liệu học tập; tăng cường giáo dục văn hóa truyền thống; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên; tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em học sinh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh Tuyên Quang và đánh giá cao tỉnh Tuyên Quang đã dành sự quan tâm đến giáo dục. Bộ trưởng khẳng định, câu chuyện giáo dục là vấn đề liên ngành, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho các cá nhân đã có đóng góp cho sự nghiệp GD&ĐT
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho các cá nhân đã có đóng góp cho sự nghiệp GD&ĐT

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục chung, vừa thực hiện nhiệm vụ đặc thù, quan tâm đến giáo dục dân tộc. Triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới. Rà soát, chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho năm học mới. Tích cực xã hội hóa giáo dục phù hợp. Đẩy mạnh kiên cố hóa trường học. Hợp lý hóa về mạng lưới. Chuẩn hóa về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Đổi mới mô hình đào tạo trường nội trú....

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm trân trọng cảm ơn những ý kiến thảo luận, chỉ đạo, gợi mở của các đồng chí lãnh đạo đối với tỉnh Tuyên Quang trong phát triển sự nghiệp GD&ĐT nói riêng, KT-XH của tỉnh nói chung. Chia sẻ những khó khăn và định hướng phát triển của tỉnh thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang mong muốn các đồng chí lãnh đạo, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm đến tỉnh Tuyên Quang trong việc thực hiện các chương trình, chính sách, nâng cao chất lượng giáo dục. Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang khẳng định sẽ phối hợp tốt với các bộ, ngành, vào cuộc quyết liệt để hoàn thành các chương trình, chính sách theo kế hoạch đã đề ra.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 366 cá nhân của tỉnh Tuyên Quang đã có đóng góp cho sự nghiệp GD&ĐT.