Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nậm Nhùn (Lai Châu): Quan tâm bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Mảng

Thảo Khánh - 20:25, 24/12/2024

Để bảo tồn, gìn giữ truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Mảng, huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) đã quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; cùng với đó là sử dụng các nguồn hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để góp phần giữ gìn và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mảng.

Ông Hà Văn Ruệ- Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Nhùn, Trưởng Ban Tổ chức các lớp truyền dạy trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình lớp truyền dạy
Ông Hà Văn Ruệ- Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Nhùn, Trưởng Ban Tổ chức các lớp truyền dạy trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình lớp truyền dạy

Là một trong những dân tộc ít người đang sinh sống trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, dân tộc Mảng có đời sống văn nghệ khá phong phú. Hiện nay, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn còn có 740 hộ với 3.416 nhân khẩu là người dân tộc Mảng sinh sống tại 5 xã, với 15 bản. Người Mảng tại Nậm Nhùn cũng có ngôn ngữ riêng, có văn hoá đặc sắc như hát, múa, đàn, sáo và có các nghề tiểu thủ công như rèn đúc, nghề mộc, nghề dệt vải, đan lát….

Trong những năm qua, các cấp, các ban, ngành, đoàn thể đã luôn quan tâm đến việc bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa độc đáo của dân tộc trong đó có dân tộc Mảng. Việc tổ chức Lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống dân tộc Mảng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn là một hoạt động có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc nói chung và bảo tồn các bài hát, điệu múa cũng như những bài sáo của dân tộc Mảng tại địa phương.

Ghi nhận tại xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), xã có 6 bản với 337 hộ, hơn 1.770 nhân khẩu, xã có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông và dân tộc Mảng, trong đó dân tộc Mông chiếm 58,2%, dân tộc Mảng chiếm 39,7%. Đối với bà con dân tộc Mảng ở nơi đây, cuộc sống phụ thuộc nhiều vào tự nhiên đã góp phần hình thành nên một hệ thống các nghi lễ nông nghiệp.

Trong năm 2023, năm 2024, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Nhùn phối hợp với cấp ủy chính quyền xã Nậm Pì và xã Trung Chải đã tổ chức mở lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống của dân tộc Mảng tại bản Pá Bon của xã Nậm Pì và bản Nậm Sảo 1 của xã Trung Chải.

Nghệ nhân ưu tú Sìn Văn Điện hướng dẫn Đội văn nghệ bản Pá Bon các bài hát bằng tiếng dân tộc Mảng
Nghệ nhân ưu tú Sìn Văn Điện hướng dẫn Đội văn nghệ bản Pá Bon các bài hát bằng tiếng dân tộc Mảng

Mỗi lớp học có 30 học viên đều là thành viên của Đội văn nghệ của các bản có đồng bào dân tộc Mảng sinh sống. Tại lớp học, dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, biên đạo múa các học viên là người dân tộc Mảng trên địa bàn bản Nậm Sảo 1 đã được học cách sử dụng nhạc cụ Lờ lầm (sáo dài của đồng bào dân tộc Mảng), biết hát một số bài hát Mảng cơ bản, tiếp thu được các động tác múa sao cho đều, đẹp, mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Mảng.

Đây là một trong các hoạt động chính nằm trong Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030".

Chị Lùng Thị Lan- người dân tộc Mảng, thành viên Đội văn nghệ bản Nậm Sảo 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết: Tham gia Lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống của dân tộc Mảng chúng tôi đã được các nghệ nhân hướng dẫn rất bài bản các động tác múa truyền thống của dân tộc, được học các bài hát rất hay của đồng bào dân tộc Mảng. Thông qua Lớp học, mỗi học viên đều cảm thấy thêm yêu, tự hào về truyền thống văn hoá của dân tộc mình. Sau Lớp học, chúng tôi sẽ thường xuyên luyện tập, trình diễn các tiết mục đặc sắc trong các dịp lễ, Tết, ngày hội của đồng bào dân tộc.

Tương tự như em Lò Thanh Thuý (sinh năm 2012), dân tộc Mảng ở bản Nậm Sảo 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, bộc bạch: Em cảm thấy đây là một lớp học có ý nghĩa rất lớn. Chúng em là các thế hệ trẻ ngày nay được tiếp xúc nhiều với văn hoá hiện đại nên nếu không được tham gia các lớp học như thế này thì văn hoá truyền thống sẽ có nguy cơ cao bị mai một. Ngoài ra, việc được tiếp cận với văn hoá truyền thống sẽ giúp chúng em có thêm hiểu biết và thêm yêu truyền thống văn hoá của dân tộc Mảng. Mặc dù Lớp học diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng em đã học được một số bài hát và động tác múa cơ bản, em sẽ giới thiệu và lan toả tới các bạn cùng trang lứa, để văn hoá truyền thống của dân tộc Mảng sẽ được lưu truyền và phát huy theo thời gian, năm tháng.

Các học viên biểu diễn tiết mục múa của đồng bào dân tộc Mảng đã được học tại lớp truyền dạy
Các học viên biểu diễn tiết mục múa của đồng bào dân tộc Mảng đã được học tại Lớp truyền dạy

Nghệ nhân ưu tú dân tộc Mảng Sìn Văn Điện (một người luôn đau đáu với việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Mảng) đã xúc động rằng: Loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đồng bào dân tộc Mảng không có tài liệu lưu giữ mà chỉ được truyền khẩu từ năm này qua năm khác, từ người này qua người khác, từ đời này qua đời khác nên việc đối chiếu cũng gặp khó khăn và đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền; những người nắm giữ và thực hành di sản tuổi ngày càng cao, giới trẻ không mặn mà với vốn văn hóa, văn nghệ truyền thống và bị hấp dẫn bởi các thông tin, trò chơi, thiết bị công nghệ hiện đại khác; công tác sưu tầm và nghiên cứu vẫn chưa hệ thống và chưa đầy đủ; công tác truyền dạy còn ít chưa trở thành phong trào, ý thức tự giác trong cộng đồng. Do vậy, việc mở lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Mảng là việc làm cần thiết, qua đó tạo cơ hội, môi trường thuận lợi cho nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào dân tộc Mảng nói riêng có được sức sống trong cộng đồng, để cộng đồng gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa tốt đẹp được cha ông trao truyền.

Ông Hà Văn Ruệ- Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Nhùn, Trưởng Ban Tổ chức các lớp truyền dạy mong muốn rằng, trong thời gian tới, các nghệ nhân tiếp tục hướng dẫn các thành viên đội văn nghệ, đặc biệt là thế hệ trẻ để tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trong huyện nói chung, đồng bào dân tộc Mảng nói riêng; các học viên tranh thủ những lúc nông nhà để dành thời gian tập luyện để có thể mang bản sắc văn hóa dân tộc mình đi tham gia các hội thi, hội diễn do xã, huyện, tỉnh tổ chức nhằm quảng bá các nét đẹp truyền thống của dân tộc mình đến bạn bè, du khách trong và ngoài tỉnh; đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy những nét đẹp của đồng bào dân tộc trên địa bàn xã Trung Chải nói riêng và huyện Nậm Nhùn nói chung.

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.