Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên rộn rã tiếng cười

Tiêu Dao – Y Chiên - 16:54, 27/11/2021

Tây Nguyên hiện đang vào chính vụ thu hoạch cà phê. Giá cà phê năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái khiến người trồng cà phê rất phấn khởi.

Ông Trung với những người công nhân hái cà phê của mình
Chuẩn bị vào rẫy thu hoạch cà phê

Được mùa, được giá

Tây Nguyên vào tháng 10, tháng 11 là mùa gió chướng. Những cơn gió se lạnh ban sáng và cuối chiều cùng làn sương lãng đãng phủ trên những nương rẫy triền đồi, người người í ới gọi nhau lên rẫy thu hái  cà phê. Cũng như mọi năm, lượng người hái cà phê ở nhiều nơi đổ về các tỉnh Tây Nguyên rất đông. Vụ thu hoạch chỉ kéo dài hơn 1 tháng, đây cũng là khoảng thời gian để nhiều người tranh thủ làm công và có nguồn thu nhập đáng kể.

Ông Đặng Thanh Trung (47 tuổi), chủ vườn cà phê ở huyện Ia Grai (Gia Lai) “đánh” chiếc công nông đầu dọc, chở theo trên xe 10 người làm công vào rẫy cà phê của gia đình. Tiếng máy nổ giòn tan trong sương sớm hòa cùng tiếng trò chuyện rôm rả của mọi người. Trên đường đi, rất nhiều xe công nông, xe tải nhỏ cũng chở theo nhiều người hăm hở vào rẫy cà phê chín đỏ ối đang chờ thu hoạch.

Ông Trung bộc bạch: Nhiều người ở đồng bằng mới lên Tây Nguyên tưởng rằng làm cà phê dễ dàng hơn làm lúa. Thì cứ đến kỳ thu hoạch lại vào vườn hái quả, sau đó cân cho đại lý, lấy tiền. Nghe thì dễ nhưng để có được thành quả ấy, nhà vườn đã đổ mồ hôi không ít. Một năm lao động vất vả chỉ trông chờ vào một vụ thu hoạch. Nếu thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh, thiếu nước... thì tiền công đầu tư cả trăm triệu cho mỗi ha cà phê sẽ đổ xuống sông, xuống bể, người trồng sẽ thua lỗ nặng. Đấy là chưa kể đến việc giá cà phê lên xuống thất thường thì người trồng càng thiệt hại nhiều hơn nữa.

Vụ mùa năm nay, với hơn 4ha cà phê, ông Trung đã đầu tư gần 400 triệu đồng. Sản lượng cà phê của ông ước lượng cũng được khoảng 3,5 tấn cà phê nhân/ha. Ông Trung cho biết, vườn cà phê của gia đình ông chỉ ở mức trung bình, có nhiều vườn cà phê được đầu tư khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống cà phê mới TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12 cho năng suất từ 4 tấn cà phê nhân trở lên/ha.

Nụ cười của người nông dân thu hoạch cà phê (Ảnh TL)
Nụ cười của người nông dân thu hoạch cà phê (Ảnh TL)

Tại Đăk Hà (Kon Tum) vào thời điểm này, nhà vườn nào cũng chuẩn bị hơn chục chiếc bạt lớn để hái cà phê. Ông Vũ Văn Thành (54 tuổi), chủ vườn cà phê cũng vừa thuê 6 nhân công cùng với 4 người trong gia đình đi thu hái cà phê. Ông Thành cho biết, để thu hái theo kiểu “cuốn chiếu”, tránh sót cây nên những người hái cà phê sẽ phải hái theo hàng ngang để dễ kéo bạt qua các cây. Cứ hai người một cây, trải bạt vòng kín gốc. Người hái mang bao tay, cứ thế vặn tuốt từng chùm cho quả rơi xuống bạt.

Khi hái xong một vài cây, người thu hái sẽ kéo bạt đựng trái cà phê ra một chỗ trống để trút vào bao. Ông Thành cho biết, nhiều vườn cà phê có năng suất cao, chỉ cần hái 2-3 cây là đã đầy 1 bao. Cứ thế hết hàng này đến hàng khác, hết lô này đến lô khác, tay người hái cứ mải miết, tiếng quả cà phê rơi lộp bộp như mưa xuống nền bạt. Nhiều người vẫn ví von rằng, đó là những trận mưa cà phê, một dấu hiệu của vụ mùa bội thu.

Cà phê thu hái được đựng trong bạt.
Cà phê thu hái được đựng trong bạt.

Nông dân phấn khởi

Toàn vùng Tây Nguyên có khoảng 577.000 ha cà phê (chiếm hơn 90% diện tích cà phê của cả nước). Cà phê Tây Nguyên hiện được xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới (sau Braxin), tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Mùa cà phê năm nay, giá cà phê trong nước đang giao động khoảng 40.300 - 41.200 đồng/kg, ổn định hơn so với các niên vụ trước. Cà phê được giá, người trồng cà phê cũng phấn khởi, người hái cà phê cũng vui bởi tiền công nhận được cao hơn năm ngoái.

Ông Thành, chủ rẫy cà phê ở huyện Đăk Hà cho biết, vào vụ thu hoạch, nhiều chủ vườn đã làm việc với đại lý thu mua nông sản, nên đến chiều tối các đại lý này sẽ cho xe tải vào tận rẫy cà phê cân đong. Hai bên ký nhận số lượng cà phê hái trong ngày, có thể trả tiền tại chỗ hoặc trả gộp vào cuối vụ thu hoạch. Với nhiều gia đình khác, họ sẽ không “bán tươi” ngay tại chỗ mà mang cà phê về nhà để phơi khô hoặc xay vỏ và bán cà phê nhân. Với cách thức này, giá sẽ cao hơn bán tươi nhưng cũng sẽ vất vả hơn vì công phơi phóng, cất ủ, xay vỏ cần sân bãi, cộng với đó là nhân lực và công nghệ.

Đóng bao cà phê sau khi thu hoạch
Đóng bao trái cà phê sau khi thu hoạch

Một việc quan trọng trong mùa thu hoạch cà phê, đó là công việc “trông vườn” để bảo vệ vườn cà phê bị kẻ gian vào hái trộm vào ban đêm. Tùy vào diện tích vườn cà phê rộng hay hẹp mà mỗi rẫy cà phê sẽ có 1-2 người trông vườn hoặc cả gia đình sẽ ở luôn trong rẫy để trông vườn.

Những đêm trông vườn họ thường đốt một đống lửa lớn trước sân nhà trong vườn để xua tan cái lạnh của cao nguyên mùa Đông. Ở đó, sau bữa cơm tối lại có tiếng rì rầm trò chuyện bằng điện thoại, hoặc những bản nhạc phát ra từ những chiếc điện thoại thông minh, những chiếc radio. Thi thoảng, người trông vườn đi tuần tra một vòng, mang theo chiếc đèn chiếu sáng công suất lớn, có thể chiếu sáng xa tới vài trăm mét.

Dù có khi phải cả đêm để trông vườn nhưng người trồng cà phê vẫn vô cùng phấn khởi bởi những vụ mùa cà phê trĩu quả mang đến cuộc sống ấm no cho gia đình họ và hàng triệu người lao động.