Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mối quan hệ giữa âm nhạc và văn chương Chăm

PV - 10:40, 21/09/2018

Trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Chăm, âm nhạc và văn chương có mối tương quan đặc biệt. Sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, cộng đồng người Chăm có nhiều lễ hội, mà lễ hội thì không thể thiếu âm nhạc. Với trống ginăng, baranưng, kèn xaranai hay đàn kanhi… cùng non trăm điệu vũ, với các đạo cụ như quạt, lu, roi, cây chèo... Và dĩ nhiên không thể thiếu lời, tức ca từ, mà ca từ thì liên quan đến văn chương.

người Chăm Ong Ka-ing múa trong lễ Rija Nưgar.

Thử xét vài khía cạnh của “ca từ” âm nhạc Chăm. Trước hết là dân ca. Ca dao, tiếng Chăm gọi là Panwơc pađit là những câu có vần điệu, đạt tới hình thức nghệ thuật trau chuốt và có nội dung thế sự hay trữ tình. Dân ca là ca dao kết hợp với dân nhạc. Bên cạnh các bài dân ca nổi tiếng như: “Nit lô”, “Thei mai” nói về tình yêu lứa đôi, còn có nhiều bài mang tính nhân văn, chứa đựng nội dung nhân bản, thể hiện tấm lòng vị tha cao cả: “Giống lành người nhận cưu mang/Bao công vun xới mới đâm cành trổ bông/Không dám hái sợ úa tàn/Không dám ngắt, ngại tiêu tan giống loài”...

Đó là nét son trong ca dao Chăm, những lời ngợi ca tình người, tình cha con, anh em, bè bạn, quan hệ sui gia ăn ở với nhau có tình có nghĩa, thủy chung như nhất.

Hầu hết ca dao Chăm thể hiện qua lời thơ có vần điệu được gọi là ariya, có cấu trúc như thể thơ lục bát Việt. Đa phần bài thơ ấy được người Chăm kết hợp với dân nhạc tạo thành dân ca độc đáo và thú vị.

dân tộc Chăm Nghệ nhân đàn kanhi dân tộc Chăm.

Ngoài hát vãi chài Pwơc Jal, một bộ phận không thể thiếu kết nối âm nhạc và văn chương Chăm, đó là thể loại ngâm thơ Hari Ariya. Các sử thi nổi tiếng như Akayet Dewa Mưno, hay trường ca Ariya Glơng Anak hay gia huấn ca Kabbon Muk Thruh Palei đều có thể được dùng để ngâm qua 5 thế điệu khác nhau. Ngâm để giải trí có, để răn dạy con cháu cũng có.

Đó là các bài hát của ông thầy vỗ trống Paranưng và ông thầy Kadhar kéo đàn nhị, được gọi chung là Dauh mưdwơn, Dauh kadhar, được xướng lên trong các lễ Rija praung, Rija dayơp, Rija harei… Ong Mưdwơn, đồng thời là nghệ nhân vừa hát vừa đệm trống Paranưng. Hay trong các dịp Pơh babbơng yang (Lễ mở cửa Tháp), Tamư kut (Lễ vào Kut)… và Ong Kadhar hát những ca khúc (danak) có đệm đàn kanhi trước khi Ppo Adhia chính thức làm lễ.

Các tụng ca damnưy của Ong Mưdwơn (là người chủ lễ) hay danak của Ong Kadhar) là bài ca để hát trong lễ hội dân gian, nên chúng không tồn tại dưới dạng văn học thuần túy mà kết hợp một cách hữu cơ với các nghệ thuật khác như ca, múa, nhạc. Trong khi Ong Kadhar vừa hát vừa kéo đàn kanhi thì Ong Mưdwơn hát các damnưy theo nhịp trống Paranưng (có đệm thêm trống ginơng và kèn xaranai) theo điệu múa của Muk Rija hay Ong Ka-ing trước tập thể khán thính giả xung quanh. Cho nên, nếu Danak Ru Anưk có âm hưởng trầm buồn như nhiều điệu ru khác thì sang Danak Pah Klap, tiết tấu bài hát lại sôi động hẳn lên. Và nếu âm điệu trong Damnưy Bia Apakar buồn da diết như cuộc sống tha hương cơ cực của nàng thì ở Damnưy Xah Bin Bingu, tiết tấu của ca khúc lại vang lên một cách dồn dập, bay bổng đánh nhịp cùng với tính cách và hành vi ngang tàng bay bướm của nhân vật. Ở bài tụng ca, hình thức ấy chính là nội dung ấy.

Giá trị biểu cảm của nghệ thuật damnưy Chăm còn được thể hiện qua cách diễn tả tâm trạng nhân vật, Ppo Hanim Pơr tương tư người con gái ở quê xa, không còn làm chủ một mình, làm chủ được hành động của mình nữa, tâm trí người mãi gửi tận đâu đâu. Khi nỗi đau day dứt, cái nhớ nhung càng da diết thì một tiếng sấm xa, một giọt mưa gần cũng đủ làm cho tâm hồn người xao xuyến, khắc khoải. Để nói lên tâm trạng này, nhà thơ viết: “Mưa ơi mi đừng rơi/Đầu năm nay anh đang yêu khổ/Mưa ơi mi đừng đổ/ Vào tháng mới anh đang yêu đau”.

Chính nghệ thuật biểu cảm này, bằng những điệp đoạn được vận dụng một cách thích hợp, cộng với hình ảnh giản dị và lời lẽ dân dã mộc mạc mà các tụng ca Chăm mãi mãi gây được một cảm kích đặc biệt đối với quần chúng nhân dân Chăm.

Cho nên, người ta sẽ không ngạc nhiên khi các lễ Rija (mặc dù tính chất tôn giáo của nó) luôn luôn tập hợp được đông đảo khán thính giả thuộc nhiều tầng lớp xã hội Chăm đến thưởng thức. Qua bài hát, họ cảm thấy các Thần gần gũi với mình biết bao, gần gũi từ lối sống, lối nghĩ, lối nói… Vì các Thần thực ra chỉ là những con người như họ, nhưng có nhân cách, sự nghiệp lớn hơn, được họ thần thánh hóa để trở lại bảo vệ cho cuộc sống tâm linh của chính họ.

INRASARA