Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Mô hình nuôi cừu đem lại thu nhập cho phụ nữ Raglay nghèo

Thái Sơn Ngọc - 09:35, 19/10/2024

Xã Phước Chính, huyện Bác Ái được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Thuận chọn thực hiện mô hình chăn nuôi cừu theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế cho người dân. Mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập, nâng cao đời sống cho các gia đình hội viên DTTS nghèo, động viên chị em hội viên phấn khởi gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ, tích cực xây dựng nông thôn mới.

Chị Kadá Thị Kim bổ sung thức ăn viên, tăng dinh dưỡng cho đàn cừu nuôi sinh sản.
Chị Kadá Thị Kim bổ sung thức ăn viên, tăng dinh dưỡng cho đàn cừu nuôi sinh sản

Trao đổi với chị Chamaleá Thị Duy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Chính, chúng tôi được biết, Dự án nuôi cừu sinh sản theo chuỗi giá trị có nguồn vốn đầu tư từ Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, là 1.490 triệu đồng và vốn đối ứng của người dân 413 triệu đồng. Triển khai thực hiện từ tháng 10/2023, Chương trình hỗ trợ kinh phí giúp 32 gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở các thôn Suối Khô, Núi Rây, Suối Rớ tạo sinh kế vươn lên thoát nghèo bền vững.

 Bà con được hỗ trợ tấm lợp làm chuồng và cung cấp 32 con cừu đực giống, 448 con cừu cái giống. Mỗi hộ được hỗ trợ 1 con cừu đực và 14 con cừu cái giống. Các gia đình tham gia Dự án được hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng, phòng bệnh cho đàn cừu. Hợp tác xã Phát triển nông nghiệp Quang Khánh hợp đồng tiêu thụ ổn định sản phẩm thịt cho các hộ chăn nuôi cừu. Việc thực hiện nuôi cừu theo mô hình gia trại bán thâm canh phù hợp với điều kiện địa phương vừa nuôi nhốt bổ sung thức ăn tinh, vừa chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên.

Chuồng nuôi cừu gia đình chị Kadá Thị Kim được làm chắn chắn, thông thoáng, hợp vệ sinh.
Chuồng nuôi cừu gia đình chị Kadá Thị Kim được làm chắc chắn, thông thoáng, hợp vệ sinh

Chị Chamaleá Thị Duy dẫn đường đưa chúng tôi đến thăm các gia đình tham gia thực hiện mô hình nuôi cừu ở thôn Núi Rây. Chúng tôi thật sự ấn tượng với chuồng trại nuôi cừu được làm cao ráo, chắc chắn, thông thoáng. Ngừng tay bổ sung thức ăn cám viên vào máng cho đàn cừu, chị Kadá Thị Kim phấn khởi cho biết: Gia đình chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Thuận quan tâm hỗ trợ 15 con cừu giống. Qua gần một năm chăm sóc, nuôi dưỡng, tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm, đàn cừu sinh sản 6 con cừu con, gồm 3 con đực và 3 con cái. Cừu con được nuôi dưỡng chăm sóc chu đáo, đến nay trọng lượng đạt 10-12 kg/con. 

Chị Kim dự tính giữ lại 3 con cừu cái làm giống để bổ sung số lượng bầy, xuất bán 3 con cừu đực với giá trên 3 triệu đồng, giá cừu đực giống hiện nay là 75- 80 ngàn đồng/kg. Tính riêng nguồn bán phân cừu cho thương lái thu mua tại chuồng giúp chị có thêm thu nhập từ 500- 600 ngàn đồng/tháng. Tài sản lớn nhất của gia đình chị Kim, hiện nay là đàn cừu 21 con, chị cần mẫn chăm sóc sinh lợi để có thu nhập phát triển kinh tế gia đình, nuôi con ăn học, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Niềm vui của chị Pinăng Thị Tuệ khi nuôi cừu bước đầu cho thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.
Niềm vui của chị Pinăng Thị Tuệ khi nuôi cừu bước đầu cho thu nhập, nâng cao đời sống gia đình

Rời nhà chị Kadá Thị Kim, chúng tôi đến thăm gia đình chị Pinăng Thị Tuệ ở cuối thôn Núi Rây. Người mẹ trẻ vừa bồng con nhỏ vừa chuẩn bị để đi chăn thả đàn cừu ngoài đồng cỏ dưới tán lá rừng quanh nhà. Chị Tuệ cho biết, cũng như chị em tham gia Dự án, gia đình chị được hỗ trợ 15 con cừu giống. Đàn cừu của gia đình chị Tuệ được nuôi dưỡng trong chuồng trại xây dựng căn cơ, có ô chứa rơm, có máng bổ sung thức ăn, nước uống. Đàn cừu sinh sản 11 con cừu con, chị xuất bán 6 cừu con được 7,5 triệu đồng. Kết hợp bán phân cừu, chị có thu nhập trên 800 ngàn đồng/tháng. 

Chị Tuệ phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, kinh tế gia đình em rất khó khăn, nhờ có nguồn thu nhập từ đàn cừu, cuộc sống ngày càng ổn định. Em trồng 2 sào cỏ, cung cấp thêm nguồn thức ăn xanh và bổ sung cám viên tăng dinh dưỡng, tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của thú y cơ sở”.

Chị Chamaleá Thị Duy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Chính thăm hỏi động viên chị em hội viên thực hiện hiệu quả mô hình nuôi cừu.
Chị Chamaleá Thị Duy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Chính thăm hỏi động viên chị em hội viên thực hiện hiệu quả mô hình nuôi cừu

Chị Chamaléa Thị Duy, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Chính cho biết thêm, mô hình nuôi cừu của hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Phước Chính, bước đầu phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Các gia đình đều có thu nhập ổn định từ bán cừu con và bán phân cừu. Hội Phụ nữ xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước thực hiện mô hình nuôi cừu; Vận động các hộ tham gia dự án thực hiện tốt việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, trồng cỏ, bảo đảm cung cấp đủ nguồn thức ăn xanh do đàn cừu, đồng thời liên kết với Hợp tác xã Phát triển nông nghiệp Quang Khánh tiêu thụ ổn định sản phẩm cừu bảo đảm giá cả ổn định, nâng cao chuỗi giá trị cho các hộ chăn nuôi. 

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.