Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mô hình HTX thanh niên DTTS và miền núi khởi nghiệp: Khó khăn vẫn đang hiện hữu (Bài 2)

Thúy Hồng - 10:16, 02/04/2021

Mô hình các HTX thanh niên khởi nghiệp đã giúp các đoàn viên, thanh niên DTTS phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm trên quê hương. Tuy nhiên, để phát huy mạnh mẽ tiềm năng thúc đẩy nhiều hơn các HTX thanh niên khởi nghiệp cần có giải pháp khả thi để khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Các chính sách hỗ trợ cần có tính cởi mởi hơn để thúc đẩy các mô hình HTX thanh niên phát triển.
Các chính sách hỗ trợ cần có tính cởi mở hơn để thúc đẩy các mô hình HTX thanh niên phát triển.

Thiếu vốn, thiếu liên kết

Như bao thanh niên khác, Lương Thanh Tùng 24 tuổi, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng), luôn mong muốn làm giàu từ mảnh đất quê hương. Mơ ước của Tùng là tiếp tục nối nghiệp cha ông, đưa nghề rèn truyền thống của quê nhà vươn xa.

Với ý tưởng này, năm 2019, Tùng và các thanh niên cùng chí hướng đã thành lập HTX dao Phúc Sen Hà Khiêm. Tuy đã có nghề, có sản phẩm tốt, nhưng với người trẻ mới khởi nghiệp chưa có đối tác, sản phẩm bế tắc trong việc tìm đầu ra. Đặc biệt, HTX lao đao về vốn, nên Tùng và các thành viên trong HTX vừa làm, vừa tìm cách quảng bá sản phẩm trên các diễn đàn trang mạng xã hội, vừa kêu gọi vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, sản phẩm ban đầu chỉ sản xuất theo kiểu truyền thống rất khó thu hút người mua. Phải sau gần 2 năm thành lập, HTX mới bước đầu hoạt động ổn định.

“Hai vấn đề khó khăn trên là bài học lớn đối với HTX dao Phúc Sen Hà Khiêm và cũng là khó khăn của đa số các HTX thanh niên khởi nghiệp lúc ban đầu”, Lương Thanh Tùng chia sẻ.

Tuy nhiên, tìm hiểu trên địa bàn tỉnh Hà Giang được biết, những năm qua, phong trào khởi nghiệp được triển khai đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia. Hiện Hà Giang có hơn 60 mô hình thanh niên phát triển kinh tế được duy trì hoạt động hiệu quả. Song đa số các HTX và tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp quy mô nhỏ, chưa có tính liên kết; thiếu thông tin về thị trường… nên hoạt động dù có hiệu quả những cũng rất chật vật và chậm phát triển.

Theo chị Thào Thu Nga, Bí thư Huyện đoàn Mèo Vạc, nhìn chung các mô hình HTX hoạt động kém hiệu quả, là do trình độ quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ HTX còn yếu, chưa có kinh nghiệm, kiến thức tổ chức sản xuất và nghiệp vụ kinh doanh. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ dành cho chương trình khởi nghiệp hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp của ĐVTN. Như tại địa phương, hàng năm, số lượng đăng ký đủ tiêu chuẩn từ 5 – 8 mô hình HTX thanh niên khởi nghiệp, nhưng số lượng mô hình được hỗ trợ chỉ được từ 1 – 2 mô hình…

Khắc phục được điểm yếu về quản lý, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp các HTX Thanh niên khởi nghiệp phát triển mạnh mec
Khắc phục được điểm yếu về quản lý, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp các HTX Thanh niên khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ

Cần những giải pháp khả thi 

Hiện nay có khá nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ mô hình HTX thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, để vay được vốn khởi nghiệp rất khó khăn, do phần lớn thanh niên sống chung với gia đình nên nếu cha hoặc mẹ đã được vay nguồn vốn từ các đoàn thể Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, thì thanh niên sẽ không được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Chưa kể, quy định về điều kiện được vay vốn phải là hộ nghèo, cận nghèo đã phần nào hạn chế đối tượng vay... 

Chị Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX Po Mỷ, thị trấn Đồng Văn (Hà Giang) cho biết: Hiện nay các HTX ở vùng DTTS đang gặp phải những khó khăn chung như, thiếu vốn để mở rộng phát triển sản xuất, thiếu các mô hình tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, thiếu sự liên kết tiêu thụ sản phẩm... nên ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp “Cùng đất nước vượt qua thách thức” được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 2020, nhiều đại biểu trẻ tuổi đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách khởi nghiệp; phản ánh nhiều bất cập chính sách hiện nay cho lãnh đạo các bộ ngành. Như Nghị định Số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ hướng dẫn Luật Đầu tư cho phép hình thành quỹ đầu tư giúp doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng có nhiều hạn chế về quy định vốn điều lệ, số thành viên... cản trở doanh nghiệp phát triển.

Tại Diễn đàn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhìn nhận: Mặc dù số lượng và chất lượng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam tăng lên, nhưng so với các nước trong ASEAN, Việt Nam còn nhiều trở ngại về cơ chế, thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn.

Thủ tướng cũng đã yêu cầu, các cấp, ngành, các bộ và chính quyền địa phương xem xét việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình; xem xét từng kiến nghị và đề xuất các phương án xử lý. Xây dựng các cơ chế hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp, phát huy vai trò các quỹ đầu tư tư nhân...

Thiết nghĩ, chỉ khi những quy định mang tính hành chính bắt buộc về đối tượng và điều kiện được vay vốn cần được thay đổi, mang tính cởi mở, thì mới có nhiều hơn những điển hình thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi. Mô hình này sẽ là động lực cổ vũ phong trào lập nghiệp ở các địa phương, góp phần xây dựng hiệu quả nông thôn mới, hạn chế tối đa tình trạng xa quê tìm việc làm như hiện nay.