Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lực lượng Hải quan: Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy

Tùng Nguyên - 10:12, 25/12/2020

Hàng loạt vụ án về ma túy, buôn bán động vật hoang dã vi phạm Công ước Cites, hàng cấm… đã được lực lượng Hải quan kịp thời phát hiện, bắt giữ thời gian gần đây thông qua các chương trình hợp tác với Hải quan các nước. Trong đó, thành công từ Chiến dịch “Con rồng Mê Kông” là một trong những ví dụ điển hình. Điều này thể hiện cam kết của Hải quan Việt Nam trong việc tham gia sâu rộng vào các hoạt động hợp tác quốc tế về hải quan.

Lực lượng Hải quan phối hợp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy
Lực lượng Hải quan phối hợp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy

Chủ động phối hợp

Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL) - Tổng cục Hải quan, tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ và trung chuyển đi nước thứ ba ngày càng diễn biến phức tạp. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi các lực lượng phòng, chống ma túy nói chung và lực lượng Hải quan nói riêng phải tăng cường sự phối hợp với các cơ quan trong nước và quốc tế.

Nhận định diễn biến tình hình trong nước và trong khu vực, năm 2018, Cục ĐTCBL đã chủ trì, tham mưu báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan và làm việc với các đơn vị liên quan của Bộ Công an, phối hợp với Cục Chống buôn lậu Hải quan Trung Quốc, Văn phòng tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RILO AP), Cơ quan phòng chống ma túy Liên hợp quốc (UNODC) xây dựng sáng kiến “Hành động kiểm soát chung về đấu tranh chống buôn lậu và vận chuyển trái phép ma túy, tiền chất trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng” với tên gọi: “Con rồng Mê Kông”. Sáng kiến này đã nhận được sự đồng thuận triển khai của 6 cơ quan Hải quan trong tiểu vùng sông Mê Kông là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Văn phòng RILO AP và UNODC.

Chiến dịch “Con rồng Mê Kông” giai đoạn 1 được vận hành từ tháng 9/2018 đến tháng 6/2019. Qua chiến dịch, lực lượng Hải quan các nước đã triệt phá 164 vụ, thu giữ hơn 2.279kg ma túy, trong đó 98 vụ nhập khẩu, 18 vụ xuất khẩu và 6 vụ trung chuyển.

Với những thành công được ghi nhận từ Chiến dịch “Con rồng Mê Kông” giai đoạn 1, Hải quan Việt Nam tiếp tục nhận được sự cổ vũ, hỗ trợ từ hải quan các nước để triển khai Chiến dịch “Con rồng Mê Kông” giai đoạn 2 về đấu tranh phòng, chống ma túy, vận chuyển động thực vật hoang dã bất hợp pháp và tội phạm xuyên quốc gia khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á trong năm 2020. Chiến dịch bắt đầu được triển khai từ tháng 4/2020, với việc mở rộng thành viên (ngoài 6 nước của giai đoạn 1 còn thêm 9 nước và vùng lãnh thổ: Úc, Bangladesh, Brunei, Hồng Kông, Ấn Độ, Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Singapore) và thêm nội dung về đấu tranh đối với động, thực vật hoang dã.

Số liệu tại Hội nghị tổng kết chiến dịch được tổ chức ngày 12/11 vừa qua cho thấy, trong thời gian thực hiện chiến dịch, các thành viên tham gia đã bắt giữ tổng số 284 vụ buôn bán ma túy và động thực vật hoang dã; tang vật thu giữ lên đến gần 2.000kg và gần 2 triệu viên ma túy các loại; gần 2.000kg và hơn 1.500 sản phẩm động vật hoang dã, cùng gần 150 tấn và 1.000m3 gỗ quý hiếm.

Tăng cường kiểm tra Hải quan trong đại dịch Covid-19
Tăng cường kiểm tra Hải quan trong đại dịch Covid-19

Xem xét thực hiện giai đoạn 3

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chiến dịch “Con rồng Mê Kông” giai đoạn 2, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục ĐTCBL (Tổng cục Hải quan) khẳng định, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia hoạt động ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn. Riêng tại Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, Hải quan Việt Nam đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 129 vụ với 162 đối tượng, thu giữ hơn 800kg và gần 400.000 viên ma túy các loại.

“Những con số này đã cho thấy, một thực tế rõ ràng là các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia sẽ không có ý định từ bỏ, hoặc giảm đi các hoạt động phi pháp do những hạn chế trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Ngược lại dường như chúng còn sử dụng các hoạt động tinh vi và liều lĩnh hơn”, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết.

Theo đại diện Cục ĐTCBL, đơn vị luôn coi trọng và đánh giá cao những giá trị trong công tác phối hợp quốc tế và Chiến dịch “Con rồng Mê Kông” là một trong những ví dụ điển hình. Trước khi có sáng kiến này, ở tầm quốc gia, các nước tiểu vùng sông Mê Kông đã có thỏa thuận hợp tác về phòng, chống tội phạm. 

Vì vậy, một chương trình hợp tác cụ thể trong lĩnh vực Hải quan sẽ giúp nâng cao vai trò, vị thế của Hải quan Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, việc thúc đẩy và triển khai sáng kiến xuất phát từ thực trạng tội phạm ma túy ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tiểu vùng sông Mê Kông diễn biến rất phức tạp trong những năm gần đây. 

Thành công của Chiến dịch “Con rồng Mê Kông” đánh dấu sự chủ động của Hải quan Việt Nam trong các hoạt động hợp tác kiểm soát trong khu vực. Tại cuộc họp trực tuyến tổng kết giai đoạn 2 vừa qua, các thành viên tham gia đã cùng thảo luận đề xuất tiếp tục triển khai Chiến dịch giai đoạn 3 trong thời gian sắp tới. Tại hội nghị này, đại diện UNODC (Cơ quan phòng, chống ma túy Liên hợp quốc) khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương khẳng định, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Do đó, UNODC sẽ tiếp tục hỗ trợ giai đoạn 3 của Chiến dịch.

Những năm qua, Hải quan Việt Nam đã thực hiện hiệu quả vai trò đầu mối triển khai 10 chương trình hợp tác về kiểm soát Hải quan trong khuôn khổ khu vực và toàn cầu do Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Văn phòng RILO AP, Tổ chức Interpol điều phối về chia sẻ thông tin phối hợp kiểm soát chung trong đấu tranh chống vận chuyển trái phép ma túy trên các tuyến, chống buôn lậu thuốc lá (Dự án Cá sấu), tội phạm môi trường (Dự án Vá trời), bảo đảm an ninh, sản phẩm văn hóa (Dự án AAA, Athena), chống nạn buôn lậu dược phẩm giả (Dự án Rainfall)...; phối hợp với Hải quan Hàn Quốc, văn phòng RILO AP xem xét mở rộng triển khai sáng kiến đấu tranh chống vận chuyển trái phép các loài hoang dã thuộc danh mục công ước CITES…