Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nâng cao công tác đấu tranh phòng, chống ma túy của ngành Hải quan: Những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ

Khánh Thư - 16:45, 10/12/2020

Thời gian qua, lực lượng Hải quan đã chủ động phát hiện và đấu tranh triệt phá thành công nhiều chuyên án phức tạp liên quan ma túy, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thực tế của ngành Hải quan, do tình hình mua bán và vận chuyển ma túy ngày càng phức tạp, trong khi các nguồn lực, thẩm quyền của ngành vẫn chưa được khai thác tối đa.

Việc chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao đã giúp lực lượng Hải quan phát hiện, đấu tranh và triệt phá thành công nhiều đường dây tội phạm mới. (Ảnh minh họa)
Việc chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao đã giúp lực lượng Hải quan phát hiện, đấu tranh và triệt phá thành công nhiều đường dây tội phạm mới. (Ảnh minh họa)

Chủ động phát hiện và đấu tranh

Tại Hội nghị chuyên đề về công tác kiểm soát ma túy của ngành Hải quan được tổ chức ngày 12/11 vừa qua, ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã nêu lên những vấn đề đáng báo động của tội phạm ma túy thời gian qua. Theo ông Lịch, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy gia tăng trên tất cả các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không; chủng loại ma túy, phương thức thủ đoạn của các đối tượng tội phạm cũng đa dạng và tinh vi hơn rất nhiều so với trước kia.

“Khi lực lượng Biên phòng tập trung kiểm soát chặt tại các đường mòn lối mở, ma túy không thể lọt qua bằng con đường này nên chuyển hướng sang giấu trong phương tiện, hàng hóa đi qua cửa khẩu. Lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa, khởi nghiệp kinh doanh, thu hút đầu tư… các đối tượng buôn bán ma túy đã đưa ma túy vào Việt Nam tiêu thụ, hoặc trung chuyển sang nước thứ ba”, ông Lịch cho biết.

Nhờ nhận diện rõ các thủ đoạn của tội phạm ma túy, lực lượng Hải quan đã chủ động phát hiện và đấu tranh. Qua đó đã triệt phá thành công nhiều đường dây tội phạm mới, hoạt động liên tuyến xuyên quốc gia, nhiều chuyên án phức tạp liên quan ma túy, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành Hải quan.

Theo số liệu của Cục Điều tra chống buôn lậu, trong giai đoạn 2017 - 2020, lực lượng kiểm soát ma túy của ngành Hải quan đã phối hợp bắt giữ 464 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, bắt giữ 477 đối tượng, thu giữ 117kg Heroin, 1.084 bánh Heroin, 2.386kg ma túy tổng hợp, 990.000 viên ma túy tổng hợp và nhiều loại ma túy khác.

Còn nhiều khó khăn

Kết quả trên cho thấy, nỗ lực và quyết tâm rất lớn của ngành Hải quan trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Tuy nhiên, theo ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, ngành Hải quan cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai phòng, chống tội phạm ma túy.

Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng là giải pháp để đấu tranh phòng, chống ma túy hiệu quả. (Trong ảnh: Cán bộ Cục Hải quan tỉnh Hà Giang phối hợp với lực lượng Biên phòng tuần tra, kiểm soát tại khu vực biên giới).
Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng là giải pháp để đấu tranh phòng, chống ma túy hiệu quả. (Trong ảnh: Cán bộ Cục Hải quan tỉnh Hà Giang phối hợp với lực lượng Biên phòng tuần tra, kiểm soát tại khu vực biên giới).

Cụ thể như các quy định về thẩm quyền và nhiệm vụ của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới còn hạn chế. Trong khi đó, thực tế hoạt động quản lý nhà nước về Hải quan xuất hiện rất nhiều loại tội phạm, do cơ quan Hải quan trực tiếp phát hiện. Nhưng khi phát hiện, bắt giữ những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan Hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra, mất rất nhiều thời gian về thủ tục, không bảo đảm được tính kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm…

Những hạn chế này đã được cơ quan Hải quan kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung vào các điều luật có liên quan. Tuy nhiên, trong Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được trình Quốc hội khóa XIV xem xét tại Kỳ họp thứ 10, quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Điều 12), Dự án luật lại quy định: Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy”.

Tại buổi thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sáng 13/11/2020, nhiều Đại biểu Quốc hội không tán thành với quy định này. Nhiều đại biểu đề nghị giữ như Luật hiện hành là: Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy”.

Các đại biểu cho rằng, để công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả, các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan), trong khu vực, địa bàn quản lý, cần được giao quyền chủ động, nhưng đồng thời cần phối hợp với nhau thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy. Sự phối hợp giữa các lực lượng phòng, chống ma túy nhằm tạo thêm sức mạnh, quan trọng là cần có cơ chế phối hợp như thế nào cho hiệu quả.

Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy của ngành Hải quan trong những năm qua đã đóng góp vào kết quả chung của lực lượng phòng chống ma túy. Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2017 đến tháng 6/2020, các lực lượng phòng chống ma túy trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ 81.419 vụ với 124.167 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ trên 20,4 tấn ma túy các loại, 4,2 triệu viên ma túy tổng hợp và trên 13 tấn hóa chất, tiền chất để sản xuất trái phép ma túy tổng hợp, tăng gần 11% cả về số vụ và số đối tượng bị bắt giữ và tăng gần 70% về số lượng ma túy bị thu giữ so với giai đoạn trước.