Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lúa gạo tăng giá, doanh nghiệp và nông dân ĐBSCL phấn khởi.

PV - 09:11, 20/08/2020

Mấy ngày gần đây, giá lúa gạo ở vùng ĐBSCL tăng cao, thị trường tiêu thụ hút hàng, nông dân và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo phấn khởi.

Nông dân vùng ĐBSCL khẩn trương thu hoạch lúa Hè thu bán giá cao.
Nông dân vùng ĐBSCL khẩn trương thu hoạch lúa Hè thu bán giá cao.

Tại khu vực ĐBSCL, lúa giá tăng mạnh nhất là loại cấp thấp như IR 50404. Loại lúa này, nông dân bán tại ruộng ở mức 5.500 - 5.700 đồng /kg, cao hơn tuần trước khoảng 200 đồng/kg và so với vụ lúa Đông Xuân tăng hơn 800 đồng/kg. Đối với các loại lúa thơm dạng tươi, giá từ 6.300 - 6.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với tuần trước.

Bà Trần Thị Thu Vy, ngụ xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng phấn khởi cho biết, 35 công lúa OM 18 của gia đình mới thu hoạch bán cho thương lái với giá 5.900 đồng/kg, thu lãi khoảng 2,5 triệu/công. Giá lúa Hè thu tăng lên, cùng với chất lượng tốt nên việc tiêu thụ diễn ra khá thuận lợi.

“Việc bán lúa diễn ra khá thuận lợi vì lúa lên giá, thương lái mua lúa cũng dễ với nông dân. Nếu lúa sụt giá thì hơi khó khăn. Nhưng năm nay, vụ này lúa trúng với giá lên thì nông dân bán cũng dễ”, bà Vy nói.

Còn ông Nguyễn Văn Tiên, nông dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, giá lúa Hè thu năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái nên cho lãi khá: “Trà lúa năm nay của tôi so với mọi năm không khá lắm, năng suất cao. Năm nay tôi bán được và có lời, vì giá cao hơn, vụ trước lúa nhiều hơn nhưng bán giá thấp hơn”.

Ở thời điểm này, nhiều khu vực tại ĐBSCL đã thu hoạch xong vụ lúa Hè thu. Số diện tích còn lại tập trung tại các địa phương ven biển như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang… Sóc Trăng là một trong các địa phương có diện tích lúa hè thu bước vào thu hoạch lớn nhất vùng ĐBSCL. Toàn tỉnh gieo sạ khoảng 142.000 ha, trong đó trên 29.000 ha lúa đã thu hoạch với năng suất bình quân đạt gần 5,9 tấn/ha.

Tại thời điểm này, lúa tươi giống OM 18 đang được thương lái thu mua với giá gần 6.000 đồng/kg, OM 5451 có giá 5.800 đồng/kg và lúa ST 24 có giá từ 6.600 – 6.800 đồng/kg.... cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1.000 đồng/kg. Với giá này nông dân thu về lợi nhuận từ 40-50%. 

Cảnh thương lái tại tỉnh Sóc Trăng thu mua lúa hàng hóa
Cảnh thương lái tại tỉnh Sóc Trăng thu mua lúa hàng hóa

Ông Võ Minh Luân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ lúa Hè Thu năm nay dù gặp không ít bất lợi như hạn hán, mặn xâm nhập, nhưng nông dân rất vui vì lúa trúng mùa, trúng giá.

“Lúa trên địa bàn huyện Châu Thành năng suất rất cao, theo đánh giá sơ bộ, lúa đạt năng suất từ 5,6-6 tấn/ha. Một điểm thuận lợi nữa cho bà con nông dân là giá thu mua lúa khá cao. Đặc biệt nhất đối với các giống lúa OM18, OM5451 và các dòng lúa ST. Nếu so sánh lợi nhuận thì vụ lúa Hè Thu này, lợi nhuận cao hơn so với Hè Thu năm 2019. Đến thời điểm này, tính trung bình, bà con thu lợi nhuận từ 16-18 triệu/ha”, ông Võ Minh Luân cho hay.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang, bà con nông dân đã thu hoạch được gần 200.000 ha lúa Hè thu, với năng suất khoảng 5,8 tấn/ha. Nông dân thu hoạch đều có thương lái thu mua tại ruộng. Mấy ngày gần đây, giá lúa tươi cũng tăng từ 50 đồng đến 350 đồng/ kg. Riêng gạo thường ở mức 10.800 - 11.500 đồng/kg, tăng 1.000-1.300 đồng/kg so với năm ngoái; Gạo thơm Jasmine giá từ 14.500 - 15.500 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với năm 2019.

Lúa hè thu năm nay, không chỉ tăng giá mà chất lượng cũng nâng lên, hạt gạo đẹp có thể phục vụ xuất khẩu.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa gạo thị trường nội địa tăng cao, trong khi đó, thị trường xuất khẩu cũng tăng nhẹ. Loại gạo 5% tấm ở mức 478-482 USD/tấn.

Giá lúa gạo tăng hoạt động kinh doanh mặt hàng này sôi nổi
Giá lúa gạo tăng hoạt động kinh doanh mặt hàng này sôi nổi

Giá gạo xuất khẩu tăng là do Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực từ ngày 1/8 đã tác động tích cực đến ngành hàng lúa gạo. Cụ thể Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực, là cánh cửa mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU. Theo đó, mặt hàng gạo của Việt Nam sẽ được miễn thuế xuất khẩu vào EU.

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu về lúa gạo của thế giới đang tăng lên. Thị trường nội địa “hút hàng” một phần do nhiều người dự trữ lúa gạo.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ giữa tháng 7, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới.

Còn theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 3,9 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,9 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng gần 11% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết, vụ Hè Thu năm nay lúa gạo đều tăng cao và ở mức kỉ lục trong 10 năm qua, nhất là thị trường nội địa. Lúa vụ Hè thu vùng ĐBSCL đã dần cải thiện về năng suất lẫn chất lượng.

“Lúa gạo Hè thu tăng giá phần lớn ở thị trường nội địa, chứ giá xuất khẩu chỉ tăng nhẹ, so với các năm trước, vụ hè thu này giá cao. Một phần do dịch bệnh, nhu cầu thế giới cần nhiều mà lúa của vùng chỉ thu hoạch lai rai. Gạo Đông Xuân còn, vụ hè thu thì mua vào, bán ra, xuất khẩu. Giá tăng, tính chung nông dân rất phấn khởi, doanh nghiệp thì mua vô bán ra cũng có lãi” - ông Nguyễn Văn Đôn chia sẻ.

Vụ lúa hè thu 2020, khu vực ĐBSCL gieo sạ gần 1,6 triệu ha, dự kiến đạt sản lượng 8,7 triệu tấn. Tùy theo từng khu vực mà lịch thời vụ có khác nhau để né hạn mặn. Qua thu hoạch, nhiều địa phương đạt năng suất trên 6 tấn/ha, với mức giá này nông dân lãi trên 30%. Đây là tín hiệu vui - là những gam màu sáng cho ngành sản xuất lúa gạo của vựa lúa miền Tây./.