Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lớp học đặc biệt ở bản nghèo A Dơi Đớ

PV - 16:12, 13/12/2021

Hơn 3 tháng nay, đều đặn vào các buổi tối các ngày thứ Ba, Năm, Bảy hằng tuần, tiếng cán bộ Biên phòng dạy học, tiếng ê a đánh vần ngượng nghịu của chị em vang lên nơi bản nghèo đã mang đến sự rộn ràng, niềm vui và kỳ vọng vươn tới cuộc sống văn minh, no đủ hơn của người dân A Dơi Đớ.

Lớp học xóa mù chữ ở thôn A Dơi Đớ được tổ chức vào buổi tối các ngày thứ Ba, Năm, Bảy hằng tuần thu hút nhiều chị em tham gia
Lớp học xóa mù chữ ở thôn A Dơi Đớ được tổ chức vào buổi tối các ngày thứ Ba, Năm, Bảy hằng tuần thu hút nhiều chị em tham gia

Với mục tiêu giúp phụ nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn xã A Dơi, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), biết đọc, biết viết, biết tính toán đơn giản và có thêm kiến thức, kỹ năng sống, vào tháng 10/2021, Đồn Biên phòng (ĐBP) Ba Tầng phối hợp với Hội Phụ nữ địa phương mở 2 lớp xóa mù chữ dành cho các mẹ, các chị, trong đó có nhiều người Lào được nhập quốc tịch Việt Nam ở thôn A Dơi Đớ và thôn Prin Thành. Những lớp học này dự kiến được tổ chức trong 6 tháng, do cán bộ Biên phòng trực tiếp đứng lớp.

“Ở lớp học này, người trẻ nhất 21 tuổi, lớn nhất 45 tuổi, có nhiều chị là người Lào mới được nhập quốc tịch Việt Nam. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng điểm chung ở họ là khát khao biết đọc, biết viết và làm những phép tính đơn giản”, Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên ĐBP Ba Tầng, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị nói khi chúng tôi trên đường từ đơn vị về thôn A Dơi Đớ thăm lớp học đặc biệt nơi biên giới xa xôi này.

Hơn 2 tháng nay, cứ sẩm tối hằng ngày, chị Hồ Thị Thoong bắt đầu ru con ngủ rồi chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập để đến lớp học. Sinh ra và lớn lên ở bản Hong Tun, huyện Sa Muội, tỉnh Salavan (Lào), 5 năm trước, chị Thoong lấy chồng người Việt ở thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa rồi nhập quốc tịch Việt Nam. Ở tuổi 25, quanh năm quần quật với nương rẫy, với việc nhà lại không biết đọc, biết viết tiếng Việt, khiến chị phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Ngày lớp học xóa mù chữ dành cho các mẹ, các chị ở thôn được tổ chức, ước mơ cầm cuốn sách để đọc, cầm cây bút viết chữ của chị Thoong cũng như nhiều phụ nữ ở nơi biên giới xa xôi, nghèo khó này đã dần trở hiện thực.

“Học chữ với mình khó khăn lắm, nhưng phải cố gắng vì biết đọc, biết viết thì cuộc sống đỡ khổ cực hơn, biết được nhiều cái hay hơn”, chị Thoong chia sẻ. Hồ Thị Thoong là 1 trong 35 học viên của lớp xóa mù chữ dành cho phụ nữ ở thôn A Dơi Đớ.

Thượng úy Hồ Văn Hữu tận tình hướng dẫn học viên học tập
Thượng úy Hồ Văn Hữu tận tình hướng dẫn học viên học tập

Hơn 3 tháng nay, đều đặn vào các buổi tối các ngày thứ Ba, Năm, Bảy hằng tuần, tiếng cán bộ Biên phòng dạy học, tiếng ê a đánh vần ngượng nghịu của chị em vang lên nơi bản nghèo đã mang đến sự rộn ràng, niềm vui và kỳ vọng vươn tới cuộc sống văn minh, no đủ hơn của người dân A Dơi Đớ.

Sinh năm 1992, là người Bru Vân Kiều, đã tốt nghiệp Học viện Biên phòng, nên khi được phân công dạy lớp học xóa mù chữ ở thôn A Dơi Đớ, Thượng úy Hồ Văn Hữu, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, ĐBP Ba Tầng rất hào hứng. Để các mẹ, các chị nhanh biết đọc, biết viết, Hữu bỏ nhiều công sức nghiên cứu, tìm tòi phương pháp dạy phù hợp, cũng như phối hợp với các tổ chức, đoàn thể địa phương huy động thêm sách vở, dụng cụ học tập để hỗ trợ học viên có thêm điều kiện học tập.

“Ban đầu tôi cũng gặp không ít khó khăn trong truyền đạt kiến thức, do nhiều học viên lớn tuổi, tiếp thu chậm, có người do hoàn cảnh gia đình nên vắng một số buổi học. Nhưng chính tinh thần, ý chí vượt khó học tập để vươn lên trong cuộc sống của các mẹ, các chị đã thôi thúc tôi nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, Thượng úy Hồ Văn Hữu chia sẻ.

Từ khi lớp học xóa mù chữ được tổ chức, buổi học nào chị Hồ Thị Thắm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Dơi cũng đến sớm để nắm số lượng học viên, các điều kiện bảo đảm cho việc dạy và học. Sát giờ học, thấy học viên nào chưa có mặt, chị Thắm tất tả điện thoại hỏi thăm, đốc thúc.

Sau gần 3 tháng học tập, chị Hồ Thị Thoong (đứng) và nhiều học viên trong lớp đã biết đọc, biết viết
Sau gần 3 tháng học tập, chị Hồ Thị Thoong (đứng) và nhiều học viên trong lớp đã biết đọc, biết viết

“Mong muốn của chúng tôi là tất cả học viên đến lớp đầy đủ để không chỉ thoát mù chữ mà còn hiểu thêm về chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, về xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới từ cán bộ Biên phòng. Chi hội Phụ nữ A Dơi Đớ có 68 hội viên, trong đó có nhiều chị là người Lào mới được nhập quốc tịch Việt Nam, tất cả thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Nếu chị em nào cũng biết đọc, biết viết, biết tính toán đơn giản, thì chắc chắn việc thoát nghèo, vươn tới cuộc sống no đủ sẽ dễ hơn, nhanh hơn”, chị Thắm nói.

Trải qua nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, đến thời điểm này, nhiều mẹ, nhiều chị ở lớp học đã bắt đầu biết đọc, biết viết. “Mình và nhiều chị khác đã đọc được sách, cầm phấn, cầm bút viết được chữ. Vui nhất là tự mình viết tên chồng, tên con rồi ký các loại giấy tờ, hay đọc trên bao bì để biết được thành phần, nguồn gốc của các loại thực phẩm. Biết ơn cán bộ Biên phòng nhiều lắm”, chị Hồ Thị Hiên ở thôn A Dơi Đớ phấn khởi nói.

Ở A Dơi Đớ hay những bản làng trên dặm dài biên giới xa xôi ở huyện Hướng Hóa, Đakrông vẫn còn không ít phụ nữ Bru Vân Kiều, Pa Kô chưa biết đọc, chưa biết viết. Rồi đây sẽ có thêm nhiều lớp xóa mù chữ đêm đêm sáng đèn, rộn ràng tiếng tập đọc, tập đếm. Đây chính là tấm lòng, sự sẻ chia trách nhiệm của những người lính mang quân hàm xanh và nỗ lực vượt khó vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn của đồng bào DTTS nơi biên cương Tổ quốc./.