Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 khu vực phía Nam: Trỗi dậy sau mùa dịch

Nguyệt Anh (T/h) - 16:53, 06/01/2022

Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 khu vực phía Nam diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 3 đến 17/1. Liên hoan thu hút với 20 đơn vị tham gia với 26 vở diễn thuộc nhiều thể loại: dân gian, lịch sử, thời sự xã hội.

Phân cảnh trong vở kịch “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” của Nhà hát Kịch TP. Hồ Chí Minh
Phân cảnh trong vở kịch “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” của Nhà hát Kịch TP. Hồ Chí Minh

Đa dạng đề tài

Kỳ Liên hoan này, có những gương mặt lâu lắm mới tham gia hoặc mới tham gia lần đầu như sân khấu Hoàng Thái Thanh, Quốc Thảo, Công ty Sử Việt, Công ty tổ chức biểu diễn Phiêu Linh, Công ty truyền thông GODI, Công ty HN Media...

Một số đơn vị dự thi đến 2 vở như Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh, sân khấu Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân, Thế Giới Trẻ, Nhà hát kịch TP. Hồ Chí Minh, Nhà hát kịch 5B...

Đề tài các vở diễn năm nay cũng khá đa dạng. Về lịch sử có "Thành Thăng Long thuở ấy" (Nhà hát Thế Giới Trẻ), "Khóc giữa trời xanh" (Công ty Sử Việt), "Cuộc hành trình tìm bức chân dung" (Nhà hát kịch TP. Hồ Chí Minh), "Câu hò đất mẹ" (Công ty Phiêu Linh)...

Có vở mang màu sắc dân gian như "Công lý như Mặt trời" (Nhà hát 5B), "Tấm và Hoàng hậu" (sân khấu Hồng Hạc)...

Mỹ Uyên (trái) - giám đốc nhà hát 5B Võ Văn Tần - trong vở "Công lý như mặt trời".
Mỹ Uyên (trái) - giám đốc nhà hát 5B Võ Văn Tần - trong vở "Công lý như mặt trời".

Và dĩ nhiên không thể thiếu những vở về tình người tình đời, những mảnh ghép xúc cảm của Sài Gòn như "Hoàng Thái Thanh với Bạch Hải Đường" và "Sài Gòn có một ngã tư", Hero Film với "Mưa bóng mây", Nhà hát 5B với "Tình lá diêu bông", sân khấu Thế Giới Trẻ với "Bao giờ mẹ lấy chồng" và "Ngược gió"...

Vở "Blouse trắng" - sân khấu kịch Trịnh Kim Chi - nói về sự hy sinh quên mình của các y, bác sĩ tuyến đầu trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng.

"Thành Thăng Long thuở ấy" là câu chuyện nhiều xúc cảm xoay quanh cuộc đối đầu giữa Trần Thủ Độ và Lý Chiêu Hoàng. "Khóc giữa trời xanh" cảm tác từ nỗi oan khuất của thái sư Lê Văn Thịnh. "Hành trình tìm bức chân dung" là hành trình tìm chân dung Bác của nhóm bạn nhỏ thời kháng chiến chống Mỹ. Còn "Câu hò đất mẹ "nói về nữ chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai.

Thăm dò khán giả trước thềm năm mới

Nhiều nghệ sĩ bày tỏ do không được diễn quá lâu nên Liên hoan là dịp để họ được sống lại không khí làm nghệ thuật, được ròng rã trên sàn tập và được trình diễn cùng bạn nghề.

Với các ông bầu, bà bầu sân khấu, Liên hoan là dịp để họ thăm dò xem khán giả đã muốn đến sân khấu xem kịch chưa. Bởi từ khi nới lỏng giãn cách xã hội đến nay, chưa sân khấu lớn nào ở TP. Hồ Chí Minh dám hoạt động lại.

Nghệ sĩ Tuyết Thu và Xuân Hồng trong vở Khóc giữa trời xanh (đơn vị công ty Sử Việt) - Ảnh: LINH ĐOAN
Nghệ sĩ Tuyết Thu và Xuân Hồng trong vở Khóc giữa trời xanh (đơn vị công ty Sử Việt)- Ảnh: LINH ĐOAN

Nghệ sĩ Ái Như cho biết, Liên hoan lần này tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và được động viên nên sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng quyết định tham gia. Nhưng mối quan tâm lớn nhất của chị vẫn là sự tồn tại của sân khấu trong giai đoạn khó này.

Nhiều sân khấu tham gia Liên hoan tổ chức bán số lượng vé hạn chế, khoảng 100 vé/suất. Như Hoàng Thái Thanh mới đưa thông tin bán trong 10 phút mà suất thi diễn vở Bạch Hải Đường đã sạch vé.

Hình thức bán vé này không vì lợi nhuận mà đa số như bước thăm dò khán giả, xem sau một mùa dịch dông bão, họ có còn nhu cầu đến thưởng thức kịch.

Quản lý Ngọc Hùng của sân khấu Thế Giới Trẻ cho biết: "Đến giờ này, sân khấu chúng tôi vẫn còn hồi hộp theo dõi tình hình, chưa chuẩn bị gì cho mùa kịch Tết 2022. Hai suất diễn của sân khấu trong Liên hoan, chúng tôi bán mỗi suất 100 vé để dò xem tình hình khán giả như thế nào rồi tính tiếp cho hoạt động của sân khấu trong thời gian tới".