Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021: Lấp lánh những tín hiệu vui

PV - 12:14, 19/11/2021

Sau gần hai tuần diễn ra sôi nổi tại thành phố hoa phượng đỏ, Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 đã mang đến một “bữa tiệc” nghệ thuật đầy sắc màu, hấp dẫn, tràn ngập xúc cảm. Từ đây, có thể thấy những tín hiệu vui cho sự phát triển của kịch nói nước nhà, và cũng thấy cả những yếu tố cần điều chỉnh để sân khấu kịch nói chinh phục công chúng hiện đại.

Cảnh trong vở Làng song sinh của Nhà hát Kịch Hà Nội, giành Huy chương vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021
Cảnh trong vở Làng song sinh của Nhà hát Kịch Hà Nội, giành Huy chương vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Liên hoan Kịch nói toàn quốclần này không có sự góp mặt của các nghệ sĩ sân khấu phía Nam. Tuy nhiên, sự hiện diện của hơn 600 nghệ sĩ đến từ 14 đơn vị sân khấu kịch nói với 20 vở diễn đặc sắc đã cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của những người làm nghề.

Có những vở như “Đường chân trời” (Đoàn Kịch nói Hải Phòng), hay “Non thiêng” (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh) là những tác phẩm “mới tinh” vừa được khẩn trương dàn dựng để kịp dự thi. 20 vở diễn tham gia liên hoan là 20 cuộc đối thoại trực diện với lịch sử và xã hội đương thời, nói như Hội đồng nghệ thuật là đã thể hiện được những đề tài đa dạng, phong phú, có tính mới và giá trị dự báo.

Chẳng hạn, nói về chiến tranh nhưng “Thiên định” (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hải Dương) đã có cách tiếp cận mới khi phản ánh sự sám hối của người lính đối phương trước sự tàn bạo đến phi lý của đế quốc Mỹ với nhân dân Việt Nam. “Thiên mệnh” (Nhà hát Kịch Việt Nam) cũng đã đưa ra những lý giải mới về nhân vật lịch sử Trần Thủ Độ, người sẵn sàng làm tất cả vì cơ nghiệp của nhà Trần. Trong khi đó, “Làng song sinh” (Nhà hát Kịch Hà Nội) đề cập những ẩn dụ đầy triết lý, buộc người xem phải suy nghĩ về sự tồn tại giữa tốt và xấu, thật và giả, thiện và ác trong mỗi con người; “Cái ao làng” (Nhà hát Tuổi trẻ) lại đặt vấn đề về việc lấp hay không lấp một cái ao mà trong lòng đã đầy rác rưởi…

Có thể thấy, dù khai thác nội dung ở nhiều hệ quy chiếu khác nhau nhưng các vở diễn đều đã tiếp cận những vấn đề mang tính thời sự, chuyển tải nhiều thông điệp nhân văn và những bài học ý nghĩa về thái độ sống, cách ứng xử giữa người với người trong các mối quan hệ với gia đình, xã hội và đất nước.

Đặc biệt, Liên hoan năm nay đã ghi dấu sự trưởng thành của nhiều gương mặt đạo diễn trẻ. Bên cạnh những tên tuổi đạo diễn lão làng đã từng quen mặt ở nhiều hội diễn chuyên ngành như NSND Lê Hùng, NSND Trần Ngọc Giàu, khán giả còn được chứng kiến sự trở lại ngoạn mục của các đạo diễn Lê Quý Dương, Đỗ Kỷ, cùng với đó là sự xuất hiện của những đạo diễn trẻ: NSND Trung Hiếu, NSƯT Kiều Minh Hiếu, NSƯT Sĩ Tiến. Những tìm tòi, phát hiện để có những mảng miếng sân khấu mới mẻ, hấp dẫn trong một số vở như “Thiên mệnh”, “Điều còn lại” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Làm vua” (Sân khấu Lệ Ngọc), “Làng song sinh”... đã chứng tỏ được khả năng dàn dựng của nhiều đạo diễn trẻ.

NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Liên hoan nhận định: Một trong những yếu tố làm nên thành công về mặt nghệ thuật trình diễn trong Liên hoan lần này là nghệ thuật đạo diễn. Hội đồng nhận thấy có hai dòng chủ lưu của công tác đạo diễn: một dòng là đạo diễn theo phong cách tạo hình hoành tráng với khuynh hướng tạo ấn tượng mạnh về thị giác như cách dàn dựng của NSND Lê Hùng, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Trung Hiếu, đạo diễn Lê Quý Dương…; và một dòng khác theo phong cách tả thực tâm lý, chú trọng đến khắc họa nội tâm như cách dựng của NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Sĩ Tiến. Từ góc nhìn đạo diễn, có thể thấy được sự kế thừa những tinh hoa trong dàn dựng từ thế hệ nghệ sĩ đi trước, mang đến nhiều hy vọng cho sự phát triển lâu dài của nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam.

Cũng từ Liên hoan, khán giả được chứng kiến tài năng diễn xuất, sự cống hiến hết mình trên sân khấu của đông đảo diễn viên trẻ. Theo đánh giá từ Hội đồng nghệ thuật, bên cạnh các nghệ sĩ đảm nhận vai chính, các diễn viên thể hiện vai thứ, vai phụ cũng đã thể hiện được tài năng khi góp phần kết nối liền mạch những nhận thức, cảm xúc cần có của khán giả với vở diễn.

Trong đó, phải nói tới những gương mặt diễn viên như: Xuân Bích (Nhà hát Kịch nói Quân đội), Khuất Quỳnh Hoa, Bá Duy (Nhà hát Kịch Việt Nam), Thiện Tùng (Nhà hát Kịch Hà Nội), Văn Tuấn (Đoàn kịch Nhà hát Công an nhân dân)... Họ hoàn toàn xứng đáng nhận vai trò kế cận, tiếp bước các thế hệ diễn viên tiền bối.

Bên cạnh đó, liên hoan còn ghi nhận sự quan tâm, đầu tư đặc biệt của các đơn vị nghệ thuật dành cho âm nhạc và thiết kế không gian sân khấu. Nhiều vở diễn đã khéo léo sử dụng âm nhạc dân gian để tạo không gian đặc trưng vùng miền, góp phần khắc họa đậm nét hơn tính cách nhân vật; đồng thời chú trọng xử lý hình khối hội họa, tạo hình kết hợp sử dụng công nghệ ánh sáng, mang đến nhiều ấn tượng, hiệu ứng cảm xúc cho người xem.

Diễn ra đúng dịp Kỷ niệm 100 năm hình thành, phát triển sân khấu kịch nói Việt Nam, liên hoan với sự xuất hiện của nhiều vở diễn chất lượng cùng đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên có thực lực đã mang đến nhiều lạc quan, hy vọng cho sự phát triển đường dài của nghệ thuật kịch nói nước nhà, nhất là sau hai năm sân khấu điêu đứng vì ảnh hưởng dịch. Sự làm nghề nghiêm túc đã làm nên kết quả mỹ mãn, ấy là có tới sáu vở trên tổng số 20 vở diễn tham dự được trao Huy chương vàng tại Liên hoan, bao gồm: “Hố đen” (Nhà hát Kịch nói Quân đội), “Làng song sinh”, “Thiên mệnh” và “Điều còn lại”, “Con đò của mẹ” (Đoàn kịch Nhà hát Công an nhân dân), “Làm vua”.

Tuy nhiên, theo Hội đồng nghệ thuật, cũng còn những yếu tố trong dàn dựng mà ê-kíp sáng tạo cần đặc biệt chú ý để các vở diễn có sức thuyết phục hơn, chẳng hạn trong sử dụng âm nhạc. Bởi có những vở sử dụng nhạc nước ngoài không phù hợp nội dung; dùng nhạc phim không phù hợp chủ đề sân khấu, hoặc sử dụng nhạc chưa đúng bối cảnh lịch sử...

Bên cạnh đó, từ góc độ người thưởng thức, khán giả mong muốn có nhiều hơn nữa các tác phẩm khai thác các vấn đề nổi cộm của cuộc sống hôm nay. Tại liên hoan mới chỉ có số ít những tác phẩm đề cập đề tài này. Đây là “khoảng trống” mà sân khấu kịch nói cần khỏa lấp để đến gần hơn nữa với công chúng hiện đại...