Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đắk Lắk: Bảo tồn, phát huy 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nguyệt Anh - 19:06, 10/02/2023

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND về việc thực hiện Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.

 Nghệ nhân Y Thiêm (người thứ 2, từ trái sang) hát kể sử thi
Nghệ nhân Y Thiêm (người thứ 2, từ trái sang) đang hát kể sử thi

Theo đó Kế hoạch nhằm bảo vệ, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc của 3 di sản văn hóa: Khan (Sử thi) của người Ê Đê; Lời nói vần của người Ê Đê và Lễ mừng thọ của người Mnông. Đây là những di sản văn đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nhằm bảo tồn bền vững, tạo nguồn lực để phát triển du lịch.

Kế hoạch được triển khai đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là các địa phương có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Khan (Sử thi) của người Ê Đê

Khan (Sử thi) Ê Đê là những câu chuyện kể dài, có vần, có điệu và có thể được diễn tả hoặc minh họa bằng động tác, hành động. Sử thi Ê Đê phần lớn đều có nguồn gốc dân gian, tồn tại dưới dạng truyền miệng hoặc văn bản. Có tác phẩm chỉ kể trong 1 - 2 đêm, nhưng cũng có tác phẩm phải kể kéo dài tới 4 - 5 ngày, đêm tùy theo trí tưởng tượng, trạng thái thăng hoa của người kể. Do vậy, cùng với sử thi, người Ê Đê còn có hát khan, còn gọi là hát kể sử thi. Dân tộc Ê Đê nổi tiếng với sử thi Đam San, Xinh Nhã...

Nghệ nhân hát kể sử thi được người Ê Đê được coi là "báu vật sống" của dân tộc, là nghệ sĩ tổng hợp, là người sáng tạo tác phẩm, đạo diễn các tình huống, cũng là diễn viên tài năng, có thể diễn giọng nữ, giọng nam, giọng con quỷ, giọng thần tiên... Đồng thời là người bình luận tính cách hay diễn biến câu chuyện... Họ chính là người tạo ra nhiều dị bản của sử thi Ê Đê, nên sử thi Ê Đê phát triển thành cả một kho tàng khuyết danh, đúng nghĩa là những sáng tạo dân gian, giàu có và phong phú.

Khi tiếng hát kể sử thi vang lên hàng ngày trong nhà dài của người Ê Đê, nó sẽ từng bước ăn sâu vào tâm trí cộng đồng người Ê Đê trẻ tuổi, tạo ra một lớp người nghe, người kể sử thi mới, để hát khan, hát kể và sử thi tồn tại mãi trong cộng đồng dân tộc Ê Đê.

Lời nói vần của người Ê Đê

Lời nói vần, tiếng Ê Đê gọi là “Klei duê”, theo đó, “Klei” có nghĩa là lời nói, “Duê” có nghĩa là nối kết. Klei duê là lời nói có sự nối kết với nhau bằng các âm tiết cùng vần hoặc bằng từ có các âm tiết tương đồng.

Lời nói vần có thể được diễn xướng khi quây quần bên ché rượu cần.
Lời nói vần có thể được diễn xướng khi quây quần bên ché rượu cần.

Trước kia, lời nói vần xuất hiện khá phổ biến trong đời sống và sinh hoạt văn hóa của người Ê Đê. Loại hình này có mặt trong tất cả thể loại văn học dân gian như: Truyện cổ tích (klei đưm), lời khấn thần (riu yang), câu đố (klei mđăo), khan, kứt, eirei. Lời nói vần không bắt buộc không gian diễn xướng, có thể sử dụng trong lúc nghỉ ngơi sau giờ làm nương rẫy, khi đi lấy nước, bên ché rượu cần khi anh em, bạn bè gặp gỡ tâm tình hay người già răn dạy con cháu. Người diễn xướng Klei duê tùy vào tâm trạng, câu chuyện, hoàn cảnh mà biến tấu, sáng tạo thành những vần, điệu để người nghe dễ hiểu, dễ nhớ.

Lễ mừng thọ của người Mnông

Theo tục lệ của người Mnông, người con, người cháu trực tiếp nuôi cha mẹ, ông bà, khi nào thấy các cụ “hưởng tuổi trời” thì đứng ra tổ chức lễ mừng thọ. Lễ vật cúng gồm một con heo, một con trâu hoặc bò. Con cháu gần hay xa, để tỏ lòng kính trọng hoặc biết ơn cha mẹ, ông bà thì mỗi nhà đóng góp một ché rượu. 

Buổi lễ tổ chức vào ban ngày. Sáng sớm, mọi người tập trung làm thịt heo, giết trâu bò, lấy miếng gan nấu cháo cho ông bà ăn. Họ buộc ché rượu thành một hàng, nhiều hay ít tùy theo số con cháu tham dự. Trong ngày lễ, con cháu dù ở xa hay gần cũng không thiếu vắng một người. Nếu người nào ở xa quá, chỉ để lại một con hoặc một cháu dâu, cháu rể trông coi nhà cửa, còn tất cả phải đi dự lễ chúc thọ.

Thầy cúng cúng lễ mừng thọ cho một cặp vợ chồng người M’nông ở huyện Lắk (Ảnh: Nguyên Hùng).
Thầy cúng cúng lễ mừng thọ cho một cặp vợ chồng người Mnông ở huyện Lắk (Ảnh: Nguyên Hùng).

Nghi lễ mừng thọ tiến hành như sau: Người ta dọn mô cơm trong một nhà dài, xung quanh mô cơm là những bát thịt trâu, ngoài ra còn có cơm nhão và cháo gan để mời cụ già ăn. Cả gia tộc trẻ già, lớn bé ngồi hai bên mô cơm, ăn chung bữa cơm đông vui với ông bà. 

Ăn cơm xong, con cháu ngồi thành một vòng quanh ông bà, rót một nồi rượu ché để chính giữa. Một người con hoặc cháu đại diện tặng quà chúc mừng cho ông bà, quà tặng thường là chăn đắp và áo khố mới dệt. Lời chúc tụng của người đại diện là những câu nói chân tình, kể lại những công lao của ông bà đã săn sóc, nuôi dạy con cháu trưởng thành, nên người. Lời chúc cuối cùng là cầu mong ông bà sống lâu với con cháu. Trong lúc này, ông bà kể hết chuyện đời, kể hết những nợ nần phải trả, phải đòi cho con cháu nghe; dặn dò cháu con sống thuận hòa, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.

 Lúc ông bà qua đời, con cháu đừng buồn, đừng khóc nhiều có hại cho sức khỏe, đừng đập phá chiêng ché, của cải tài sản, làm như vậy con cháu sau này sẽ nghèo khổ. Gia sản của ông bà để lại là của chung, không được tranh chấp nhau. Sau đó, con cháu uống rượu vui, suốt ngày đêm, bàn bạc với nhau về công việc, làm ăn và sinh kế trong tương lai.

Người Mnông ở huyện Lắk ngồi quanh mâm lễ vật trong lễ mừng thọ cho cha mẹ, ông bà (Ảnh: Nguyên Hùng)
Người Mnông ở huyện Lắk ngồi quanh mâm lễ vật trong lễ mừng thọ cho cha mẹ, ông bà (Ảnh: Nguyên Hùng)

Lễ mừng thọ của dân tộc Mnông biểu hiện những nét đẹp trong đời sống văn hóa ứng xử, mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Truyền thống đạo hiếu của gia đình và cộng đồng được khơi dậy qua nghi lễ thiêng liêng thể hiện tình yêu thương, kính trọng người cao tuổi và lòng biết ơn của con cái dành cho đấng sinh thành.