Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lễ hội mừng cơm mới của người Khơ Mú

Văn Hoa - Đinh Trang - 09:56, 05/09/2022

Người Khơ Mú ở Than Uyên (Lai Châu) cư trú tập trung ở các bản Thẩm Phé – xã Mường Kim, Bản Mè – xã Ta Gia và các bản Noong Ỏ, Noong Ma – xã Tà Hừa. Trong đời sống văn hóa người Khơ Mú còn lưu giữ một số phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội dân gian. Trong đó, Lễ mừng cơm mới thể hiện rõ nhất văn hóa nương rẫy đặc sắc của người Khơ Mú.

Lễ hội mừng cơm mới của người Khơ Mú

Trong một chu kỳ canh tác nông nghiệp, sau khi đã thu hoạch xong mùa màng, các gia đình dâng cúng lên tổ tiên những hạt nếp cốm mới, với nhiều sinh hoạt cúng tế và vui chơi độc đáo. Mỗi gia đình người Khơ Mú sẽ tổ chức lễ cơm mới trong một ngày. Gia đình này, nối tiếp gia đình khác tạo nên một mùa lễ hội – Lễ hội cơm mới mà người Khơ Mú ở bản Thẩm Phé, còn gọi là Giát hả mả mía.

Lễ hội mừng cơm mới của người Khơ Mú 1

Để chuẩn bị cho Lễ hội cơm mới, ngoài cốm mới, người Khơ Mú còn phải chuẩn bị nhiều lễ vật dâng cúng như: Rượu cần, rượu cất, 1 đôi gà trống hoa, xôi trắng, xôi đỏ, các loại rau cùng các sản vật  như cá, cua, chuột, sóc…

Lễ hội mừng cơm mới của người Khơ Mú 2

Mở màn cho Lễ hội cơm mới, là nghi lễ “cúng Thổ địa”, tiếng Khơ Mú gọi là “Tam mà ngặt tia”. Người Khơ Mú quan niệm, thổ địa cai quản đất đai, làng bản. Mỗi khi con người làm việc ồn ào, đông người phải cúng báo thổ địa để không bị trừng phạt và được phù hộ.

Lễ hội mừng cơm mới của người Khơ Mú 3

Lễ vật dâng cúng thổ địa có lợn béo, rượu ngon, trầu thơm, vỏ đỏ. Chủ lễ kính cẩn thỉnh thổ địa cùng các tinh linh trong vùng về hưởng lễ: Cúng lợn béo một con/ Nước canh ngọt một bát/ Trầu không mọc trên giàn/ Vỏ thơm nơi rừng thẳm/ Đĩa muối đậm dâng lên/ Thỉnh thần linh về hưởng/ Hưởng rồi xin phù hộ/ Phù hộ chủ lễ tôi/ Phù hộ cả dân bản/ Cúng cơm mới an lành...

Lễ hội mừng cơm mới của người Khơ Mú 4

Tiếp theo là nghi lễ “Thỉnh mời tổ tiên”. Mở đầu nghi lễ, ông chủ lễ khấn kể về nguồn gốc của lễ hội: Bố đẳm, mẹ đẳm ơi!/ Từ năm xưa năm trước/ Bố mẹ sinh con ra/ Bố mẹ nuôi khôn lớn/ Ở trong bản, trong làng/ Cùng họ hàng, anh em...Tiếp theo, ông chủ lễ khấn kể về quá trình khai khẩn và gieo trồng nương rẫy.

Lễ hội mừng cơm mới của người Khơ Mú 5

Trong bài cúng, ông chủ lễ cũng ôn lại công ơn của tổ tiên đã phù hộ, giúp con cháu trông nom nương rẫy, cây trồng: Bố mẹ đẳm đi trông/ Bố mẹ đẳm đi giữ/ Không cho chuột bới ra/ Không cho sóc gắp mất Năm nay, được mùa, ông chủ lễ hân hoan báo cáo với tổ tiên: Gặt bằng khửu được gánh/ Gặt bằng sải được gùi/ Đầy gùi to đủ mang/ Đầy bung to đủ gánh/ Đổ bồ dưới cũng thừa/ Đổ bồ trên đầy ắp

Để báo đáp công ơn tổ tiên, gia đình tìm kiếm lễ vật mang về dâng cúng tạ ơn: Có gà to, gà lớn/ Mang về mổ bày mâm/ Có rượu cần, rượu cất/ Có cả sóc, chuột, cua/ Có rau, măng đủ cả...

Lễ hội mừng cơm mới của người Khơ Mú 6

Tiếp theo là nghi thức mời cơm. Ông chủ lễ một tay vít 2 cần rượu mồi cho rượu chảy ra rồi khấn mời tổ tiên hưởng lễ. Sau nghi lễ mời cơm đến nghi lễ cầu may, nghi thức phát lộc và nghi thức hát mừng cơm mới. Một hát giỏi nhất bản sẽ đại diện cả bản hát mừng gia đình năm qua được mùa: Ơi người bản mình ơi!/ Nay về đây vui vầy/ Nâng chén rượu thật đầy/ Mừng được mùa, no đủ

Lễ hội mừng cơm mới của người Khơ Mú 7

Trong Lễ hội cơm mới, các trò chơi, tạo nên tính hấp dẫn, vui nhộn như trò chơi thi uống rượu cần; trò chơi “Hổ ăn lợn”…

Lễ hội mừng cơm mới của người Khơ Mú 8

Đặc biệt, ngoài các trò chơi dân gian, người Khơ Mú còn trình diễn các vũ điệu cổ truyền đặc sắc. Mở đầu là vũ điệu tra hạt; vũ điệu Cơ dơng; vũ điệu trống chiêng…

Lễ hội mừng cơm mới của người Khơ Mú 9

Vũ điệu trống chiêng náo nhiệt, khỏe khoắn cứ thế diễn ra tưởng chừng như bất tận, cho đến khi từng người tách khỏi vòng xòe ra về cũng là lúc rã hội.