Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lập lại trật tự môi trường mạng xã hội

T.Minh (t/h) - 09:33, 29/07/2021

Lợi ích mà mạng xã hội (MXH) mang lại là giúp chúng ta nắm bắt thông tin nhanh nhạy hơn, kết nối được mọi người và cộng đồng. Đó cũng là phương tiện truyền thông, kinh doanh rất hiệu quả. MXH phát triển mở ra một hướng đi mới, mang ý nghĩa tích cực cho những ai biết tận dụng và kiểm soát nó.

MXH phát triển mở ra một hướng đi mới, mang ý nghĩa tích cực cho những ai biết tận dụng và kiểm soát nó. (Ảnh minh họa)
MXH phát triển mở ra một hướng đi mới, mang ý nghĩa tích cực cho những ai biết tận dụng và kiểm soát nó. (Ảnh minh họa)

Phải gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật

Lợi ích của MXH đã được nói đến nhiều, tuy nhiên, nếu người dùng không chọn lọc thông tin hữu ích thì rất dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệch, thậm chí độc hại và để lại hậu quả khôn lường cho chính bản thân, gia đình, xã hội. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các văn bản về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng .

Hiện, công tác quản lý việc thiết lập trang thông tin điện tử, MXH được quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật này chưa quy định cụ thể về công tác quản lý và cấp phép MXH. Vì vậy, quy định nổi bật được nêu trong Dự thảo nghị định mới là việc quản lý các MXH. Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới có thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam có nghĩa vụ: Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ TT&TT... Trong 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại của người sử dụng Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin phải xử lý khiếu nại...

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ vi phạm chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ TT&TT. Đối với video phát trực tuyến, các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ TT&TT. Đối với các tài khoản MXH, trang cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên cung cấp nội dung vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc tạm khóa hoạt động đối với các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung này chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ TT&TT.

Đối với các ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ ứng dụng này khỏi kho ứng dụng do mình quản lý, phân phối, chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ TT&TT. Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm hoặc không tạm khóa các tài khoản MXH, trang cộng đồng, kênh nội dung vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ TT&TT sẽ triển khai các biện pháp ngăn chặn nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp phát hiện nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng cung cấp xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật.

Như vậy, với quy định nêu trên, các nhà mạng muốn hoạt động kinh doanh dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo và tôn trọng pháp luật Việt Nam, đồng thời bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước đã và đang hoạt động trên lĩnh vực này. Cũng với những quy định này, Việt Nam đã chủ động ngăn chặn thông tin xấu, độc, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, đời sống văn hóa của người Việt và thậm chí là phản động từ bên ngoài, từ xa làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

MXH chỉ hoạt động khi được cấp phép

Theo quy định tại Dự thảo nghị định này, chỉ các MXH đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ MXH mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu. Đồng thời, các MXH có số lượng người truy cập thường xuyên thấp có thể xin cấp giấy phép cung cấp dịch vụ MXH nếu có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến. Các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên MXH trong nước hoặc MXH nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT.

Nhiều chiêu trò lừa đảo qua mạng nở rộ trong thời gian vừa qua. (Ảnh minh họa)
Nhiều chiêu trò lừa đảo qua mạng nở rộ trong thời gian vừa qua. (Ảnh minh họa)

Các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên MXH trong nước hoặc nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người không phải thực hiện thông báo. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng dịch vụ phát video trực tuyến hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức, thì phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT theo mẫu qua một trong các hình thức sau: Gửi báo cáo trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc qua phương tiện điện tử. Các MXH chỉ cho phép các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT mới được sử dụng dịch vụ livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức.

Chủ tài khoản, chủ trang cộng đồng, chủ kênh nội dung trên MXH trong nước hoặc MXH nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình; có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, thông tin ảnh hưởng đến trẻ em đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình chậm nhất là 3 giờ kể từ khi có yêu cầu từ người sử dụng hoặc cơ quan quản lý.

Trên đây là những chế tài nhằm ngăn chặn tình trạng ảo trên môi trường mạng. Từ đó, buộc người sử dụng phải có trách nhiệm với những thông tin mà mình đăng tải, chia sẻ, bình luận. Đồng thời, buộc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm quản lý nội dung thông tin mà người sử dụng đăng tải trên không gian mạng của mình. Đặc biệt, quy định nêu trên còn phát huy tinh thần xây dựng của cộng đồng người sử dụng MXH đối với nạn “rác tặc” và những thông tin xấu, độc trên MXH.

Phải công khai thông tin về cá nhân khi sử dụng trò chơi điện tử

Cũng theo quy định tại Dự thảo nghị định này, lần đầu tiên Việt Nam áp dụng biện pháp quản lý thông tin cá nhân của người sử dụng trò chơi điện tử. Cụ thể, khi tạo tài khoản sử dụng trò chơi điện tử G1 trên mạng, người chơi phải cung cấp những thông tin cá nhân, gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ đăng ký thường trú; số chứng minh nhân dân (CMND), thẻ căn cước công dân (CCCD), số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp hoặc số điện thoại di động đã được xác thực theo quy định.

Nghị định mới sẽ lập lại trật tự trong công tác quản lý hoạt động của các trang MXH. (Ảnh minh họa)
Nghị định mới sẽ lập lại trật tự trong công tác quản lý hoạt động của các trang MXH. (Ảnh minh họa)

Trường hợp người chơi dưới 14 tuổi, chưa có CMND, thẻ CCCD/số hộ chiếu, người giám hộ hợp pháp của người chơi quyết định việc đăng ký thông tin cá nhân của mình để thể hiện sự đồng ý và chịu trách nhiệm về việc đăng ký đó. Doanh nghiệp phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng phải lưu giữ các thông tin cá nhân người chơi trong suốt quá trình người chơi sử dụng dịch vụ và trong 6 tháng sau khi người chơi ngừng sử dụng dịch vụ; doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng phải triển khai hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu CMND hoặc hệ thống mã số cá nhân quốc gia theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để xác thực thông tin của người chơi...

Những chế tài này nhằm ngăn chặn tình trạng cờ bạc trá hình trong các trò chơi điện tử. Không những thế, khi các nhà mạng tuân thủ nghiêm quy định nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý xã hội và ngăn chặn hành vi phạm tội.

Tóm lại, với những quy định chặt chẽ và dễ thực thi như trong dự thảo, nên khi được Chính phủ thông qua, chắc chắn nghị định này sẽ lập lại trật tự trong công tác quản lý hoạt động của các trang MXH. Đồng thời, với những chế tài cụ thể của nghị định này là cơ sở để dẹp bỏ nạn “rác tặc” trên không gian mạng. Tuy nhiên, hiệu quả của các chế tài này hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng và quan trọng hơn là những người sử dụng MXH./.