Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ tiêu cực từ mạng xã hội: Lời giải phải có từ hai phía

Hồng Phúc - 18:51, 09/07/2021

Ngày 1/6/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng. Tuy nhiên, để bảo vệ được con trẻ, mỗi bậc cha mẹ cần phải thể hiện vai trò tích cực trong việc chăm sóc, giáo dục con cái.

Trẻ em cần được trang bị kỹ năng khi sử dụng internet
Trẻ em cần được trang bị kỹ năng khi sử dụng internet

Đối tượng dễ bị tổn thương 

Tháng 3 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã cấp cứu trường hợp bé NTN (13 tuổi, sống ở Long An) uống thuốc trừ sâu tự tử. Người cha cho biết, nguyên nhân bé nghĩ quẩn uống thuốc tự tử, là do bé N. là lớp phó học tập, có mâu thuẫn với một số bạn trong lớp nên dần dần bị tẩy chay, bị cô lập và bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội Facebook. 

N. từng ngất xỉu một lần trong trường vì áp lực do bị bắt nạt vào học kỳ 1 năm ngoái. May mắn N. được cứu chữa kịp thời, nhưng trên thực tế không thiếu những cái kết đau lòng.

Mạng internet đã tạo ra một sân chơi, kết nối con người với những tiện ích không thể phủ nhận, nhưng cũng là con dao hai lưỡi khi tiềm ẩn những mối đe doạ cho sức khoẻ tinh thần, nhân cách của người dùng, đặc biệt là trẻ em. 

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 60 triệu người sử dụng mạng xã hội, đứng thứ 18 thế giới; và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm tỉ lệ khá lớn lại là thanh thiếu niên.

Thực tế là, nhiều trẻ em từ thành thị đến nông thôn, thậm chí vùng sâu, vùng xa đang bị "hút hồn" bởi những chiếc điện thoại, máy tính nối mạng internet. Đáng nói, không ít trẻ nghiện xem những kênh thông tin có nội dung nhảm nhí, độc hại trên nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Youtube… 

Nội dung độc hại trên mạng, cũng giống như việc bọn trẻ chọn nhầm bạn xấu mà chơi vậy. Việc đó có thể dẫn đến sự tổn thương nghiêm trọng về mặt cảm xúc, tâm lý và thể chất của những đứa trẻ đang trong giai đoạn tâm lý phức tạp, chưa hoàn thiện về nhân cách. Do đó, nguy cơ các em bị xâm hại đang hiện hữu mỗi ngày, mỗi giờ.

Theo số liệu từ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan trẻ em mỗi năm, số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng nhiều.

 Nguy cơ bị dụ dỗ, phát tán thông tin cá nhân, lừa đảo, xâm hại tình dục, bắt cóc,… đang đe doạ đến sự an toàn của con trẻ. Ngoài ra, hiện tại còn xuất hiện khái niệm mới “bắt nạt online”, nhiều mâu thuẫn trên không gian số dẫn tới không ít vụ xô xát ngoài đời thực, những vụ tự tử đau lòng.

Thực tế ấy có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, thế nhưng phải nhìn nhận thẳng thắn là, để xảy ra những vấn nạn ấy, trách nhiệm rất lớn thuộc về cha mẹ, những người gần con nhất nhưng có khi lại “mất” con trong chính ngôi nhà của mình. 

Tạo hệ miễn dịch số

Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”, với nhiều giải pháp, cùng sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, được kỳ vọng sẽ tạo ra một màng lọc cho môi trường internet với trẻ em.

Chương trình hướng tới mục tiêu kép: bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi, để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.

Phụ huynh nên hướng dẫn con phân biệt thông tin tốt hay độc hại trên mạng (Ảnh: Quang Định).
Phụ huynh nên hướng dẫn con phân biệt thông tin tốt hay độc hại trên mạng (Ảnh: Quang Định).

Đặc biệt, chương trình đề cập đến sự tham gia của các bậc cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ. Rõ ràng, sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan liên ngành, là một tín hiệu đáng mừng trong công tác bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, nỗ lực sẽ phải đến từ hai phía, vai trò của cha mẹ ở đây rất quan trọng mà lâu nay, có lẽ nhiều người đã xao lãng.

Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, cha mẹ cần dạy trẻ cách phân biệt những thông tin nào là an toàn và thông tin nào là nguy hiểm từ Internet. Cha mẹ không thể lúc nào cũng ở bên cạnh để giám sát tất cả mọi thứ con mình làm, nhưng chúng ta có thể dạy chúng cách tự bảo vệ mình khỏi những thứ độc hại, nguy hiểm trên mạng. Hãy dạy con “khôn” hơn, chủ động hơn trên mạng ảo.

Thế nhưng, thực tế là hiện nay, không ít những bậc cha mẹ cũng không thoát khỏi được thế giới ảo khi lạm dụng mạng xã hội, internet. ThS. BS. Nguyễn Khắc Dũng (Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương) cho rằng, cha mẹ cần kiểm soát thời lượng sử dụng internet, thiết lập những khu vực không có công nghệ trong nhà, hoặc giờ không sử dụng các thiết bị điện thoại, kể cả bố và mẹ.

Cần phải làm gương cho con trẻ. Sẽ không thể có mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái khi những giao tiếp, tương tác truyền thống như trò chuyện, chia sẻ, cùng nhau tham gia các hoạt động vui chơi bị xem nhẹ.

Đồng thời, mỗi bậc phụ huynh phải tự cập nhật kiến thức, công nghệ, cùng đồng hành với con trên không gian mạng. Trong mọi biện pháp thì việc trao đổi, kết nối giữa cha mẹ và con cái luôn có hiệu quả. Ngoài ra, cần giáo dục con cách tự bảo mật thông tin cá nhân, chống nguy cơ bắt nạt, xâm hại trên không gian mạng. Bởi những nguy cơ mất an toàn của trẻ em hoàn toàn có thể được nhận diện, phòng chống, giải quyết ngay trong những môi trường nhỏ như gia đình.

Tạo màng lọc cho môi trường internet của con được lành mạnh, thì cần lời giải từ hai phía, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, vai trò của cha mẹ trong giáo dục, đồng hành với con cái sẽ xây dựng cho con trẻ một hệ miễn dịch khoẻ mạnh với những tiêu cực từ môi trường mạng.