Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Lão làng” làm công tác dân tộc ở Quảng Bình

Thanh Hải - 19:18, 30/04/2021

Dẫu học trái ngành, công việc khó khăn vất vả… nhưng rồi như một định mệnh, anh đã gắn bó với công việc gần 30 năm qua; trở thành một trong những “lão làng” làm công tác dân tộc ở Quảng Bình. Ấy là Trần Hữu Ninh, sinh năm 1970 ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Bộ đội Biên phòng giúp đồng bào Chứt ở Thượng Hóa, Minh Hóa thu hoạch lúa nước
Bộ đội Biên phòng giúp đồng bào Chứt ở Thượng Hóa, Minh Hóa thu hoạch lúa nước

Duyên với nghề

Trần Hữu Ninh bảo, anh là người thứ 10 gắn bó với công tác dân tộc ở Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình. Giờ đã là Phó ban, anh Ninh được ví như cây “đại thụ” làm công tác dân tộc lâu nhất, am tường nhất. Trước anh, đã có 9 người gắn bó với Ban này. Nhưng rồi vì công việc, phần nhiều họ đã chuyển sang cơ quan khác trước lúc nghỉ hưu.

Anh Ninh thông tin với chúng tôi như vậy với một tâm trạng đầy tự hào. Việc anh “bám trụ”, gắn bó với nghề này ngót 30 năm thực sự là điều đáng nể, đáng trân trọng. “Cũng có nhiều chỗ có thể đến làm, nhưng không hiểu sao tôi lại về Ban Dân tộc. Quá trình làm việc, tôi cứ nghĩ, hay là cái mệnh mình phải gắn với đồng bào. Bởi khi mới vào làm cũng nhận thấy không đam mê, thế rồi qua thời gian, có cái gì đó cứ gắn bó dần giữa tôi với công việc”, anh Ninh chia sẻ.

Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Huế, năm 1994, Trần Hữu Ninh được nhận vào làm việc tại Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình. 24 tuổi, chàng trai Lệ Thủy bỏ lại sau lưng phồn hoa phố thị để mải mê với những chuyến ngược rừng biền biệt. “Tôi đã tự học tiếng của đồng bào Chứt, Bru Vân Kiều kết hợp tìm hiểu phong tục, tập quán… để thuận lợi hơn cho công việc. Cũng nhờ thế, công việc trở nên dễ dàng hơn”, Trần Hữu Ninh trải lòng.

“Bập” vào công tác dân tộc, cái “nghiệp” ấy đã gắn bó với anh cho mãi tận hôm nay. Suốt 27 năm qua, bước chân anh đã in dấu mọi ngõ ngách làng, bản vùng đồng bào DTTS miền Tây Quảng Bình. Anh Ninh tâm sự: “Cách đây hơn 10 năm, mỗi lần về công tác ở các xã vùng đồng bào DTTS là một hành trình vô cùng khó khăn. Đường núi đất cấp phối, trời mưa thì trơn trượt, trời nắng thì bụi mù. Về trung tâm xã đã vậy, nếu về các bản thì phải luôn chuẩn bị các thứ để ở lại qua đêm”.

Học ngành Nông nghiệp nhưng lại làm công tác dân tộc, anh có nghĩ là trái ngành? Tôi hỏi, anh Ninh trả lời rằng: Đúng là có hơi trái ngành một tí, nhưng cũng may mình học chuyên ngành lâm nghiệp. Quá trình hoạt động, gắn bó với công tác dân tộc, cũng vận dụng được nhiều kiến thức từ chuyên ngành. Đó là vận động đồng bào phát triển lâm nghiệp, trồng rừng thông qua các dự án 327, 661…

Kỷ niệm của Trần Hữu Ninh với đồng bào miền Tây Quảng Bình nhiều lắm, đáng nhớ lắm. Anh Ninh kể với chúng tôi nhiều chuyện, ở nhiều thời điểm. Nhưng tôi nhớ mãi câu chuyện anh ở lại mấy ngày liền ở cơ sở vì đường tắc, lũ vây. Có đợt anh đi vận động đồng bào trồng lúa nước, không đốt rừng làm rẫy… ở Tuyên Hóa, khi chuẩn bị ra về thì trời đổ mưa to, lũ lên nhanh. Đợt ấy, anh phải ở lại những mấy ngày liền. Rồi câu chuyện anh cùng đồng chí Trưởng ban cũ là Mai Xuân Thu lên xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa. “Đồng bào bản Hóa Lương thiết tha có một Tuabin phát điện để có ánh sáng phục vụ sinh hoạt tại nhà cộng đồng. Anh Thu đồng ý và sau mấy tháng nỗ lực bằng nhiều cách đã cho lắp Tuabin phát điện. Ngày họp bản đầu tiên dưới ánh điện Tuabin, mấy cụ cao tuổi cứ cầm tay tôi và anh Thu thật chắc”, anh Ninh nhớ lại.

Anh Trần Hữu Ninh kể về những tháng ngày làm công tác dân tộc
Anh Trần Hữu Ninh kể về những tháng ngày làm công tác dân tộc

Trăn trở với vùng DTTS

Đồng bào Chứt, Bru Vân Kiều nơi miền Tây Quảng Bình sống rải rác ở nhiều thôn, bản nhưng sống thành cộng đồng dân cư thì chỉ có trên địa bàn 11 xã. Cho đến tận hôm nay, cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Do tập quán du canh du cư truyền đời… nên quá trình vận động, tuyên truyền đồng bào định cư, ổn định cuộc sống không hề đơn giản.

Trần Hữu Ninh nhớ lại: Khó khăn nhất là vận động người A rem (thuộc dân tộc Chứt) định cư ở bản 39, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch. Hàng mấy năm, anh em kiên trì thuyết phục, phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng Cà Roòng vận động, họ mới chấm dứt du canh du cư. Chúng tôi vận động mãi, phối hợp tuyên truyền mãi thì đến khoảng năm 1996, toàn tỉnh mới chấm dứt tình trạng du canh du cư.

Đa phần đồng bào DTTS ở Quảng Bình di cư từ nơi khác đến, nên tập quán ăn sâu trong đồng bào là thích du canh du cư, đốt rừng làm rẫy. Để đồng bào yên tâm định cư, anh Ninh cùng cán bộ, nhân viên của Ban phối hợp cùng nhiều ban, ngành “bám trụ” cơ sở, cùng dân bản khai hoang, rồi hướng dẫn người dân cách trồng lúa nước. Mưa dầm thấm lâu, đồng bào Chứt, Bru Vân Kiều nay đã thành thạo với trồng lúa nước để ổn định cuộc sống.

Suốt cả cuộc trò chuyện, Trần Hữu Ninh rất trăn trở làm sao để cuộc sống của vùng đồng bào DTTS ngày một tốt hơn. Anh bộc bạch: Mình mong sẽ có thêm nhiều chủ trương, chính sách, nguồn lực hỗ trợ sinh kế để đồng bào phát triển bền vững. Muốn thực hiện hiệu quả điều này, thì đào tạo nguồn lực tại chỗ cho vùng đồng bào là rất quan trọng. Thực tế hiện nay, đồng bào DTTS ở Quảng Bình tham gia vào bộ máy chính quyền từ xã đến huyện đang thiếu chất lượng và số lượng.

Anh Ninh cung cấp một thông tin khiến chúng tôi bất ngờ: “Các Phòng Dân tộc tại các huyện có đồng bào DTTS sinh sống, không có người dân tộc phụ trách. Thậm chí tại Ban Dân tộc tỉnh cũng không có ai là người DTTS. Cũng bởi vậy, nên quá trình tuyên truyền, vận động của chúng tôi vất vả hơn, khó khăn hơn rất nhiều”.