Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vững niềm tin viết tiếp trang sử vẻ vang

Sỹ Hào - 18:19, 30/04/2021

Năm nay, Cơ quan làm công tác dân tộc kỷ kiệm 75 năm Ngày truyền thống (3/5/1946 – 3/5/2021) khi đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với những thành tựu đạt được trong lĩnh vực công tác dân tộc những năm qua, kế thừa, phát huy truyền thống 75 năm của ngành, Cơ quan làm công tác dân tộc vững tin viết tiếp trang sử vẻ vang để cùng các cấp, các ngành, các địa phương hiện thực hóa khát vọng về một nước Việt Nam thịnh vượng vào năm 2045 đã được Đảng ta xác định tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Sản xuất trà xanh chất lượng cao mang lại thu nhập cao cho đồng bào DTTS tỉnh Phú Thọ.
Sản xuất trà xanh chất lượng cao mang lại thu nhập cao cho đồng bào DTTS tỉnh Phú Thọ.

Ngày 3/5 năm nay là ngày đặc biệt đối với những người làm công tác dân tộc. Đặc biệt không chỉ vì đây là ngày kỷ niệm cơ quan làm công tác dân tộc tròn 75 tuổi mà đến thời điểm này, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG) đang được gấp rút hoàn thiện các bước cần thiết để bắt tay ngay vào triển khai thực hiện trong năm nay.

Đây là Chương trình đa mục tiêu, giàu tính nhân văn, là giải pháp đột phá, là kỳ vọng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và là niềm mong mỏi của gần 14,2 triệu đồng bào các DTTS trong cả nước bao lâu nay. Không thể không kỳ vọng, phấn khởi khi Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, vùng đồng bào DTTS và miền núi cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Nói kỳ vọng là bởi, hiện vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn có nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn. Theo thiết kế của Chương trình thì dự kiến có 3.415 xã và 1.568 thôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng. Và kỳ vọng sau 10 năm nữa, với nguồn lực từ Chương trình MTQG, 3.415 xã và 1.568 thôn này sẽ thoát khỏi danh sách nghèo.

Phấn khởi là vì, cùng với hai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo thì Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 sẽ được bố trí đủ nguồn lực. Trước hết, giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình sẽ được bố trí hơn 134 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công để thực hiện.

Điều này khẳng định, quan điểm cơ bản về vấn đề dân tộc của Đảng, Nhà nước tiếp tục được khẳng định và bổ sung nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong suốt 91 năm qua, kể từ khi có Đảng, chính sách dân tộc luôn được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán. Và trong mỗi giai đoạn lịch sử, chính sách dân tộc luôn được kế thừa, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng, sự phát triển của đất nước nói chung.

Càng vững tin hơn khi đường hướng phát triển đất nước với tầm nhìn chiến lược đã được vạch rõ tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Để hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam thành một nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Đảng ta xác định tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương, giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hoà quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, Người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc…

Những quyết sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi của Đảng, Nhà nước tiếp thêm động lực cho đội ngũ làm công tác dân tộc các cấp để vượt qua những khó khăn phía trước. Bởi thực tế, vận hội mới cho sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có, nhưng thách thức vẫn còn. Vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn là “lõi nghèo” của cả nước, nhiều vấn đề bức thiết trong đời sống xã hội vẫn còn hiện hữu; so với mặt bằng chung của cả nước, đời sống của đồng bào DTTS vẫn thuộc diện khó khăn nhất…

Nhưng niềm tin về sự phát triển bứt phá mạnh mẽ cho vùng đồng bào DTTS và miền núi hoàn toàn có cơ sở. Với đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, niềm tin đó đã được bồi đắp qua chặng đường 75 năm và qua tiến trình “thay da đổi thịt” ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự quyết tâm của cơ quan công tác dân tộc các cấp và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các DTTS, vùng “lõi nghèo” nay đã khoác lên bộ mặt mới. Đến nay, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,5% xã có trạm y tế; 93% người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 1.052 xã (chiếm 22,3%) đạt chuẩn nông thôn mới;…

Sự phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi có đóng góp quan trọng của cơ quan làm công tác dân tộc, ngay từ những ngày đầu tiên thành lập Nha Dân tộc thiểu số theo Sắc lệnh số 58/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 3/5/1946. Từ Nha Dân tộc thiểu số đến Ủy ban Dân tộc ngày nay, chặng đường 75 năm, cơ quan làm công tác dân tộc đã đồng hành, cùng đồng bào DTTS và miền núi đi qua hai cuộc chiến tranh giành độc lập và giải phóng, thống nhất đất nước; rồi cùng đồng bào các dân tộc hòa mình vào công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.

Truyền thống 75 năm qua của cơ quan làm công tác dân tộc là nền tảng để đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp quyết tâm nỗ lực phát huy ưu điểm, khắc phục khó khăn, hạn chế; phấn đấu làm được nhiều điều hơn nữa cho đồng bào các dân tộc. Đường hướng phát triển đất nước cũng như chủ trương ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi được vạch ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bồi đắp, củng cố vững chắc niềm tin để đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc viết tiếp trang sử vẻ vang của ngành, cùng đồng bào DTTS thống nhất ý chí và hành động, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Với những thành tích đã đạt được, Ủy ban Dân tộc vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng (năm 2010), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2006), Huân chương Độc Lập hạng Nhất (năm 2016); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2020); Huân chương Itxara của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (năm 2012). Nhiều tập thể, cá nhân đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…