Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lao động hồi hương và câu chuyện an sinh: Trở về trong vòng tay yêu thương (Bài 1)

Lê Hường - Phan Trọng - 12:41, 14/10/2021

Chưa đầy 3 tháng, các tỉnh Tây Nguyên đón hàng trăm nghìn lao động làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hồi hương tránh dịch. Trong số đó, nhiều người đã mất việc, người tạm nghỉ việc vì giảm lương, không ít người bỏ việc không nhận lương vội vã rời "miền đất hứa", về quê sinh sống. Sau khi trở về, họ đều phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong cuộc mưu sinh. Báo Dân tộc và Phát triển xin gửi đến bạn đọc loạt bài " Lao động hồi hương và câu chuyện an sinh" hầu mong giúp bạn đọc có cái nhìn thấu đáo hơn về những khó khăn của người dân và tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể trong nổ lực ổn định và phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ đại dịch.

Những ngày qua, dòng người từ phía Nam đổ về các tỉnh Tây Nguyên vẫn đông nghẹt. Người dân từ vùng dịch hồi hương nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao và các địa phương sẽ đối mặt nhiều khó khăn, song chính quyền, Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên vẫn nỗ lực, dang rộng vòng tay đón công dân trở về với một tinh thần trách nhiệm và nhân văn .

Những người hồi hương được đưa về các khu cách ly tập trung
Những người hồi hương được đưa về các khu cách ly tập trung

Hành trình hồi hương đượm nghĩa đồng bào

Cung đường đẹp nhất Tây Nguyên - Quốc lộ 14 những ngày đầu tháng 10 rình rịch từng đoàn người, xe nối đuôi nhau ngược về cao nguyên đại ngàn. Trên những chiếc xe máy cà tàng, là hành trang lỉnh kỉnh, là những phận đời cơ cực, trong đó có không ít phụ nữ bụng mang dạ chửa, những đứa trẻ mới chỉ vài tháng tuổi...

Cùng chồng vượt quãng đường gần 400km từ TP. Hồ Chí Minh về Đắk Lắk, trên chiếc xe máy cũ cùng đồ đạc lỉnh kỉnh, bộ dạng chị H’Trang Kđoh xã Krông Na, huyện Buôn Đôn mệt mỏi vì di chuyển suốt hành trình dài.

Chị H’Trang chia sẻ: Dịch bệnh ập đến, vợ chồng chị mất việc làm, suốt mấy tháng nay, hai vợ chồng sống nhờ vào những phần cơm từ thiện, nhu yếu phẩm mà các nhà hảo tâm hỗ trợ. Khi TP. Hồ Chí Minh nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, vợ chồng thu xếp đồ về quê. Qua mỗi địa phương, mỗi chốt kiểm soát dịch vợ chồng chị đều được các lực lượng chức năng giúp đỡ tận tình.

"Tại Chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 14 đoạn qua xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), chúng tôi được hỗ trợ suất ăn nhẹ miễn phí. Đến điểm tập trung test Covid-19 tại Trường THPT Nơ Trang Lơng, tình nguyện viên đã chuẩn bị phần ăn chu đáo. Đây không phải lần đầu nhận hỗ trợ, nhưng hành trình này thật đáng nhớ", chị H'Trang chia sẻ.

Lao động hồi hương được hỗ trợ đồ ăn, nước uống trên đường đi
Lao động hồi hương được hỗ trợ đồ ăn, nước uống trên đường đi

Không chỉ công dân địa phương, mà người dân các tỉnh khác đi qua các tỉnh Tây Nguyên cũng cảm thấy ấm lòng bởi sự quan tâm, sẻ chia và tấm lòng nhân hậu của người dân nơi đây.

Ngồi chờ lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông hoàn tất công tác phòng chống dịch, bố trí xe đưa qua địa phận tỉnh Đắk Lắk, đoàn người đồng bào DTTS ở các tỉnh phía Bắc, dừng chân tại Chốt kiểm soát dịch Cai Chanh, tại xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp được phát đồ ăn miễn phí.

Chị Sùng Thị Tung quê Hà Giang chia sẻ: Vợ chồng tôi vào Bình Dương làm mấy năm rồi. Dịch bệnh ập đến, hai vợ chồng thất nghiệp suốt mấy tháng nay, tiền tiết kiệm được đồng nào cũng đã tiêu hết. Lo lắng nên chúng tôi dắt hai con nhỏ theo đoàn người đi bộ về quê.

“Ở lại cũng cực lắm, suốt những ngày qua cả nhà ăn cơm từ thiện và đồ ăn người ta cho. Quyết định về quê, hành trang chẳng có gì, đi đến đâu tính đến đó. Cũng may, đi đến đâu cũng được hỗ trợ, xe đưa đón qua các chốt tỉnh này qua tỉnh khác, mỗi điểm qua Chốt kiểm soát dịch lại được ăn cơm đàng hoàng, được tiếp tế bánh mì, sữa”, chị Tung cho biết.

Theo số liệu thống kê, từ tháng 7 đến nay, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông tiếp nhận khoảng 20.000 công dân đang tạm trú, làm việc ở các tỉnh khu vực phía Nam vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã trở về quê nhà trách dịch. Ngoài ra, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng, tổ chức xã hội và Nhân dân trong tỉnh cũng hỗ trợ phương tiện đưa đón, đồ ăn, nước uống, xăng xe và kinh phí cho hàng nghìn người dân các địa phương khác đi qua Đắk Lắk.

Quê nghèo dang rộng vòng tay

Rời "miền đất hứa" trở về quê hương, về với người thân trong sự yêu thương, đùm bọc của cả cộng đồng, người hồi hương quên đi cuộc sống vất vả, cơ cực của những ngày mất việc khi đại dịch tràn đến.

Nhiều gia đình mang theo con nhỏ chạy xe máy về quê
Nhiều gia đình mang theo con nhỏ chạy xe máy về quê

Trong chuyến hồi hương đầu tháng 10 này, toàn xã Ea M’Đroh, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) có hơn 200 người, chủ yếu là đồng bào DTTS. Không còn điểm cách ly tập trung như lần trước, xã mượn hội trường, nhà dân để chia nhóm người cách ly.

Bà Phạm Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Ea M’đroh cho biết: Hồi tháng 7, tháng 8 xã có 43 công dân tạm trú, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê tránh dịch. Lúc đó, xã kích hoạt khu cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân và thành lập Ban Quản lý và Tổ Hậu cần khu cách ly. Ngay trong đêm xã đã đưa 13 công dân từ vùng dịch về địa phương bằng xe máy vào khu cách ly, chuẩn bị sẵn đồ ăn đêm bánh, sữa phục vụ công dân sau ngày dài ngồi trên xe.

Trong suốt thời gian công dân cách ly tập trung, xã kêu gọi các nguồn lực bảo đảm nhu yếu phẩm, không ai phải mất phí cách ly. Lần này tuy không có khu cách ly tập trung, nhưng xã vẫn bảo đảm an sinh cho người hồi hương. Tất cả người về đang cách ly tại nhà đều được hỗ trợ gạo, trứng, rau củ và các nhu yếu phẩm cần thiết khác.

Theo bà H’Oanh B’Krông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút (Đắk Nông), từ đầu tháng 10 đến nay, thị trấn Ea Tling đã có 163 công dân từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương. Trong đó, có 54 công dân là người DTTS tại chỗ, ở 3 Bon trên địa bàn. Bên cạnh việc giám sát cách ly đối với các công dân trở về, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm để giúp họ vượt qua khó khăn trong mùa dịch.

Bà H’ Oanh B’krông cho biết: Địa phương đã lập danh sách số công dân bị mất việc làm để có phương án hỗ trợ theo các quy định của Nhà nước. Những trường hợp công dân sau khi thực hiện cách ly y tế theo quy định, nếu có nhu cầu đi làm ăn xa, chính quyền sẽ tạo điều kiện về mọi thủ tục một cách nhanh nhất.

 Đối với các công dân có nguyện vọng ở lại quê nhà, thì địa phương sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện vay vốn giải quyết việc làm. "Tất cả trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất để công dân sau khi hồi hương đều được hưởng các chính sách tốt nhất, để họ yên tâm ổn định cuộc sống”, 

Tại cuộc họp bàn về việc đón công dân từ các tỉnh thành phía Nam hồi hương ngày 4/10 vừa qua, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu, cán bộ làm việc tại các chốt kiểm soát dịch phải có thái độ ân cần, chu đáo. Các tổ chức đoàn thể chung tay hỗ trợ người dân thức ăn, nước uống, không để bà con đói khát kể cả những người đi ngang qua địa bàn tỉnh về các địa phương khác./.