Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhiều địa phương lên phương án đón người dân về quê tránh dịch

Như Ý - 21:40, 06/10/2021

Hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các tỉnh phía Nam đang cơ bản từng bước được kiểm soát và bắt đầu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều người dân có nguyện vọng được trở về địa phương. Trước tình hình đó, nhiều địa phương đã lên phương án đón người dân trở về quê hương đồng thời có các giải pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch an toàn hiệu quả.

Phương tiện đưa người dân về quê tránh dịch. Ảnh minh họa
Phương tiện đưa người dân về quê tránh dịch. Ảnh minh họa

Kiên Giang:

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang cho biết, tính đến sáng 6/10, tỉnh đón trên 30.000 người dân về quê. Theo dự báo con số này trong những ngày tới sẽ tiếp tục tăng, vì toàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 67.000 người dân đang lao động, làm việc, học tập tại TP. HCM và một số tỉnh khác.

Tại các chốt trên tuyến quốc lộ 80 (huyện Châu Thành - tiếp giáp TP. Cần Thơ) và quốc lộ 61 (huyện Gò Quao - tiếp giáp tỉnh Hậu Giang) lãnh đạo tỉnh Kiên Giang bố trí lực lượng chốt trực, nhằm phân luồng người dân theo từng địa phương, sau đó Cảnh sát giao thông dẫn đoàn về địa phương, bố trí vào khu cách ly, xét nghiệm, phân nhóm cách ly tại chỗ hoặc cách ly tại nhà.

Cần Thơ:

Từ ngày 1/10 đến nay, người dân từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An tiếp tục về quê Cần Thơ, với tổng số trên 3.000 lượt người đi qua các chốt kiểm soát. Lực lượng chức năng đã tiến hành test nhanh COVID -19, phân loại các đối tượng để đưa đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Đến nay, thành phố đã đưa trên 2.000 người đến các khu cách ly tập trung ở các quận, huyện và Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố.

Hiện nay, thành phố Cần Thơ duy trì các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào thành phố để tiếp nhận người dân vào thành phố. Sau đó, tiến hành xét nghiệm, phân loại để đưa người dân về các cơ sở cách ly để bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định; tiến hành thực hiện các chế độ chính sách, hậu cần theo quy định.

Cụ thể, đối với người phải điều trị, cách ly tập trung sẽ được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/ngày, thời gian theo thực tế cách ly điều trị. Hỗ trợ chi phí điều trị, chăm sóc y tế tại cơ sở điều trị, cơ sở cách ly y tế theo quy định pháp luật hiện hành.

Đối với người thực hiện cách ly y tế tại nhà, thành phố sẽ hỗ trợ gạo theo mức 15kg gạo/người với nguồn hỗ trợ lấy từ gạo dự trữ Nhà nước. Hỗ trợ khẩn cấp với mức 500.000 đồng/người về việc hỗ trợ khẩn cấp đối với người dân thiếu đói, thiếu lương thực, thực phẩm, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Các khoản hỗ trợ này giúp người dân Cần Thơ trở về từ các tỉnh, thành phố kịp thời có lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu.

Nhiều địa phương lên phương án đón người dân về quê tránh dịch 1

Đồng Tháp:

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến trưa ngày 6/10, toàn tỉnh đã đón khoảng 25.000 dân, mặc dù hôm qua tỉnh mới đón 20.000 người dân Đồng Tháp hồi hương.

Hiện tại, các cửa ngõ vào Đồng Tháp như tuyến quốc lộ N2 ở xã Đốc Binh Kiều - huyện Tháp Mười, quốc lộ 30 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh và quốc lộ 80, huyện Châu Thành, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp bố trí chốt trực 24/24, có lãnh đạo trực để chỉ đạo công tác phân luồng, phối hợp với các địa phương đưa xe lên đón dân về địa phương; tiến hành xét nghiệm, phân nhóm cách ly.

An Giang:

Từ đầu tháng 10 nhiều người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… di chuyển về An Giang với số lượng rất lớn, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương nỗ lực tiếp nhận, bố trí ăn uống, đảm bảo đưa đón về địa phương trật tự, an toàn.

Sau khi bố trí tạm người dân ở thành phố Long Xuyên, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã nhanh chóng tổ chức đoàn tiếp nhận công dân, đưa về các khu tiếp nhận ban đầu của địa phương để phân loại, sàng lọc, xét nghiệm, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.

Tính đến trưa 5/10, trong tổng số 35.127 người ngoài tỉnh về An Giang, các huyện, thị xã, thành phố đã cử lực lượng đưa 33.361 người về địa phương. Hiện còn 1.766 người đang chờ được lực lượng chức năng tiếp tục đưa về các địa phương tiếp nhận.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, sau khi sàng lọc, phân loại, các công dân An Giang trở về có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, nếu đáp ứng yêu cầu, tỉnh tạo điều kiện cho cách ly tại nhà. Các địa phương sẽ có chính sách hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để người dân yên tâm cách ly phòng dịch COVID-19.

Hiện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang đã thống nhất hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố 500 triệu đồng và mua 200 tấn gạo trích từ nguồn Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 và hạn hán để hỗ trợ công tác đón công dân về địa phương. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp tục kêu gọi tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh để có kinh phí hỗ trợ, chăm lo người dân trở về.

Thừa Hiên Huế: 

Từ nay đến 15/10, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đưa các công dân của địa phương đang sinh sống, làm việc, học tập tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê hương để tránh dịch COVID-19. Theo UBND tỉnh Thừa Hiên Huế, các công dân được tỉnh này đón về quê là phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và học sinh mắc kẹt tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Người dân thuộc các đối tượng trên có mong muốn trở về quê hương phải đăng ký với chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế qua hình thức trực tuyến, tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/hcmhue hoặc đăng ký qua Hội đồng hương tỉnh tại TP Hồ Chí Minh; qua Tổng đài hỗ trợ 19001075.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện địa phương đang tổ chức đón công dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về theo đường hàng không và đường sắt. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của người dân và bảo đảm yêu cầu về phòng chống dịch bệnh COVID-19, trước mắt UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất với Cục Hàng không Việt Nam cho khai thác đường bay nội địa đi/đến Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài với tần suất khai thác 01 chuyến khứ hồi/tuần đối với đường bay Huế - TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với việc tổ chức các chuyến bay và tàu hỏa để đón người dân trở về quê từ nay đến ngày 15/10/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ dân của tỉnh tại TP. Hồ Chí Minh.

Các CBCS Công an giúp đỡ, hỗ trợ, phát thức ăn, nước uống cho người lao động nghèo ở các tỉnh, thành phía Nam trở về quê.
Các CBCS Công an giúp đỡ, hỗ trợ, phát thức ăn, nước uống cho người lao động nghèo ở các tỉnh, thành phía Nam trở về quê.

Quảng Trị:

UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 khi người dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về. Trước mắt, tỉnh tập trung khảo sát, mở rộng thêm các khu cách ly tập trung để bảo đảm cách ly được số lượng lớn người dân Quảng Trị trở về. Để đảm bảo an toàn, hạn chế lây lan dịch bệnh do tập trung đông người, địa phương huy động thêm nhân lực để phân loại và đưa người dân đi cách ly tập trung, phân luồng giao thông đối với những phương tiện và người ở địa phương khác không để ùn ứ, ách tắc.

 Đối với những công dân Quảng Trị sẽ có phương tiện vận chuyển đến các khu cách ly tập trung, các phương tiện cá nhân được tập kết tạm thời tại Trạm Cảnh sát Giao thông Hải Lăng. Ngoài ra, địa phương thực hiện bố trí xe cứu thương hỗ trợ cấp cứu người bị ốm đau, tai nạn khi các đoàn xe đi qua địa bàn tỉnh…

Tỉnh Quảng Trị đang lên phương án khảo sát số lượng công dân ở các tỉnh, thành phố phía Nam có nhu cầu về quê để tổ chức đón. Ngoài ra, để đảm bảo cuộc sống những người từ các tỉnh, thành phố miền Nam trở về lâu dài, địa phương đang tiến rà soát, tổng hợp xem xét tình hình đời sống, nhu cầu việc làm, thu nhập của người lao động để thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân…

 Quảng Bình:

UBND tỉnh Quảng Bình cho biết tỉnh khởi động chương trình đón công dân của tỉnh đang sinh sống, làm việc, học tập tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có hoàn cảnh thực sự khó khăn, có nguyện vọng cấp bách được trở về địa phương.

UBND tỉnh Quảng Bình cũng cho biết, dự kiến sẽ có khoảng 2.800 người dân của tỉnh tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nhu cầu về quê hương lần này và sẽ được địa phương bố trí đón về quê bằng tàu hỏa.

Những trường hợp được tỉnh Quảng Bình ưu tiên đón về đợt này gồm: phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; người già và học sinh của tỉnh đang mắc kẹt tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Để việc vận chuyển người dân Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về địa phương được thuận lợi, an toàn, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị bộ Giao thông vận tải cho phép tổ chức các chuyến tàu chuyên biệt chạy riêng để vận chuyển công dân Quảng Bình từ TP. Hồ Chí Minh về Quảng Bình không thực hiện bán vé giãn cách chỗ trên tàu.

Theo kế hoạch, các công dân sẽ được đón tại 3 điểm là Ga Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), Ga Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và Ga Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Trong hai ngày 8 - 9/10 sẽ có 4 chuyến (lúc 8 giờ và lúc 10 giờ 40 phút) khởi hành tại Ga Sài Gòn. UBND tỉnh Quảng Bình sẽ chi trả toàn bộ chi phí vận chuyển theo quy định.

Toàn bộ công dân đón về quê đợt này đều được lấy mẫu xét nghiệm. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh dựa trên kết quả đánh giá dịch tễ và các vùng nguy cơ để phân loại và hướng dẫn các biện pháp cách ly y tế phù hợp.

Hà Giang lên phương án đón công dân trừ vùng dịch trở về.
Hà Giang lên phương án đón công dân trừ vùng dịch trở về.

Hà Giang:

UBND tỉnh Hà Giang cho biết, để giảm bớt khó khăn cho người lao động, công dân tỉnh Hà Giang hiện đang lưu trú, tạm trú tại các tỉnh phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...) có nguyện vọng trở về địa phương, UBND tỉnh Hà Giang sẽ tổ chức đón công dân của tỉnh, dự kiến chuyến đầu tiên vào ngày 08/10, sau đó cứ 5 ngày sẽ thực hiện đón lần tiếp theo khi đủ số lượng công dân để thực hiện vận chuyển.

Đối tượng tiếp nhận cụ thể gồm: công dân Hà Giang đủ điều kiện ra khỏi khu vực cách ly tập trung, khu vực cách ly xã hội, cách ly y tế (các trường hợp F0 đã được chữa khỏi bệnh, các trường hợp F1 đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung, đủ điều kiện trở về cách ly tại nhà; các trường hợp công nhân đang ở trong vùng cách ly, giãn cách xã hội, cách ly y tế đã xét nghiệm RT-PCR âm tính 3 lần) đã đăng ký với các huyện, thành phố của Hà Giang và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Giang hoặc đăng ký với Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố nơi lao động đang tạm trú, lưu trú.

Chi tiết thời gian đón, nhận công dân sẽ thông báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố nơi công dân lưu trú và tạm trú hoặc cho đại diện của nhóm công dân Hà Giang đang tạm trú, lưu trú tại các tỉnh phía Nam. Tùy theo tình hình thực tế và số công dân Hà Giang có nguyện vọng về địa phương, tỉnh sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để đón công dân bằng các hình thức và phương tiện phù hợp.

Theo Kế hoạch, việc tiếp nhận công dân từ các tỉnh phía Nam về Hà Giang được thực hiện thống nhất, phân công trách nhiệm cụ thể và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tại địa phương. Đảm bảo an toàn cho công dân trong quá trình di chuyển và tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc, quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Thanh Hóa:

Để tiếp tục duy trì thành quả phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, tăng cường rà soát, cập nhật người dân của địa phương mình đang lưu trú ở các tỉnh, thành phố đang có dịch COVID-19, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Từ đó, phối hợp với các gia đình tuyên truyền, vận động và có sự hỗ trợ cần thiết để người dân không tự ý di chuyển về quê trong thời điểm hiện nay.

Trường hợp thực sự cấp bách phải trở về địa phương, người dân phải đăng ký và được sự đồng ý của chính quyền cấp huyện nơi đi, nơi đến và do UBND tỉnh Thanh Hóa hoặc UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức đón để đảm bảo an toàn, chu đáo. Những người dân này phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ, trong quá trình di chuyển phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch của các tỉnh, thành phố khác và khai báo y tế ngay khi về đến địa phương.

Những trường hợp về Thanh Hóa từ vùng dịch và chưa tiêm hoặc tiêm một mũi vaccine phòng COVID-19 phải thực hiện cách ly y tế tập trung hoặc cách ly tại nhà, nơi cư trú (nếu đảm bảo các điều kiện cách ly theo quy định) trong vòng 14 ngày, tự theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo, làm xét nghiệm 3 lần và phải tự trả các chi phí.

Người trở về từ vùng có nguy cơ phải thực hiện cách ly y tế tại nhà hoặc nơi lưu trú 14 ngày, tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo, thực hiện xét nghiệm và chi trả phí xét nghiệm 3 lần trong thời gian cách ly y tế.

Những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày tiêm hoặc đã khỏi bệnh (có xác nhận của cơ quan y tế), khi về địa phương phải tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày, thực hiện xét nghiệm và chi trả phí xét nghiệm 2 lần trong thời gian theo dõi sức khỏe.

Riêng những người mắc bệnh hiểm nghèo, người già yếu, người có bệnh lý nặng, trẻ em dưới 10 tuổi, phụ nữ mang thai, khi trở về được cách ly tại nhà 14 ngày, xét nghiệm đủ 3 lần. Trong thời gian cách ly y tế phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định, chịu giám sát của chính quyền địa phương và hướng dẫn của cơ quan y tế.

Phú Thọ:

Để chuẩn bị tiếp nhận đoàn người từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trực thuộc địa bàn quản lý tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát người đến/trở về từ các vùng có dịch đang hoạt động, vùng giãn cách xã hội.

Sở Y tế cũng yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng phương án kích hoạt và đưa vào hoạt động cơ sở cách ly tập trung cấp huyện để tiếp nhận và cách ly tập trung ngay khi người dân trở về tỉnh. Đồng thời báo cáo nhanh số lượng giường cách ly y tế có khả năng đáp ứng và số lượng người dân có nguyện vọng cách ly tại nhà để báo cáo UBND tỉnh.

Nhiều địa phương lên phương án đón người dân về quê tránh dịch 4

 Yên Bái:

Ngày 3/10, UBND tỉnh Yên Bái cũng ban hành kế hoạch hỗ trợ đón người dân của tỉnh Yên Bái từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam có nguyện vọng trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Theo kế hoạch Yên Bái sẽ chia 2 - 3 đợt đón người dân từ các tỉnh phía Nam trở về. Trung tuần tháng 10/2021 sẽ đón đợt đầu tiên trên hai chuyến bay, số lượng 500 người theo các nhóm ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ mang thai..., sau đó đến người lao động và cuối cùng là sinh viên và những trường hợp khác.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, tỉnh Yên Bái yêu cầu các chốt kiểm soát chặt chẽ người dân và phương tiện khi vào địa bàn tỉnh Yên Bái. Khi người dân về địa phương từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam thì đưa ngay vào cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm tại cơ sở cách ly tập trung của tỉnh.

Đối với trường hợp đi từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam mà qua các chốt của tỉnh Yên Bái, bà Hạnh cho biết tỉnh sẽ yêu cầu người dân khai báo y tế, test nhanh COVID-19.

Khi có kết quả xét nghiệm test nhanh âm tính, yêu cầu người dân ký cam kết thực hiện di chuyển thẳng về chốt kiểm soát dịch của tỉnh đích đến, không dừng đỗ tại bất kỳ điểm nào trên địa bàn tỉnh, cung cấp các thông tin chính xác về lộ trình di chuyển, địa chỉ điểm đến tại địa phương, số điện thoại liên hệ, dự kiến thời gian di chuyển trên địa bàn tỉnh...

Sau đó, chốt trưởng các chốt kiểm dịch y tế có trách nhiệm thông báo cho chốt kiểm dịch y tế tại nơi giáp ranh với tỉnh có người dân về thực hiện kiểm soát và thông báo cho chốt kiểm dịch của tỉnh bạn sẵn sàng đón người dân của mình trở về địa phương.

Trước đó, nhiều tỉnh thành như Lâm Đồng, Đồng Nai, Sóc Trăng, Cà Mau, Nghệ An, Ninh Bình...đã tổ chức đưa, đón người dân về quê an toàn và đã có phương án sắp xếp ổn định cho người dân khi về đến quê hương./.