Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lào Cai: Nhìn lại thành quả 30 năm thực hiện công tác giảm nghèo

Trọng Bảo - 17:53, 27/09/2021

Nếu như trong những ngày đầu tái lập tỉnh (1/10/1991), tỷ lệ đói nghèo của Lào Cai là 54,8%, trong đó, số hộ đói chiếm tới 31%, thì sau 30 năm tái lập, số hộ nghèo giảm còn 8,2% (năm 2020), không còn hộ đói. Có thể nói, đây là thành quả ấn tượng thể hiện sự quan tâm, hướng đi đúng của tỉnh Lào Cai trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Đời sống Nhân dân được cải thiện, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy (Ảnh chụp trước khi dịch Covid -19)
Đời sống Nhân dân được cải thiện, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy (Ảnh chụp trước khi dịch Covid -19)

Nỗ lực giảm nghèo

Mới đây có dịp về huyện Mường Khương, là một trong 56 huyện nghèo của cả nước, với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trước năm 2015 chiếm tới hơn 65%. Tuy nhiên, với những đường lối, chủ trương của Đảng, Chính phủ; các kế hoạch, chiến lược phát triển có kế hoạch, lộ trình, giải pháp phù hợp thực tế của địa phương; trên hành trình phát triển và giảm nghèo, huyện tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa để giảm nghèo bền vững.

Với địa hình có 80% diện tích đất tự nhiên là đồi, núi, các đề án phát triển kinh tế, xã hội của huyện hướng mục tiêu vào khai thác thế mạnh tài nguyên đất đai, phát triển trồng rừng và nông nghiệp hàng hóa được ưu tiên, nhất là cây ăn quả. Qua đó, huyện đã từng bước hình thành vùng sản phẩm cây ăn quả với các cây đặc sản như dứa, quýt, chè, sa nhân, hồi...

Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư, tạo cơ chế thu hút phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân; khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình kinh tế gia đình theo định hướng và những mô hình phù hợp với khả năng sản xuất của gia đình...; Qua đó, từng bước giảm được tỷ lệ hộ nghèo với mức giảm bình quân đạt 10/% năm. Mường Khương được đánh giá là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giảm ấn tượng nhất tỉnh Lào Cai.

Diện mạo nông thôn vùng cao thay đổi từng ngày (Trung tâm xã Tả Thàng, huyện Mường Khương)
Diện mạo nông thôn vùng cao thay đổi từng ngày (Trung tâm xã Tả Thàng, huyện Mường Khương)

Minh chứng, tại xã Tả Ngải Chồ, là một trong một trong 5 xã khó khăn nhất của huyện, và nằm trong tốp 10 xã nghèo nhất tỉnh Lào Cai; Toàn xã hiện có 592 hộ, với 3100 khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 70%.

Với quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo, xóa hộ đói, tranh thủ các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng với sự đồng thuận của người dân, công tác xóa đói giảm nghèo của xã đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu xã tập trung đưa các giống cây, con có giá trị vào nuôi trồng theo hướng hàng hóa như cây quýt, sa nhân, lợn đen bản địa; cùng với diện tích trồng ngô, lúa, xã Tả Ngải Chồ còn phát triển được 80ha quýt, gần 90ha cây sa nhân, gần 3 nghìn con lợn…

“Với những mô hình kinh tế có định hướng, phù hợp với đặc thù địa phương, đã mang lại kết quả tích cực, góp phần cải thiện thu nhập cho bà con nông dân. Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 27,8%, bình quân mỗi năm giảm gần 10% hộ nghèo”, Chủ tịch UBND xã Sùng Seo Sà cho biết.

Câu chuyện xóa đói, giảm nghèo của huyện vùng cao biên giới Mường Khương, là minh chứng cho nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai sau 30 năm tái lập.

Nhớ lại 30 năm trước, ngày 1/10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Những ngày đầu tái lập, với vô vàn khó khăn, bộn bề, mà trong đó khó khăn hiện hữu nhất là, tỷ lệ hộ đói nghèo của tỉnh còn cao (chiếm gần 55%). 

Do vậy, ngay trong kỳ Đại hội đầu tiên, Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết tập trung cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Mục tiêu này tiếp tục được thể hiện qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, và được cụ thể bằng hàng loạt các giải pháp, chính sách lồng ghép các chương trình đầu tư để phát triển, kết cấu hạ tầng, hỗ trợ cây con giống, hỗ trợ các gia đình nghèo làm nhà ở, triển khai nhiều chương trình ưu đãi về tín dụng cho người dân vay vốn phát triển sản xuất... 

Trồng sả giúp nông dân huyện Bảo Yên nâng cao thu nhập
Trồng sả giúp nông dân huyện Bảo Yên nâng cao thu nhập

Từ những Nghị quyết "xóa nghèo" đặc biệt...

Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết:  Sau 30 năm tái lập, với việc triển khai các Nghị quyết, chương trình, dự án của Đảng, Chính phủ như Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới…; tỉnh Lào Cai căn cứ vào điều kiện thực tế từng giai đoạn, nhiệm kỳ để ban hành các nghị quyết, chương trình  và các giải pháp thực hiện. 

Ví dụ như, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Tỉnh uỷ Lào Cai đã phê duyệt Đề án “Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015” với mục tiêu đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 25%; Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 11/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020; Nghị quyết số 37/2014/NQ-HĐND ngày 17/12/2014 của HĐND tỉnh về hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho các dự án đầu tư phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp đối với các huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, Tỉnh uỷ Lào Cai ban hành Đề án số 09-ĐA/TU về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu: Cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; Nghị quyết số 22-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020, với nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó có cơ chế hỗ trợ 2 tỷ đồng xã/năm để tập trung chăn nuôi đại gia súc, làm thay đổi tỷ trọng cơ cấu sản xuất từ trồng trọt sang chăn nuôi là chủ yếu để nâng thu nhập cho người dân; từ huyện nghèo nhất tỉnh với tỷ lệ nghèo 57,01%, đến nay giảm còn 13,09%.

Đặc biệt, Nghị quyết số 20/NQ-TU ngày 24/5/2019 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến 2025 và có xét đến năm 2030 (tập trung cho 43 xã nghèo nhất; hiện nay sau khi sáp nhập còn 37 xã). 

Để cụ thể hóa Nghị quyết này, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND về sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế-xã hội, tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019-2025 , bình quân 1 tỷ đồng/xã/năm, với lãi suất ưu đãi.  Đây thực sự là Nghị quyết xóa nghèo đặc biệt, thể hiện sự quyết tâm và sáng tạo của Lào Cai trong thực hiện xóa vùng “lõi nghèo” ở địa phương.

Diện mạo Nông thôn mới ở Bản Pàu, xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn
Diện mạo Nông thôn mới ở Bản Pàu, xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn

Xóa vùng “lõi nghèo” ở địa phương

Thực tế sau 30 năm tái lập tỉnh cho thấy, với nhiều giải pháp trọng tâm được triển khai một cách đồng bộ, từ một tỉnh khó khăn, đến nay Lào Cai đã trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Bắc và đang hướng tới tỉnh phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt hơn 9 nghìn tỷ đồng (gấp 252 lần so với năm 1991); Thu nhập bình quân đầu người đạt 76,3 triệu đồng (xếp thứ 2 trong các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc và gấp 105 lần so với năm 1991);

Đặc biệt, Lào Cai đã giải quyết dứt điểm tình trạng hộ đói; đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 8,2% tương ứng 14.322 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (Mục tiêu giảm nghèo từ 3% - 4%/năm); hộ cận nghèo còn 16.370 hộ, chiếm 9,37%. Tỷ lệ giảm nghèo các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai) bình quân giảm 8,6%/năm (vượt mục tiêu Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ là giảm 4%/năm).

Sau 30 năm tái lập, dù còn nhiều khó khăn, nhưng những kết quả mà tỉnh Lào Cai đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung, công tác xóa đói, giảm nghèo nói riêng là minh chứng cho bước đi đúng, thể hiện bản lĩnh vượt khó, kinh nghiệm, sáng tạo và đột phá của cả hệ thống chính trị. Đây là tiền đề quan trọng, để Lào Cai tự tin phấn đấu trở thành tỉnh phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.