Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lào Cai: Nhiều chợ xây xong rồi bỏ hoang, trách nhiệm thuộc về ai?

Trọng Bảo - 22:10, 25/10/2023

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang còn rất nhiều khu chợ từ cấp xã đến chợ trung tâm thành phố được xây dựng, nhưng không hoạt động hoặc hoạt động những không hiệu quả. Thực tế này đã và đang gây lãng phí một nguồn lực đầu tư không nhỏ của Nhà nước.

Chợ Kim Tân, thành phố Lào Cai được đầu tư xây dựng mới nhưng hiện nay rất nhiều gian hàng bỏ trống
Chợ Kim Tân, TP. Lào Cai được đầu tư xây dựng mới, nhưng hiện nay rất nhiều gian hàng bỏ trống

Nằm tại vị trí trung tâm xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, năm 2022, chợ Bắc Ngầm được đầu tư hơn 1 tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng thêm một số hạng mục với quy mô 1 nghìn mét vuông. Thế nhưng sau khi hoàn thiện, chỉ có vài tiểu thương đăng ký bán hàng trong chợ, còn lại hầu hết để không.

“Do quá nhiều đại lý hàng hoá, các hộ dân kinh doanh ở khu vực ven chợ nên phía trong chợ vắng là đương nhiên. Hiện tại có 5 hộ dân đăng ký bán hàng trong chợ này, tuy nhiên hàng hóa cũng khó bán, vì người dân cũng chẳng mấy khi vào chợ mua bán. Còn rất nhiều gian hàng để trống, hàng ngày chủ yếu là bà con vào đây thể dục thể thao vào buổi chiều“, bà Trần thị Thơ, hộ kinh doanh trong chợ phàn nàn.

Tiểu thương không vào chợ họp, chính quyền địa phương cũng không thu được tiền cho ngân sách. Công tác tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh đăng ký vào chợ bán hàng được địa phương tăng cường, nhằm dẹp bỏ các chợ xép, điểm bán hàng tự phát nhưng hiệu quả đem lại chưa cao.

“Chợ rất rộng nhưng dân họp rất ít. Chúng tôi đã tuyên truyền vận động không cho mở các chợ xép để tập trung người dân vào chợ bán hàng để quản lý, tăng nguồn thu cho xã. Tuy nhiên, hiện tại thì cũng chỉ mới tuyên truyền thôi chứ cũng khó cấm họ được”, ông Nguyễn Viết Khoản, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cho biết thêm.

Không có người họp, nhiều chợ đã và đang xuống cấp
Không có người họp, nhiều chợ đã và đang xuống cấp

Chợ Phố Ràng ở huyện Bảo Yên được xây theo hình thức BOT đi vào hoạt động từ năm 2015, với quy mô gần 7 nghìn mét vuông. Trong đó, nhà chợ chính 2 tầng với hơn 1 nghìn mét vuông, nhiều dãy ki-ốt khép kín 1 với 1.400 mét vuông… với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng.

 Dù được giao trực tiếp quản lý chợ, nhưng do không thu được các khoản phí và lệ phí nên UBND thị trấn Phố Ràng không có kinh phí để duy trì hoạt động. Một số hạng mục trong chợ đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất vệ sinh môi trường là thực trạng đang diễn ra ở công trình này.

“Thiết kế chợ không phù hợp, đường đi, lối lại của chợ không được thuận lợi nên người dân không vào kinh doanh. Mặc dù nhiều gian hàng, ki ốt trong chợ đã giao cho các chủ quản lý, nhưng không bán được hàng nên họ chuyển đổi ngành nghề, một số thuê mặt bằng nơi khác kinh doanh”, ông Nguyễn Trịnh Thái Ninh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên thông tin.

Xuất phát từ thực tế, đáp ứng hoạt động giao thương, buôn bán hàng hóa ngày càng sôi động, nhộn nhịp thì việc nâng cấp, xây mới các chợ sẽ tạo thuận lợi cho người dân và tiểu thương kinh doanh. Tuy nhiên, việc xây dựng quá nhiều chợ và thiếu quy hoạch chi tiết cũng như vận hành dẫn đến nhiều chợ hoạt động kém hiệu quả. 

Trên địa bàn thành phố Lào Cai hiện có đến 13 chợ, nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa còn nhỏ lẻ và phân tán, nhưng hầu như phường nào ở thành phố cũng có chợ. Các chợ này đều được đầu tư, xây dựng với quy mô lớn từ vài tỷ đến vài chục tỷ, thậm chí có những chợ mới xây lên đến hàng trăm tỷ.

“Trên địa bàn phường Kim Tân thì có chợ Nguyễn Du, chợ Kim Tân. Trong khi mật độ dân số cũng không phải quá đông nên việc thu hút tiểu thương vào hoạt động tại các chợ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, phương án sắp xếp ngành hàng, phương án giá còn nhiều bất hợp lý, Ban quản lý chợ khó khăn trong vấn đề khai thác mặt bằng đã được đầu tư xây dựng”, bà Phạm Thị Nga, Phó Ban quản lý chợ Kim Tân cho biết.

Chợ xây xong rồi...đóng cửa
Chợ xây xong rồi...đóng cửa

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 71 chợ; trong đó, có 66 chợ được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, 5 chợ được đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên, rất nhiều chợ hiện nay hoạt động không hiệu quả, chưa khai thác hết công năng do được xây dựng với quy mô lớn vượt quá nhu cầu thực tế. Điều này đã và đang gây lãng phí nguồn đầu tư cho ngân sách của Nhà nước cũng như của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyên Huy Tưởng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai, cơ chế, chính sách về quy hoạch, phát triển chợ qua 20 năm ban hành, đã bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đặc biệt là liên quan đến mô hình quản lý chợ, quản lý tài sản đầu tư công. Bên cạnh đó, một số ngành nghề truyền thống như giày, dẹp, đồ gia dụng thì chịu sự cạnh tranh mạnh của siêu thị, trung tâm thương mại... 

"Tỉnh Lào Cai cũng đã nhiều lần kiến nghị với Bộ Công thương điều chỉnh, sửa đổi quy định về quản lý phát triển chợ. Công tác khảo sát, quy hoạch, xây dựng chợ cũng cần phải bài bản hơn, đánh giá thực tiễn về nhu cầu để thiết kế quy mô chợ cho phù hợp...Đây là nội dung cốt lõi để đầu tư, phát triển chợ trong thời gian tới ”, ông Nguyên Huy Tưởng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai nhấn mạnh.

Phát triển hệ thống chợ nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, giao thương buôn bán; qua đó, tạo sự liên kết hàng hóa giữa các khu vực. Đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, việc thiếu tính toán từ quy hoạch đến vận hành, khai thác và quản lý các chợ, không chỉ gây lãng phí nguồn lực đầu tư mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của các tiểu thương và Nhân dân.