Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Làng nghề truyền thống trong đại dịch

Văn Hoa - 16:30, 30/09/2021

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nghề, làng nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số (DTTS) gặp không ít khó khăn; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đang đối diện với nguy cơ phá sản vì không đủ tiền trang trải và duy trì hoạt động.

Dịch bệnh khiến các nghề truyền thống vùng DTTS lao đao. (Trong ảnh: Dệt thổ cẩm tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại Mèo Vạc)
Dịch bệnh khiến các nghề truyền thống vùng DTTS lao đao. (Trong ảnh: Dệt thổ cẩm tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại Mèo Vạc)

Dừng hoạt động vì không có đầu ra

Bản Lác, huyện Mai Châu (Hòa Bình), là nơi gắn liền với khu du lịch cộng đồng nổi tiếng của người dân tộc Thái. Nhiều năm trở lại đây, nhờ có hoạt động du lịch, nên nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái được khôi phục, phát huy và trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đặc biệt với du khách xa gần, tăng thêm thu nhập cho bà con.

Cơ sở Bảo trợ xã hội Thuận Hòa,là một trong nhiều cơ sở dệt thổ cẩm thành công tại Bản Lác. Cơ sở tạo việc làm ổn định cho trên 40 lao động là phụ nữ, thanh niên DTTS và người khuyết tật trên địa bàn huyện Mai Châu.

Nhưng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt năm 2021, khi tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, hoạt động du lịch bị đóng băng, cơ sở cũng phải dừng hoạt động.

Bà Vì Thị Thuận, dân tộc Thái, chủ cơ sở cho biết, do hàng làm ra chủ yếu bán cho khách du lịch và khách nước ngoài, nên khi có dịch bệnh, bà đã cố gắng duy trì cơ sở, một phần cũng mong muốn tạo việc làm cho những lao động là người DTTS và người khuyết tật tại địa phương. Mặc dù tháng 7/2020, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có hỗ trợ cơ sở 10 triệu đồng để duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh, nhưng hàng làm ra không bán được nên bà phải "đóng cửa"  tạm dừng hoạt động...

Hiện nay, những lao động trong cơ sở của bà đang thất nghiệp, có người năng động hơn thì đi làm thêm ở các khu công nghiệp. Ngay bản thân bà cũng phải nuôi thêm tằm để có tiền sinh hoạt. Bà Thuận đang chờ đợi ngày tháng dịch bệnh qua đi, cơ sở lại có thể đón lao động trở về làm việc.

Theo khảo sát, hầu hết các cơ sở thêu, dệt thổ cẩm ở vùng DTTS, tại các địa điểm du lịch đều rơi vào hoàn cảnh tương tự. Một số cơ sở cũng chủ động tìm giải pháp thích ứng, nắm bắt thị trường phục vụ người dân địa phương, song cũng không mấy khả quan.

Điều trăn trở khác, đó là thời gian qua, việc khôi phục các nghề truyền thống như: Đan lát, may, dệt thổ cẩm, nghề làm gốm... được nhiều địa phương triển khai, bước đầu thu được những tín hiệu tích cực cho phát triển du lịch. Thì nay, dịch bệnh bùng phát, mọi kế hoạch đã bị ngưng trệ, nhiều hộ dân không còn kiên trì giữ nghề nên chuyển sang làm nghề khác.

HTX miến đao Giới Phiên (TP. Yên Bái) chỉ hoạt động cầm chừng, sản lượng, giảm tới 50 - 60%
HTX miến đao Giới Phiên (TP. Yên Bái) chỉ hoạt động cầm chừng, sản lượng, giảm tới 50 - 60%

Cầm chừng để giữ thợ

Trong bức tranh "buồn" về các nghề, làng nghề giữa đại dịch, thì cũng có một số nghề như chế biến lương thực, thực phẩm, nghề thuốc đông y... truyền thống tại các vùng DTTS và miền núi, dù là hoạt động cầm chừng, những vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh.

Hợp tác xã (HTX) miến đao Giới Phiên của xã Giới Phiên (TP. Yên Bái), nổi tiếng với sản phẩm miến đao. Những năm trước, trung bình đến tháng 9, là  HTX đã bán ra khoảng 60 - 70 tấn miến. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản lượng bán ra chỉ trên 30 tấn, giảm tới 50 - 60%.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX miến đao Giới Phiên cho biết, để duy trì sản xuất, ông đã dùng nguồn vốn gia đình và vay thêm ngân hàng để bảo đảm việc sản xuất kinh doanh. Với việc thị trường đóng băng như thế này, ông chưa thể tìm ra phương án nào tốt nhất.

Theo ông, lượng mua giảm, thị trường tiêu thụ giảm; muốn mở rộng thị trường tới các địa phương khác cũng khó, bởi việc di chuyển, tiếp thị khó khăn. Ông Toàn cũng cho biết, cũng có mấy lần chính quyền đặt vấn đề hỗ trợ, tuy nhiên đến nay, HTX vẫn chưa nhận được nguồn hỗ trợ.

Tương tự, dù nỗ lực tìm giải pháp, việc sản xuất kinh doanh của các làng nghề gỗ cũng không mấy khả quan. Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends thông tin, Việt Nam hiện có khoảng trên 300 làng nghề gỗ, với hàng nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động đang tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh. Các biện pháp giãn cách nhằm kiểm soát dịch Covid-19 trong thời gian gần đây, đã có tác động rất lớn tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ làng nghề gỗ.

“Theo khảo sát, năng lực sản xuất của các hộ đã giảm 62%, 38% còn lại là phần mới được phục hồi sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách, trong một vài tuần trở lại đây. Khoảng 46% số hộ tại các làng đã quay trở lại sản xuất, tuy nhiên các hoạt động này chỉ mang tính chất “cầm chừng” với mục đích “làm để giữ thợ” và “lấy công làm lãi” mà không có lợi nhuận”, ông Phúc chia sẻ.

Có thể thấy rằng, các nghề truyền thống tại vùng DTTS và miền núi vốn đã khó khăn trong việc tìm đầu ra của sản phẩm, nay càng khó khăn hơn bởi đại dịch Covid-19. Việc khôi phục sản xuất kinh doanh các nghề, phụ thuộc vào thành quả chống dịch bệnh, do đó, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức và chung tay cùng chính quyền địa phương, Đảng, Chính phủ trong việc kiểm soát dịch Covid-19.