Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Làng nghề bánh chưng trên cao nguyên đá

PV - 21:19, 29/01/2018

Thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường (TP.Hà Giang) có nghề làm bánh chưng gù (còn gọi là bánh chưng đen). Ai đã đặt chân đến Hà Giang và được thưởng thức món bánh chưng gù hẳn sẽ không thể quên hương vị của nó.

Chúng tôi đến Bản Tùy vào lúc cao điểm nhất làm bánh chưng phục vụ Tết Nguyên đán. Vào khoảng thời gian này, xe tải chở nguyên liệu, bánh chưng vào ra nhộn nhịp. Người già, người trẻ cùng nhau làm bánh. Tết ở Bản Tùy luôn đến sớm hơn mọi nơi trước cả tháng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Dung là một trong những nhà làm bánh có quy mô lớn nhất ở Bản Tùy. Trong cơ sở làm bánh của bà Dung, hơn 20 người đang hối hả làm việc, người thì rửa lá, tách lá, người thì vớt bánh, người gói bánh, luộc bánh… Bà Dung cũng là người có công rất lớn trong việc đưa bánh chưng gù đến với mọi người.

Vào dịp Tết, mỗi ngày cơ sở bánh chưng của bà Dung đưa ra thị trường từ 4-5 nghìn chiếc. Vào dịp Tết, mỗi ngày cơ sở bánh chưng của bà Dung đưa ra thị trường từ 4-5 nghìn chiếc.

 

Bà Dung làm nghề gói bánh chưng đã hơn 20 năm. Ban đầu, do cuộc sống khó khăn vất vả, nên vào những lúc nông nhàn bà lại tranh thủ gói bánh chưng gù để đi bán, mong kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống.

Dần dần, món bánh chưng dẻo, thơm ngon, đậm đà hương vị truyền thống đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Số lượng người mua bánh, đặt bánh của nhà bà Dung ngày càng nhiều. Nhận thấy số lượng bánh tiêu thụ ngày càng tăng, gia đình bà Dung đã quyết định mở rộng quy mô, thuê thêm nhân công, mua sắm thêm các vật dụng, xây dựng thêm bếp đun.

Theo bà Dung, mỗi chiếc bánh ra lò, là cả một quá trình chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, cẩn thận, phải toàn tâm toàn ý mới có thể làm ra một chiếc bánh ngon. “Màu xanh của bánh được lấy từ nước cốt lá riềng, màu đen từ tro cây sương muối, đều là các công thức truyền thống; thịt lợn làm nhân được bà trực tiếp mua lợn và tự mổ; gạo nếp là gạo Khum được đặt mua ở Bắc Mê, cùng với đó là các nguyên liệu khác như hạt tiêu, đỗ, lá dong”. Do vậy, bánh chưng Bản Tùy luôn mang một hương vị riêng.

Được biết, từ ngày Rằm tháng Chạp trở đi là khoảng thời gian cao điểm làm hàng Tết, trung bình mỗi ngày cơ sở của bà Dung cung cấp khoảng 4 đến 5 nghìn chiếc bánh ra thị trường. Những ngày bình thường cơ sở của bà Dung cũng tiêu thụ khoảng 2 nghìn chiếc bánh, đem lại thu nhập khoảng 30 đến 50 triệu đồng/tháng. Không những thế, bà Dung còn giúp một số chị em trong thôn có công ăn việc làm, với mức thu nhập từ 3 đến 7 triệu đồng/người.

Ông Lê Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Ngọc Đường cho biết: Ban đầu bánh chưng gù chỉ được sản xuất chủ yếu phục vụ lễ, tết của bà con người Tày là chủ yếu. Qua mô hình của bà Dung, đến nay hơn 90% các hộ dân trong thôn đều làm bánh chưng, mỗi ngày các cơ sở sản xuất hàng nghìn chiếc bánh đưa đi các thị trường như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, thậm chí sang cả Quảng Đông (Trung Quốc) và Úc. Để đảm bảo chất lượng và duy trì thương hiệu bánh chưng gù ở Bản Tùy, xã Ngọc Đường đã đề nghị UBND tỉnh xét công nhận thôn Bản Tùy trở thành làng nghề truyền thống.

“Bên cạnh đó, xã sẽ đăng ký bản quyền, dán nhãn mác thương hiệu bánh chưng Bản Tùy và mở các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ dân làm bánh” Chủ tịch xã Ngọc Đường nói.

HOÀNG QUÝ