Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Làn gió mới cho sân khấu cải lương

PV - 10:05, 05/08/2019

Thực trạng “hiu quạnh” của sân khấu nghệ thuật cải lương hiện tại đặt ra nhiều vấn đề. Một trong những lý do khiến khán giả không mặn mà với loại hình này, đặc biệt là khán giả trẻ là bởi vì tiết tấu chậm, dàn trải, khó tiếp nhận trong nhịp sống năng động của thời đại. Bởi vậy, việc đổi mới nghệ thuật cải lương bằng cách lồng ghép nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau đang hứa hẹn kéo khán giả về với sân khấu truyền thống.

“Chuyện tình Khau Vai” tái hiện một góc chợ tình Khau Vai nổi tiếng ở Hà Giang với cảnh trí lãng mạn. “Chuyện tình Khau Vai” tái hiện một góc chợ tình Khau Vai nổi tiếng ở Hà Giang với cảnh trí lãng mạn.

Thực trạng “hiu quạnh” của sân khấu nghệ thuật cải lương hiện tại đặt ra nhiều vấn đề. Một trong những lý do khiến khán giả không mặn mà với loại hình này, đặc biệt là khán giả trẻ là bởi vì tiết tấu chậm, dàn trải, khó tiếp nhận trong nhịp sống năng động của thời đại. Bởi vậy, việc đổi mới nghệ thuật cải lương bằng cách lồng ghép nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau đang hứa hẹn kéo khán giả về với sân khấu truyền thống.

“Chuyện tình Khau Vai” (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể và đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên), do Sân khấu mới Đại Việt sản xuất và công diễn từ ngày 7- 9/6 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh là một điển hình cho thành công của sự thể nghiệm trong cải lương. Vở diễn dù đã ra mắt khán giả từ năm 2013 nhưng sự làm mới lần này với mục đích thu hút công chúng từ sự thể nghiệm đã mang đến thành công nhiều mặt cho “Chuyện tình Khau Vai”.

Đối với vở diễn này, công chúng có thể thấy ngay sự thể nghiệm từ đề tài, một câu chuyện diễn ra giữa không gian văn hoá núi rừng Tây Bắc. Chuyện kể về tình yêu của Chàng Ba và Nàng Út, do khoảng cách giàu nghèo và định kiến giữa 2 tộc người Giáy, Nùng nên không thể đến với nhau. Khi hai tộc người xảy ra xung đột, cặp đôi trở về để báo hiếu, cùng hẹn ước năm sau sẽ gặp lại ở đây. Những biến cố xảy ra khiến nàng Út quyên sinh. Thương nhớ nàng, hằng năm vào đúng ngày hẹn, chàng Ba lại lên đỉnh Khau Vai nhớ về lời thề ước năm xưa.

Đây là một câu chuyện đẹp về văn hóa của vùng Tây Bắc nhưng đáng nói là 90% diễn viên của vở là người miền Nam như: NSƯT Quế Trân, nghệ sĩ Lê Tứ, Võ Minh Lâm… Chỉ duy nhất nhân vật chàng Ba được đảm nhận bởi nghệ sĩ miền Bắc Quang Khải. Sự kết hợp chất giọng 2 miền có thể coi là một điều mới mẻ ít thấy trên sân khấu cải lương.

Có thể nói, vở diễn này dày đặc “thể nghiệm” khi mang đến cho khán giả trải nghiệm sinh động như những thước phim do ê kip sản xuất đã đặc tả phiên chợ tình độc đáo với sự sáng tạo trong cách chuyển không gian, thời gian, xử lý ánh sáng. Đặc biệt, “Chuyện tình Khau Vai” đã tự làm mới âm nhạc khi có sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cải lương với những giai điệu dân gian miền núi Tây Bắc đã tái hiện không gian văn hóa đặc trưng của các dân tộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.

Được biết, trước khi tái diễn lại vở diễn theo hướng thể nghiệm, đoàn diễn viên của “Chuyện tình Khau Vai” đã có chuyến đi thực tế taị Hà Giang để trải nghiệm văn hoá, phong tục của người dân tộc Nùng, Giáy trong tác phẩm. Việc đưa những trang phục truyền thống của dân tộc Giáy, Nùng ở Hà Giang cùng với ngôn ngữ, văn hoá đậm đặc vùng, miền đã khiến vở diễn cuốn hút hàng trăm khán giả, trong đó có không ít khán giả trẻ.

Sự mạnh dạn đổi mới này đã đem đến những tín hiệu tích cực từ phía công chúng.

Chị Nguyễn Ngọc Hương (quận 9, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình theo dõi một vở cải lương trọn vẹn và hấp dẫn như vậy. Mong rằng có nhiều sự thể nghiệm như vậy trong sân khấu cải lương”.

Không chỉ có “Chuyện tình Khau Vai”, nhiều vở cải lương bắt đầu thể nghiệm, nhận biết thị hiếu của khán giả để thay đổi, kéo họ về với sân khấu truyền thống. Mới đây, đạo diễn Nguyên Đạt có vở “Tổ quốc nơi cuối con đường” với sự phối hợp âm nhạc ngũ cung với pop, rock, world music, cũng gây ấn tượng rất mạnh mẽ. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng với sự lao động, sáng tạo nghiêm túc và có lộ trình, sân khấu cải lương truyền thống sẽ không còn nỗi lo “thất sủng” giữa thời đại giải trí công nghiệp như ngày nay.

HỒNG PHÚC