Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng

Ngọc Anh - 18:15, 16/09/2022

Sau 11 năm chấp hành án tù vì tội buôn bán trái phép chất ma túy, ông Vừ Giống Của, dân tộc Mông ở vùng cao Sơn La đã viết lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng.

Ông Vừ Giống Của bên vườn cây ăn quả
Ông Vừ Giống Của bên vườn cây ăn quả

Những ngày đầu thu, thời tiết ở vùng cao Sơn La đã bắt đầu se se lạnh, chúng tôi về bản người Mông ở Nong Mòn, xã Cò Nòi, nơi một thời lừng danh là điểm nóng ma túy của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Theo lời giới thiệu của anh Trưởng bản Vàng A Nụ, chúng tôi đã tìm đến gia đình ông Vừ Giống Của (SN 1967). Trong ngôi nhà to nhất nhì bản được bao quanh bởi những vườn cây ăn quả xum xuê đang vào mùa thu quả, ông Của đang mải mê thu hái quả, vừa chăn đàn gà…

Sa vào con đường tội lỗi

Nhìn không khí đầm ấm, không ai có thể nghĩ rằng gia đình anh Của đã từng phải li tán một thời gian dài vì vướng vào vòng lao lý. Ngồi xuống bên hiên nhà, người đàn ông đã ở độ tuổi ngũ tuần chậm rãi kể lại câu chuyện đời mình: "Gia đình tôi di cư từ xã vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu (Sơn La) xuống đây lập nghiệp từ những năm 1992. Khi mới chuyển xuống, đất đai nhiều lắm nhưng không biết cách canh tác nên đói kém triền miên".

Cuộc sống cứ thế trôi đi trong sự khó khăn và thiếu thốn, đến đầu năm 1999, nhận thấy lợi nhuận từ việc buôn bán ma túy, người thanh niên trẻ lúc bấy giờ bắt đầu tìm đến các xã biên giới lấy ma túy về nhà bán. Chỉ cần mang hàng về đến nhà là “con nghiện” tự đến lấy, hàng bán chạy lắm, càng làm càng thấy có lãi nên ham, thế là ông Của bắt đầu sa chân vào con đường buôn ma túy.

Đầu năm 2000, việc làm trái pháp luật của ông Của đã bị các lực lượng chức năng của Sơn La phát hiện và bắt giữ. Lúc bị bắt quả tang, trên người ông Của có 400g thuốc phiện và 100g Heroin. Ông Của bị tòa tuyên án phạt 15 năm tù giam.

Ôm đứa cháu bé bỏng, con của người con trai út vào lòng, với ánh mắt đượm buồn: "Lúc tôi vào tù, thằng con trai út mới 3 tuổi, bằng con nó bây giờ, còn thằng lớn cũng vừa tròn 8 tuổi. Khi mẹ nó đưa các con vào thăm tôi ở trại giam Yên Hạ (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La), các con chẳng biết bố là người nào vì mặc quần áo tù nhân giống nhau".

Lúc đó, thứ duy nhất để các con nhận ra bố là chiếc băng đội trưởng bố đeo ở cánh tay trái. Nhờ cải tạo tốt, 11 năm sau kể từ khi chấp hành án, ông Của đã được ân xá và trở về đoàn tụ với gia đình, hòa nhập với cộng đồng.

Từ hai bàn tay trắng nay ông Của đã trở thành lão nông làm kinh tế giỏi
Từ hai bàn tay trắng nay ông Của đã trở thành hộ làm kinh tế giỏi, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm


Kể về những năm, tháng vất vả khi phải đợi chờ người chồng chấp hành án, bà Phá Thị Chu (vợ ông Của) không kìm ném được những giọt nước mắt. Nhìn những nét nhăn trên khuôn mặt, đôi bàn tay chai sạn chúng tôi mới thấu được sự vất vả, chịu thương, chịu khó mà người phụ nữ Mông đã phải trải qua hơn chục năm chờ chồng, lao động vất vả để nuôi con khôn lớn.

Dùng đôi bàn tay thô ráp, nứt nẻ lau những giọt nước mắt lăn dài trên gò má, bà Phá Thị Chu, bảo: Trong thời gian chồng đang chấp hành án tù tại trại giam Yên Hạ, gánh nặng nuôi 4 đứa con được đặt lên đôi vai  tôi. Cuộc sống khốn cùng, cực nhọc lắm.

Theo bà Chu, hằng ngày, bà phải dậy từ sáng sớm tinh mơ băng rừng, leo núi hái măng rừng, hoa chuối, tìm phong lan bán lấy tiền mua gạo về độn cùng sắn, ngô, khoai nuôi con.

Thời gian thấm thoát trôi đi, ngày ông Của bước chân rời trại giam Yên Hạ cũng đã đến. Ngày về đoàn tụ với gia đình, ông Của không cầm được nước mắt trước căn nhà cũ kỹ, rách nát - nơi mà vợ con ông đang sống nương tựa vào nhau trong thời gian 11 năm ông ở tù.

Làm lại từ đầu

Khoảng thời gian 11 năm trong tù đã giúp ông Của có những trải nghiệm khó quên cũng như đau đáu trong lòng về những gì mình đã gây ra, mong sớm trở về với gia đình để làm lại cuộc đời bằng sức lao động của chính mình. Với quyết tâm đó, từ hai bàn tay trắng viết lại cuộc đời, ông Vừ Giống Của, tâm sự: "Nói thật khi mới về tôi cũng hoang mang lắm, không biết bắt đầu từ đâu, bước ra ngoài là ánh mắt dò xét, dị nghị của bà con dân bản, về nhà thì vợ con thiếu thốn đủ điều".

Vợ chồng ông Vừ Giống Của bên ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, kiên cố
Vợ chồng ông Vừ Giống Của bên ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố

Nhưng càng trong gian khó càng sáng lên tình nghĩa vợ chồng, thương người vợ tần tảo sớm hôm, vò võ chờ chồng, chăm con hơn 11 năm ròng rã, khiến người đàn ông này càng khát khao cháy bỏng việc làm giàu chân chính để bù đắp lại cho người vợ hiền một cuộc sống tử tế. Năm 2012, ông Của mạnh dạn vay hơn 30 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Sơn để phát triển kinh tế gia đình. Với số tiền vay được, ông mua 1 con bò sinh sản và 2 con lợn về nuôi.

"Cũng may, trời thương, bò cứ đẻ mỗi năm một con, nuôi lợn, gà rồi trồng mía đường, trồng ngô cũng đều được giá, khó khăn thì cũng có nhưng vợ chồng cứ động viên nhau cố gắng". Ông Của vừa nói, vừa đưa ánh mắt trìu mến nhìn người vợ đã cùng mình trải qua nhiều vất vả.

Thời gian cứ thế trôi qua, nhờ sự chăm chỉ, chịu khó, dần dần số tiền tích góp được đủ cho gia đình ông xây căn nhà khang trang và mua sắm những vật dụng trong gia đình. Hiện nay, gia đình ông có 1 ha mía; 1,5 ha nhãn và quá nửa diện tích đã cho thu quả cùng 8.000m2 ngô; duy trì nuôi 4 con bò, 8 con lợn thịt, hàng trăm con gà thả vườn. Từ mô hình kinh tế tổng hợp đã giúp ông thu về trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Ông Vàng A Nụ, Trưởng bản Nong Mòn, xã Cò Nòi cho biết: Sau khi được đặc xá trở về địa phương, ông Của luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy ước, hương ước của bản. Từ bàn tay trắng, ông Của đã vươn lên thành một nông dân làm kinh tế giỏi và không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm làm nông cho bà con dân bản. Trở thành tấm gương sáng và là bằng chứng sống để tuyên truyền, vận động bà con tránh xa ma túy.