Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ vọng mới về Sâm Ngọc Linh

PV - 09:53, 20/08/2018

Đỉnh núi Ngọc Linh–nóc nhà của dãy Trường Sơn (thuộc tỉnh Quảng Nam và Kon Tum) có độ cao hơn 2.500m quanh năm mây mù bao phủ, có một “báu vật” được xem là linh khí đất trời Ngọc Linh ban tặng, mang tên chính ngọn núi kỳ bí, linh thiêng-Sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh-Sâm Việt Nam giờ đây không chỉ là cây thoát nghèo mà còn là cây “tỷ phú” của hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Bởi vậy, cần tiếp cận chuỗi giá trị, nhân rộng những “mảnh đất vàng” trồng cây sâm quý, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS Việt Nam.

“Báu vật” trên đỉnh núi

Từ xa xưa, nhân sâm được coi là thần dược có thể chữa bách bệnh. Trên thế giới, hiện nay nhân sâm đang được phân phối ở 35 nước. 4 nước sản xuất nhân sâm lớn nhất là Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada và Mỹ; chiếm hơn 99% sản lượng nhân sâm toàn thế giới. Thị trường nhân sâm có giá trị ước khoảng 2.084 triệu USD, trong đó thị trường Hàn Quốc vào khoảng 1.140 triệu USD là thị trường phân phối nhân sâm lớn nhất thế giới.

Phiên chợ Sâm Ngọc Linh luôn thu hút rất đông du khách tham gia. Phiên chợ Sâm Ngọc Linh luôn thu hút rất đông du khách tham gia.

Tại Việt Nam, Sâm Ngọc Linh được phát hiện vào những năm 60, tác dụng của Sâm Ngọc Linh phát hiện rõ nhất vào năm 70, 80. Các nhà khoa học đã chứng minh, Sâm Ngọc Linh là loại dược phẩm quý hiếm, vô cùng tốt cho sức khỏe con người. Sâm Ngọc Linh được xếp vào 1 trong 5 loại sâm quý nhất trên thế giới, một số đặc điểm vượt trội hơn cả Sâm Hàn Quốc và Sâm Mỹ. Sự quý hiếm còn bởi đặc điểm sinh sống tự nhiên của sâm dưới tán rừng già nguyên sinh có độ cao tuyệt đối từ 1.000- 2.400m. Hiện nay, Sâm Ngọc Linh được phân bố nhiều nhất ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Sâm Ngọc Linh được người dân phát hiện từ rất lâu, nhưng trong một thời gian dài, việc phát triển Sâm Ngọc Linh chủ yếu là tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cách đây hơn 4 năm, khi ông nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND huyện, ông thống kê chưa đến 100 người trồng sâm, giá sâm cũng rất thấp và không ổn định, không đúng với giá trị thực. Tất cả đã khiến vùng sâm trên núi Ngọc Linh dần suy thoái và cạn kiệt. Suy nghĩ phải làm thế nào để phát triển sâm và phải có định hướng rõ ràng của Đảng, Nhà nước về cây sâm, nên ông Bửu đã cùng một số cộng sự nghiên cứu, tìm tòi, viết đề án Sâm Ngọc Linh là Sâm Việt Nam.

Ngày 12/9/2015, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh-Sâm Việt Nam” đến năm 2030. Với tổng mức đầu tư lên đến trên 9.000 tỷ đồng… Tháng 6/2017, Sâm Ngọc Linh chính thức được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia. Kèm theo đó, là những cơ chế chính sách đặc thù dành cho sản phẩm có tiềm năng lớn về kinh tế và y học này. Sau một thời gian dài lẩn khuất trong thinh lặng giữa đại ngàn Trường Sơn, Sâm Ngọc Linh đã được “đánh thức” và khẳng định giá trị.

Mang lại sự giàu có

Có dịp đến Nam Trà My hôm nay, không khó để cảm nhận về giá trị của Sâm Ngọc Linh trong đời sống của đồng bào DTTS. Sâm Ngọc Linh không chỉ là cây thoát nghèo mà còn được xem như là cây “tỷ phú”. Căn nhà mới khang trang của gia đình ông Hồ Văn Bông, thôn 2, xã Trà Linh có trị giá gần 1 tỷ đồng nằm ngay Thị trấn. Có tiền từ trồng sâm, người đàn ông Xơ-đăng đã mua nhà ngay trung tâm huyện Nam Trà My cho con có nơi ở lại Thị trấn theo học.

Ít ai biết rằng, trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Hơn chục năm trước, ông và vợ lấy nhau, tài sản chỉ có mấy cái bát và một cái nồi. Cuộc sống khó khăn, ông Bông chỉ học hết lớp 5 là phải nghỉ học. Nay, với hàng trăm nghìn cây sâm hàng chục năm tuổi, ông đã có trong tay hàng chục tỷ đồng. “Niềm vui lớn nhất của tôi chính là 4 người con đã và đang có điều kiện để theo đuổi giấc mơ học tập. Có được cuộc sống ngày hôm nay, tất cả nhờ Sâm Ngọc Linh”.

baodantoc_sam2

Hiện nay, toàn huyện Nam Trà My có rất nhiều tỷ phú từ sâm. Trên 50 hộ đồng bào DTTS có tài sản từ 20 tỷ đồng cho đến trên 500 tỷ đồng nhờ trồng Sâm Ngọc Linh. Từ tỷ lệ hơn 82% hộ nghèo thì nay Nam Trà My giảm còn 65%; hàng trăm hộ thoát nghèo, hàng chục người thành tỷ phú. Nếu như năm 2014 chỉ có khoảng 100 hộ trồng lác đác vài ha Sâm Ngọc Linh thì đến nay đã phát triển rộng khắp trên địa bàn 7 xã, với số hộ trồng sâm 1.500 hộ, trên 25.000ha trồng sâm, tốc độ phát triển trong dân gần 900%. Sâm Ngọc Linh-Sâm Việt Nam giờ đây không chỉ là cây thoát nghèo mà còn là cây “tỷ phú” của hàng ngàn hộ đồng bào DTTS.

Cùng với sự phát triển tích cực ấy, giá trị sâm Ngọc Linh cũng tăng lên một cách ấn tượng. Nếu như cách đây vài năm, mỗi kg sâm tươi chỉ có giá khoảng 12 triệu đồng, thì nay giá sâm trung bình từ 70-120 triệu đồng. Quan trọng hơn, từ đây rừng nguyên sinh Ngọc Linh được gìn giữ như một báu vật. Với giá trị vô cùng to lớn, Sâm Ngọc Linh cần được tiếp cận chuỗi giá trị để nhân rộng, để “bay cao, bay xa” hơn nữa…

Nhân rộng những “mảnh đất vàng”

Tiếp theo những nỗ lực hỗ trợ cộng đồng các DTTS khởi sự làm ăn kinh doanh, khởi nghiệp làm giàu trong thời gian qua; cùng với sự hợp tác, kết nối của các đối tác trong nước và quốc tế; đặc biệt hơn là những bài học, câu chuyện làm giàu từ Sâm Ngọc Linh, Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và Cơ quan thường trú Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Đại sứ Quán Australia và các đối tác phát triển tổ chức Diễn đàn Phát triển DTTS năm 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh-Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS”. Diễn đàn quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo của hàng trăm huyện miền núi có rừng ở độ cao trên 1.000m có thể nhân rộng mô hình trồng Sâm Ngọc Linh.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: Làm thế nào để vùng DTTS và MN hội nhập, phát triển nhanh, bền vững đang là câu hỏi làm day dứt, trăn trở các cấp lãnh đạo, các cơ quan công tác dân tộc và của người dân. Qua khảo sát, đánh giá sơ bộ, Ủy ban Dân tộc nhận thấy được giá trị, hiệu quả và khả năng phát triển của Sâm Ngọc Linh trên địa bàn vùng miền núi của nhiều địa phương. Diễn đàn năm nay với hy vọng sẽ mở ra một hướng đi mới cho những địa bàn có khí hậu, thổ nhưỡng, sinh thái tương tự như ở vùng Nam Trà My. Đồng thời tiếp tục khơi dậy trong đồng bào các DTTS lòng tự hào về nguồn cội, tự tin về khả năng và tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Diễn đàn là hoạt động cụ thể trong việc tiếp cận giảm nghèo vùng DTTS bền vững thông qua phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nói chung và Sâm Ngọc Linh nói riêng. Kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế và sự đầu tư của khu vực tư nhân vào phát triển các chuỗi giá trị vùng DTTS. Quảng bá hình ảnh, giá trị và tiềm năng di thực của cây Sâm Ngọc Linh. Nhân rộng mô hình trồng sâm trên cả nước, xây dựng thương hiệu quốc gia Sâm Việt Nam. Đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo sự tham gia, hưởng lợi của người DTTS và thu hút, hỗ trợ, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân đầu tư phát triển các chuỗi giá trị vùng DTTS và miền núi.

Giá trị to lớn của Sâm Ngọc Linh đã được khẳng định. Từ Diễn đàn này sẽ hỗ trợ kịp thời và hiệu quả hơn cho mục tiêu phát triển vùng sâm tới mọi miền đất nước, vì sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS Việt Nam.

THANH HUYỀN