Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ Sơn (Nghệ An): Nhà hư, người bị thương do… nổ mìn khai thác đá

Việt Thắng – Y Nguyên - 10:32, 24/11/2022

Hơn 20 căn nhà bị hư hỏng, 2 người dân phải nhập viện. Đó là hậu quả của việc nổ mìn khai thác đá sai quy định tại một mỏ đá ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Bà con ở đây đang hết sức lo lắng, bất an và nguyện vọng của họ là muốn được đóng cửa mỏ để có cuộc sống an toàn.

Những hòn đá to thế này văng vào ngay giữa nhà dân, rất nguy hiểm
Những hòn đá to thế này văng vào ngay giữa nhà dân, rất nguy hiểm

Đá văng như mưa

Ông Cụt Văn Thắng - Trưởng bản Kim Đa, xã Phà Đánh, lắc đầu ngao ngán: “Bà con khổ lắm rồi, bất an lắm rồi, nguyện vọng bây giờ là mỏ đá này phải ngừng hoạt động, chứ không chỉ tạm dừng đâu. Sau 3 tháng tạm dừng, nó lại hoạt động lại, rồi đá lại bắn tung tóe, thì chúng tôi biết làm sao”.

Dẫn chúng tôi đến nhà nhân chứng của vụ đá văng, ông Thắng càng thêm bức xúc: “Họ nổ mìn kiểu gì mà đá văng như mưa”. Bà Ven Thị Thương - người bị đá văng trúng chân phải nhập viện vẫn chưa hoàn hồn. Bà kể lại, tối 3/4, khi cả gia đình đang ăn tối thì trên mỏ họ nổ mìn. Sau những tiếng nổ long trời lở đất là đất đá văng ào ào như mưa. Một viên đá đã văng trúng chân bà, máu me lênh láng, khiến bà phải nhập viện. Ngôi nhà lợp ngói phibroximăng của nhà bà cũng bị đá bắn thủng lỗ chỗ. 

Chưa hết, nhà con gái bà ở gần đó còn bị đá bắn hư hỏng nặng hơn, thủng mất một nửa mái. Rất may lúc đó cháu nhỏ đang nằm ngủ trên giường không bị đá văng trúng người.

Cùng ở bản Kim Đa, chị Cụt Thị Anh cũng là nạn nhân của trận “mưa đá" nói trên. Chị cho biết, mỏ đá này cách nhà chị khoảng 300 mét, hôm đó chị đang ngồi trước hiên nhà thì nghe tiếng nổ mìn. Ngay sau đó là đá bay ào ào xuống bản. Chị Anh đã bị nhiều viên đá văng vào người và mái nhà thì bị thủng đến 6 lỗ. Mặc dù cố chạy vào nhà để tránh, nhưng chị vẫn bị thương, phải nhập viện vì vết thương tương đối nặng.

Mỏ đá của Công ty TNHH Hồng Trường nằm ngay phía sau nhà dân ở bản Kim Đa
Mỏ đá của Công ty TNHH Hồng Trường nằm ngay phía sau nhà dân ở bản Kim Đa

Vụ nổ mình này đã khiến 23 căn nhà của bản Kim Đa bị hư hỏng và 2 người dân bị thương. Hay tin, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã kiểm tra và kết luận: Mỏ đá này có 3 lỗi vi phạm: Sử dụng vật liệu nổ không bảo đảm an toàn, phương án khai thác không đúng với thiết kế đã được phê duyệt và mỏ đá không có trạm cân. Chủ mỏ đá này đã bị phạt 85 triệu đồng và phải khắc phục toàn bộ thiệt hại do vụ nổ mìn này gây ra.

Thế nhưng, điều khiến Nhân dân thêm bức xúc và thêm bất an, là chỉ ít tháng sau, ngày 14/9, mỏ đá này tiếp tục vi phạm quy trình khai thác và một vụ “mưa” đá nữa lại tiếp diễn. Lần này rất may là bà con đi làm hết, nên chỉ 6 căn nhà bị hư hại mà không ảnh hưởng đến người.

Cơ quan chức năng lại kiểm tra, lại kết luận: Khai thác không đúng trình tự khai; hộ chiếu nổ mìn không phù hợp với thiết kế nổ mìn đã được lập, phê duyệt; vi phạm quy chuẩn kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; sử dụng người chưa được huấn luyện, kiểm tra cấp giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ. Và chủ mỏ đá lại bị xử phạt, lần này là 285 triệu đồng, đình chỉ hoạt động mỏ 3 tháng.

Đã có đến 23 ngôi nhà ở bản Kim Đa thủng mái như thế này
Đã có đến 23 ngôi nhà ở bản Kim Đa thủng mái như thế này

Không chỉ đá văng…

Trưởng bản Kim Đa Cụt Văn Thắng vẫn chưa hết bực dọc. Ông nói, không chỉ 2 vụ nổ mìn khiến đá văng xuống bản, từ nhiều năm qua, người dân ở đây phải hứng chịu bụi bẩn, ô nhiễm tiếng ồn từ mỏ đá này. Chưa kể, những đợt mưa lớn, đá mịn từ khu vực mỏ đá chảy tràn xuống rẫy của người dân bên cạnh, khiến họ không thể sản xuất được. “Ngoài nổ mìn, mỏ đá này còn xay đá suốt ngày, có khi cả ban đêm, gây tiếng ồn và bụi. Bản có 67 hộ dân thì hầu hết đều bị ảnh hưởng bởi mỏ đá này. Dân đã nhiều lần phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri, yêu cầu phải có phương án bảo đảm an toàn cho dân, mỏ đá phải ngừng hoặc phải di dời dân”, ông Thắng bức xúc.

Trao đổi với ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, chúng tôi được biết, mỏ đá này là của Công ty TNHH Hồng Trường, được cấp phép năm 2004 và đã được gia hạn cấp phép 2 lần. Mỏ đá này cách nhà dân ở điểm gần nhất chỉ 200 mét, không bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định. Tuy nhiên, cũng có một số nhà dân xây dựng sau khi mỏ đá được cấp phép khai thác, nhưng không được xã ngăn chặn. Cái khó là hiện nay cả huyện chỉ có 2 mỏ đá, đều ở xã Phà Đánh, để cung cấp vật liệu xây dựng cho dân và các công trình khác, nên việc duy trì mỏ đá là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị tỉnh kiểm tra, đánh giá hiện trạng của các mỏ đá này, để có các phương án bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).