Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chuyện buồn bên mỏ đá

PV - 11:13, 25/01/2018

Một ngày ẩm ướt, chúng tôi tìm về thủ phủ của những dãy núi đá vôi huyền thoại vùng Hà Nam Ninh cũ, cũng là trung tâm của những tai nạn tang thương do nổ mìn phá đá. Đó là xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm (Hà Nam).

Nơi nổi tiếng một xã có 4 nhà máy xi măng, ngày đêm “ăn” đá, nhả khói trắng kinh hoàng lên nền trời. Vậy nhưng, phía sau “kinh đô” của sự khai thác với những dây chuyền công nghệ, máy móc đồ sộ, phía sau lợi nhuận kinh tế khổng lồ cho một số ít người là cuộc sống chẳng mấy yên bình của đa số phu đá và gia đình của họ.

Khu khai thác đá bao bao bọc thôn Nham Kênh Khu khai thác đá bao bao bọc thôn Nham Kênh

 

Người đàn bà phát điên trước thảm họa

Nham Kênh thuộc xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm (Hà Nam), ngôi làng nhỏ nằm nép dưới chân vùng núi đá rộng lớn của khu vực Bắc bộ, bên dòng sông Đáy cuộn mình uốn khúc. Người dân nơi đây lớn lên bằng nghề phu đá, buổi sáng thức dậy ngửa mặt lên trời đã gặp núi. Ở xóm 1 Nham Kênh, chỉ một cái ngõ nhỏ dài chưa đầy 100m nhưng có tới 7 phu đá trẻ bị tử nạn. Những tên chồng, tên vợ được bà con nhắc đến đã làm chúng tôi cuống chân, hướng nào cũng gặp tên người bị đá vùi được gọi ra.

à Lực có hai con trai bị tai nạn đá chết cùng ngày, còn con út bị bệnh não, ngơ ngẩn. Bà Lực có hai con trai bị tai nạn đá chết cùng ngày, còn con út bị bệnh não, ngơ ngẩn.

Gia đình bà Lê Thị Lực ở ngay đầu xóm 1, ngôi nhà nhỏ cũ kỹ, lụp xụp chỉ còn hai vợ chồng già và cô con gái út đã ngoài 40 tuổi, chưa chồng, bị bệnh não ngẩn ngơ. Có một điềm thiêng nào đó, hôm nay chúng tôi đến đúng ngày giỗ của hai con trai bà: “Các con tôi chết, cùng một lúc. Cũng cái ngày mưa dầm như thế này, hai đứa nó mới sáng ra đã leo núi khoan đá.

Tôi ngăn, trời mưa quá đừng có đi, nhỡ sạt đá thì chết, thế mà chúng nó cứ đi. Lẽ ra cai đá phải cản con tôi, mưa thế mà cứ để chúng nó làm”, bà Lực nghẹn ngào. Hàng xóm dựng rạp chôn chất ngoài nghĩa địa, không cho bà biết vì sợ không chịu nổi tin dữ.

Nhưng linh tính người mẹ mách bảo chuyện chẳng lành, bà sấp ngửa chạy lên xem thì đúng con của mình. Như hóa điên, bà gào khóc thảm thiết rồi ngất lịm bên thi thể hai con trai không còn nguyên vẹn.

Chị Dung, con dâu bà Lực thắp hương ngày giỗ chồng. Chị Dung, con dâu bà Lực thắp hương ngày giỗ chồng.

Mất mát không gì thay thế ấy, bà Lực chỉ được cai đá “đền” 12 triệu đồng, vì con bà là lao động tự do, không hợp đồng, không bảo hiểm. Ai cũng cho là quá thiệt thòi, ỏn sót và vô lối ngoài sức tưởng tượng.

Phía bên kia đường, gia đình chị Đinh Thị Hòa có chồng bị đá vùi hơn hai năm trước, bộc bạch: “Chẳng cần nói, chỉ cần nhìn việc làm cũng thấy nguy hiểm rồi.

Hằng ngày cứ ở trên cao tít ấy, khoan, cắt đục, đẽo, chỉ một cục đá bằng nắm tay vô tình rơi trúng người cũng có thể chết. Buổi sáng chồng đi làm thì cứ ngửa mặt lên đỉnh núi mà trông, tối về nhà ăn cơm với vợ con mới biết là chồng mình còn sống”.

Cũng cái ngõ nhỏ ấy, từ khi chồng mất, chị Đoàn Thị Điểm luôn bị ám ảnh bởi tiếng nổ mìn. Có lúc tiếng nổ to quá chị lại lên cơn động kinh, toàn thân co giật. Chồng chị cũng là một thợ khoan đá, treo mình trên đỉnh núi bằng một dây bảo hiểm mỏng manh. Rồi đá đổ sụp, một cục đập vào gáy khiến anh tử vong tại chỗ, chết bất toàn thây, khi chưa kịp đưa vào viện cấp cứu.

Mất mạng vì mỏ đá nhưng gia đình vẫn đói!

Khi chúng tôi đến, 9 thành viên gia đình bà Nại Thị Cung sống trong ngôi nhà chật chội ở xóm 3, Nham Kênh như đang đợi khách đến, dù không có cuộc hẹn trước nào. Bà Cung nói như thanh minh: “Ngày trước chúng nó đi làm hết, không còn ai ở nhà, bây giờ con cháu ở nhà đông đủ thì lẽ ra phải vui, nhưng ở nhà mãi lấy gì mà ăn hả cô”.

Gia đình bà Cung thuộc diện là nạn nhân thê thảm trong các vụ tai nạn đá xảy ra gần đây. Trong ba người con trai của bà, thì người con đầu bị đá đè nặng nhất, đã qua đời cách đây 7 năm.

Cuối năm đó, người con trai thứ hai là Bình, làm trong dây chuyền sản xuất đá ở dưới mặt đất, trong lúc cỗ máy nghiền đang “ăn” đá rào rào thì dây chuyền bật tung lên, ngậm lấy đôi bàn tay của anh.

Rất may những người làm cùng tổ kéo anh ra kịp thời và đưa đi cấp cứu mới giữ được tính mạng. Hai bàn tay của anh Nguyễn Văn Bình cụt hẳn mất 6 ngón, những ngón cụt đều làm nhiệm vụ trọng yếu của đôi tay, không có nó, cơ thể khỏe khoắn của anh Bình cũng chẳng làm nổi việc gì.

Anh Nguyễn Văn Bình và đôi tay đã bị cụt gần hết ngón. Anh Nguyễn Văn Bình và đôi tay đã bị cụt gần hết ngón.

 

Chị Lan, vợ anh Bình ngậm ngùi: “Bây giờ muốn đi làm mà có được đâu, ai người ta nhận, xin đi làm bảo vệ thì người ta nói, tay cụt hết cả làm sao cầm bút ghi biển số xe được mà làm”.

Vừa rồi, Nguyễn Văn Hương, người con trai út của bà Cung cũng đang đứng dây chuyền cho một tổ máy nghiền đá.

Cái ụ máy bỗng nhiên dở chứng, kêu sục sặc rồi đá bắn tung tóe lên tứ phía. Có người tránh được, có người không. Anh Hương bị đá bắn trúng vào mắt, hỏng mất con mắt trái. Đến giờ vẫn còn đau nhói khiến anh phải nghỉ dưỡng, không còn làm việc được như trước nữa. Chỉ chưa đầy 10 năm, bà Cung lần lượt nhận tin 3 con gặp nạn, nước mắt đã cạn kiệt, bà cứ thều thào không nói được câu gì khi chia tay chúng tôi.

Điểm giống nhau giữa các ngôi nhà của những phu đá xấu số mà chúng tôi ghé qua, nhiều bức tường mới chỉ được xây thô. Gạch, đá, đường chỉ vôi cát vẫn còn nằm phơi ra nắng gió, chưa được “khoác áo” xi măng.

Và từ khi các con bà Cung gặp nạn, bà bảo: “Cái nhà muốn cơi nới thêm cho rộng cũng phải dừng, cái nhà vệ sinh tự hoại đang chuẩn bị xây cũng phải để lại đấy”. Những người vợ trẻ ở đây, đa phần các chị không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con, nhưng cuộc sống lại rơi vào cảnh túng quẫn.

Chị Dung phải bỏ con nhỏ cho bà Lực để vào Nam, ai thuê mướn việc gì cũng làm để tích góp tiền gửi về nuôi hai con. Một số khác xin làm công nhân, số có con còn bú mớm thì đành chịu, hoặc đi thì con ở nhà bỏ học chẳng ai trông.

Về tiền đền bù, chị Thanh, vợ một phu đá xấu số cho hay: “Ngoài số tiền cai đá đền bù 70 triệu đồng thì không còn khoản tiền trợ cấp nào khác về sau, vì chồng chị làm tự do, không hợp đồng hay bảo hiểm gì, chết là hết”. “Họ đền bù theo mức giá thị trường, người nào quảng giao tốt, khéo ăn khéo nói thì được 150 triệu đồng”, anh Hoàn-từng là tổ trưởng tổ đá cho biết.

“100 triệu đồng chứ 200 triệu đồng cũng có đáng là bao so với một mạng người, nhưng mình đi làm tự do, người ta đền cho mình được bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu thôi”, bà Tâm, mẹ của phu đá xấu số ở xóm 1 chua xót.

Lao động ở mỏ đá-ai bảo vệ?

Theo tìm hiểu của PV Báo Dân tộc và Phát triển, hầu hết lao động ở Nham Kênh không được ký kết hợp đồng lao động như quy định. Dù những công nhân này đã làm nhiều năm trong một công ty khai thác đá và đều làm ở vị trí rất dễ xảy ra tai nạn.

“Làm theo hợp đồng có khi họ lại không thích, vì phải ràng buộc. Nhưng nếu có hợp đồng thì tốt hơn cho người lao động, vì họ được đảm bảo quyền lợi, công tác bảo hộ cũng sẽ được các công ty chú trọng hơn, hạn chế rủi ro hơn”, ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng thôn Nham Kênh cho biết.

Nham Kênh có 800 hộ dân, con số hàng chục người chết vì đá rơi trong những năm gần đây đã được người dân và chính quyền thôn khẳng định là có, nhưng không ai thống kê cụ thể. Buồn hơn, tai nạn không giảm mà vẫn tăng lên mỗi năm. Tuy nhiên, không có một tai nạn đá nào được xử lý đầy đủ như quy định, để ngăn ngừa các việc làm sai gây ra thảm họa.

Bởi một lý do “Nhận tiền đền bù rồi là xong” như lời người dân thôn Nham Kênh than thở. Nhiều cái tên, và nhiều cái chết cứ biến khỏi các bản thống kê sổ tử, là vì sao, vì ai? Có lẽ, báo chí và cơ quan quản lý cần vào cuộc đầy đủ hơn nữa, may ra mới có câu trả lời thấu đáo được.

Nhưng dù thế nào thì điều này cũng là tàn nhẫn và vô cùng phản nhân văn.

Chia tay những con người chân chất thân thiện đó, lối mòn dẫn chúng tôi ra quốc lộ lớn tịnh vắng, khô khốc sỏi đá. Mây xám vần vũ trên bầu trời từ sáng qua, chiều nay vẫn bao bọc lấy ngôi làng nhỏ này, tất cả dệt nên một nỗi niềm Nham Kênh sầu thảm.

TÂM LÊ