Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ Sơn (Nghệ An): Khi giáo viên phải kèm giáo viên

MINH THỨ - 11:32, 11/10/2019

Là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, vấn đề giáo dục của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, chất lượng của giáo viên ở đây rất thấp.

Giáo viên trường Huổi Tụ quyết tâm tự học hỏi.
Giáo viên trường Huổi Tụ quyết tâm tự học hỏi.

30% không đáp ứng được nhiệm vụ

Để đánh giá trình độ năng lực của giáo viên, từ năm 2016, ngành Giáo dục huyện Kỳ Sơn đã có cuộc khảo sát chất lượng giáo viên thông qua bài kiểm tra. Nội dung bài kiểm tra không quá khó, vì chủ yếu chỉ yêu cầu giáo viên giải những bài tập Toán và Tiếng Việt (tiểu học) và các bài tập thuộc từng bộ môn (THCS) thông thường trong sách giáo khoa và các kiến thức kỹ năng về sư phạm.

Thế nhưng, kết quả lại khiến toàn ngành giật mình, khi ở bậc tiểu học có 275/769 giáo viên không đáp ứng được dạy toàn cấp, trong đó có 28 giáo viên không thể bố trí đứng lớp. Ở bậc THCS có 119/448 giáo viên khi làm bài khảo sát có điểm dưới trung bình. Với hơn 30% giáo viên của hai bậc tiểu học và THCS không đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn, thì đây là con số đáng lo ngại.

Thầy giáo Nguyễn Quang Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huồi Tụ 1, xã Huổi Tụ, huyện Kỳ Sơn cho hay: Trong trường năng lực giáo viên như thế nào, hiệu quả dạy học ra sao, lãnh đạo nhà trường đều biết. Còn không ít giáo viên không có ý thức tự học, tự nâng cao trình độ hoặc không muốn phấn đấu. Thay vào đó lại có tâm lý ỷ lại, chỉ cần được đi dạy, có lương là được.

Không chỉ ở 2 bậc học tiểu học, THCS, bậc học THPT của huyện Kỳ Sơn cũng có nhiều điểm bất cập. Thầy giáo Lê Đức Cát, Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn cho biết, một trong những vấn đề đáng lo nhất của trường hiện nay là tình trạng giáo viên đứng “nhầm lớp” còn phổ biến. Chính sự nhầm lớp này đã kéo chất lượng giáo dục Kỳ Sơn ngày càng đi xuống, gây hệ lụy nhiều thế hệ học trò.

Lấy giáo viên kèm giáo viên

Ông Nguyễn Văn Thiết, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, cho biết: Quy trình đánh giá lại đội ngũ giáo viên được bắt đầu từ năm học 2016 - 2017. Để khách quan, Phòng để các giáo viên viết đơn lựa chọn đăng ký dạy toàn cấp hoặc không dạy được toàn cấp dựa trên năng lực tự đánh giá bản thân. Có 186 giáo viên tự nguyện viết đơn không dạy được toàn cấp, vì không tự tin vào năng lực.

Theo ông Thiết, khi đã phân loại được giáo viên, Phòng đã phân nhóm theo từng mức độ khác nhau từ khá, giỏi, trung bình, chưa đạt yêu cầu và tiến hành bồi dưỡng ở cả ba nhóm. Riêng ở nhóm cuối cùng, hằng năm bồi dưỡng tập trung 1 tháng tại huyện (trong thời gian hè) và 4 ngày/tuần (trong năm học). Chương trình bồi dưỡng do đội ngũ cốt cán của huyện lên kế hoạch, xây dựng nội dung và trực tiếp đến lớp, kinh phí do Phòng trả.

“Ngoài ra, Phòng Giáo dục cũng yêu cầu các trường phải phân công giáo viên cốt cán kèm cặp, bồi dưỡng thêm ở trường và khuyến khích giáo viên tự học, tự nâng cao trình độ. Trung bình mỗi tháng giáo viên làm một bài thu hoạch, theo các nội dung trong chuyên đề giáo viên đã được bồi dưỡng. Kết quả, Phòng sẽ gửi cho từng giáo viên để giáo viên tự đánh giá và có biện pháp bồi dưỡng phù hợp”, ông Thiết nhấn mạnh.