Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Hoàng Quý - 18:06, 25/10/2024

Chiều 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về quy định các loại giao dịch phải công chứng, một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật do Chính phủ trình, không quy định về các loại giao dịch phải công chứng trong Luật Công chứng. Một số ý kiến đề nghị, bổ sung vào dự thảo Luật quy định về các loại giao dịch phải công chứng như: Giao dịch đối với bất động sản; Giao dịch đối với tài sản có đăng ký; Giao dịch liên quan đến doanh nghiệp; Các giao dịch khác mà pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng.

Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng kết hợp các điểm tích cực của cả 2 loại ý kiến để chỉnh lý nội dung này. Theo đó, bổ sung khoản 2 Điều 1 quy định về tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng, cụ thể là: “2. Giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được pháp luật quy định phải công chứng”.

Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo rà soát các giao dịch phải công chứng đang được quy định trong các luật, nghị định, thông tư hiện hành để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, bảo đảm phù hợp với tiêu chí quy định tại Luật Công chứng (khoản 12 Điều 78). Bộ Tư pháp có trách nhiệm rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ (khoản 2 Điều 71).

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng, UBTV Quốc hội nêu 2 phương án. Phương án 1: Đa số ý kiến UBTV Quốc hội đề nghị bên cạnh các văn phòng công chứng được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như Luật hiện hành, tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ, văn phòng công chứng còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Phương án 2: Một số ý kiến tán thành với phương án như Chính phủ trình, đề nghị kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh. Trong đó, UBTV Quốc hội đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội xem xét, cho phép tiếp thu, chỉnh lý nội dung này theo Phương án 1.

Về xã hội hóa hoạt động công chứng, UBTV Quốc hội đề nghị, không quy định cụ thể lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng trong Luật mà giao Chính phủ quy định nội dung này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và bảo đảm cung ứng dịch vụ công chứng cho người dân, cụ thể là chỉnh lý quy định tại điểm b khoản 2 Điều 71 của dự thảo Luật, giao Bộ Tư pháp xây dựng, trình Chính phủ quy định chi tiết lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng, giải thể phòng công chứng tại các địa phương.

Trên cơ sở đó, Chính phủ có kế hoạch, giải pháp cụ thể và quyết liệt chỉ đạo để hoàn thành lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng. Việc giao Chính phủ quy định lộ trình này là phù hợp với thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức thi hành Luật, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm tính khả thi.