Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kon Tum: Tiếp thêm nguồn lực làm "hồi sinh" nghề truyền thống của đồng bào DTTS

Ngọc Thu - 21:54, 03/09/2023

Qúa trình triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum” đã góp phần lưu giữ và phát huy giá trị của các nghề truyền thống có nguy cơ mai một. Hiện nay, Đề án được tích hợp trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) đã tiếp thêm nguồn lực cho địa phương giữ nghề truyền thống.

Chị em phụ nữ ở làng KonJơ Ri, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum cùng nhau dệt thổ cẩm
Chị em phụ nữ ở làng KonJơ Ri, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum cùng nhau dệt thổ cẩm

Giữ hồn cốt dân tộc

Với nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ba Na ở TP. Kon Tum, từng sợi thổ cẩm, từng hoa văn trang trí trên tấm vải đều mang tâm tư, tình cảm và hồn cốt riêng của từng dân tộc. Đó là dấu ấn, nét văn hóa đặc sắc riêng của vùng đất, con người nơi ấy. 

Gắn bó với khung cửi hơn 60 mùa rẫy, bà Y Chrưt, gần 90 tuổi ở làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung, vẫn đang tâm huyết, tận tụy với việc truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ con cháu người Ba Na. Bà Y Chrưt bảo, đối với bà giữ nghề dệt thổ cẩm không phải vì kinh tế, mà vì bà muốn giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. Chính vì vậy, công việc dệt thổ cẩm đối với bà là đam mê, là tự hào và còn là trách nhiệm.

Nghề rèn thủ công truyền thống của người Tơ Đrá (1 nhánh của người Xơ Đăng) ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà
Nghề rèn thủ công truyền thống của người Tơ Đrá (1 nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà

Còn tại xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, từ bao đời nay, nghề rèn thủ công truyền thống không chỉ góp phần vào nguồn thu nhập nuôi dưỡng nhiều thế hệ của người Tơ Đrá (1 nhánh của dân tộc Xơ Đăng), mà là niềm tự hào về nghề truyền thống mà các thế hệ đi trước truyền lại cho đời sau. 

Nghệ nhân A Xê - Cựu chiến binh ở thôn 4, cũng là người thợ rèn lão luyện có tiếng trong thôn. Ông A Xê cho biết, để duy trì hoạt động của lò rèn thủ công truyền thống cần ít nhất 3 người đàn ông khỏe mạnh để tham gia vào các công đoạn. 

Nghệ nhân chia sẻ, hiện nay, trong quá trình hội nhập và phát triển, nhiều dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn giữ gìn và phát triển các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, rèn thủ công, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống… Tuy nhiên, đa số nghệ nhân, người biết làm nghề truyền thống tuổi đã cao, người có tay nghề giỏi ngày càng ít, việc truyền nghề cho các thế hệ kế cận gặp nhiều khó khăn. 

Theo ý kiến của một số nghệ nhân làm nghề thì, hiện nay việc tiêu thụ các sản phẩm từ nghề truyền thống của đồng bào DTTS vẫn còn gặp khó khăn, chủ yếu là để trao đổi, hoặc phục vụ nhu cầu của gia đình, người thân, rất ít sản phẩm có đầu mối tiêu thụ do vậy, bà con không mặn mà với việc giữ và truyền nghề cho thế hệ sau. 

Bên cạnh đó, việc quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm nghề truyền thống tham gia vào các hoạt động du lịch chưa thực sự phát huy hiệu quả. Việc đầu tư, phát triển nguồn nguyên liệu, vật liệu phục vụ việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống chưa được quan tâm đúng mức...

Chắp cánh cho nghề truyền thống

Năm 2017, tỉnh Kon Tum triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của nghề truyền thống nhằm giữ gìn bền vững bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS tại chỗ, gắn với phát triển các loại hình du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Theo đó, 9 nghề truyền thống được quan tâm bảo tồn và phát triển gồm: Dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ truyền thống, rèn, gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc và làm nỏ. Tỉnh cũng xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu, ký gửi sản phẩm nghề truyền thống, gắn với các điểm tham quan du lịch tại TP. Kon Tum, huyện Kon Plông và một số nơi có điều kiện; phát triển một số sản phẩm nghề truyền thống đạt tiểu chuẩn OCOP và từng bước có thị trường tiêu thụ ổn định; xây dựng từ 1 - 2 thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống, gắn với hình ảnh, văn hóa du lịch đặc trưng của tỉnh.


Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tặng bộ khung dệt cho các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình có hoạt động sản xuất nghề dệt thổ cẩm
Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tặng bộ khung dệt cho các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình có hoạt động sản xuất nghề dệt thổ cẩm

Thực hiện Đề án, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã tổ chức 25 hội nghị tuyên truyền, vận động công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống trực tiếp tại các địa phương cho các đối tượng là già làng, Người có uy tín, thôn trưởng, các ban ngành của thôn và hơn 1.800 nghệ nhân.

Ngoài ra, hỗ trợ 350 bộ khung dệt cho các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình có hoạt động sản xuất nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh; mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại cộng đồng… Đến nay, số người biết làm nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh so với thời gian đầu phê duyệt Đề án từ 2.220 người năm 2017 đến nay đã tăng lên 12.170 người.

Bên khung cửi mới được Ban Dân tộc tỉnh trao tặng, nghệ nhân Y Hlạng (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) nói: Bà ưng cái bụng lắm, nhờ có Nhà nước hỗ trợ mà mình lại được làm công việc yêu thích. Hiện nay, tổ dệt thổ cẩm ở làng Pu Tá đã có 17 khung dệt,  37 thành viên từ nhiều thôn khác nhau cùng tham gia. Thành viên trong tổ cũng mong muốn, sẽ lan tỏa tình yêu thổ cẩm tới nhiều người hơn nữa, mong muốn nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc mình luôn được các thế hệ giữ gìn, và không chỉ phát huy được giá trị về tinh thần, mà những sản phẩm từ dệt thổ cẩm truyền thống trở thành hàng hóa được nhiều người yêu thích, sử dụng trong đời sống sinh hoạt.

Những nghệ nhân Gia Rai ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy vẫn miệt mài, đam mê với nghề đan gùi truyền thống
Những nghệ nhân Gia Rai ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy vẫn miệt mài, đam mê với nghề đan gùi truyền thống

Ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: Đánh giá kết quả bước đầu từ việc thực hiện Đề án cho thấy, đồng bào các DTTS tại chỗ, nhất là những người trong độ tuổi lao động, thanh thiếu niên, Người có uy tín đã hiểu về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc mình; tích cực tham gia bảo tồn, lưu giữ những nét văn hoa, những sản phẩm truyền thống độc đáo; tham gia truyền nghề, học nghề để lưu giữ nghề nghiệp và phát huy giá trị văn hóa của các nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một...

Tỉnh Kon Tum cũng đã có kế hoạch tổ chức tuyên dương, biểu dương người giữ nghề truyền thống. Đồng thời, chú trọng kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề truyền thống  gắn với phát triển du lịch, góp phần giữ gìn nghề truyền thống, tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách du lịch nhằm đẩy mạnh phát triển “ngành công nghiệp không khói” của địa phương", 

Hiện nay Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum” được tích hợp, lồng ghép với Chương trình MTQG 1719 về giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc, đào tạo nghề truyền thống. "Với những nội dung, nguồn lực được đầu tư được đặt ra ở từng nội dung nhiệm vụ tiểu dự án, Dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, đã tạo thêm cơ hội, động lực cho  chính quyền địa phương đầu tư, hỗ trợ giữ nghề truyền thống; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững...", Trưởng ban Dân tộc Đinh Quốc Tuấn chia sẻ thêm.