Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kon Tum: Tập huấn, bồi dưỡng về văn hóa phi vật thể và triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa

Ngọc Chí - 12:59, 19/11/2024

Thực hiện Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025, sáng 19/11, tại huyện Đăk Tô (Kon Tum), Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức Lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể và triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật chế tác và tập quán sử dụng nhạc cụ tre nứa người Xơ Đăng và người Gia Rai” trong hành trình du lịch di sản Kon Tum - Gia Lai.

Quang cảnh lớp tập huấn
Quang cảnh Lớp tập huấn

Tham gia Lớp tập huấn có 30 Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân ưu tú là người Xơ Đăng. Tại Lớp tập huấn, các nghệ nhân được tiếp cận với những báo cáo viên là các chuyên gia hàng đầu về di sản văn hóa, phát triển cộng đồng và di sản văn hóa phi vật thể của người Xơ Đăng. Các nghệ nhân sẽ được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể; cách thức, phương pháp xây dựng và thực hiện mô hình di sản kết nối. Qua đó góp phần trao truyền bền vững để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đang nắm giữ.

Lớp tập huấn diễn ra trong 2 ngày 19 - 20/11, sau đó các nghệ nhân sẽ được truyền dạy, trải nghiệm thực tế tại cộng đồng (trong khoảng 10 ngày) để ứng dụng những kiến thức học được tại lớp học.

Các nghệ nhân tham gia lớp tập huấn
Các nghệ nhân tham gia Lớp tập huấn

Ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cho biết: Đây là hoạt động cần thiết trong bối cảnh cộng đồng người Xơ Đăng và người Gia Rai sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần phải phát triển thôn, làng theo cách tự lực để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các dự án hỗ trợ cộng đồng. Lớp tập huấn, truyền dạy và thực hiện mô hình không chỉ mang lại sự tăng trưởng kinh tế cho địa phương, mà còn thúc đẩy, nâng cao tự hào về giá trị văn hóa dân tộc và tự tin với các cộng đồng có di sản tương đồng.

"Việc Cục Di sản văn hóa lựa chọn di sản về nghệ thuật chế tác và tập quán sử dụng nhạc cụ tre nứa của người Xơ Đăng và Gia Rai ở tỉnh Kon Tum và Gia Lai để xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các DTTS sẽ giúp cộng đồng người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum tự hào hơn về giá trị di sản họ đang nắm giữ, để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị; cộng đồng tích cực trao truyền, chia sẻ tri thức, kỹ năng chế tác và sử dụng nhạc cụ trong các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng; xây dựng thành điểm đến du lịch để kết nối tạo hành trình du lịch di sản mang lại những lợi ích thiết thực, hỗ trợ đời sống cho cộng đồng chủ thể", ông Phan Văn Hoàng cho biết thêm.