Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kiến tạo những cộng đồng an toàn trước thiên tai

Nguyễn Thanh - 09:30, 04/10/2024

Dường như, chỉ đến khi mưa kéo dài gây sạt lở và lũ quét nghiêm trọng ở khu vực miền núi trong thời gian vừa qua, thì những khiếm khuyết trong quản lý rủi ro thiên tai mới rõ hơn bao giờ hết. Điều ấy bắt buộc chúng ta phải thay đổi, hành động và dành nguồn lực để kiến tạo những cộng đồng an toàn trước thiên tai. Nhưng từ lý thuyết đến thực tế là điều không hề dễ dàng.

Người dân xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) mong sớm được an cư
Người dân xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) mong sớm được an cư

Canh cánh nỗi lo lũ quét và sạt lở đất

Hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ, cuốn theo bùn nước xuất hiện khắp các triền núi ở nhiều tỉnh, thành; hàng trăm người tử vong vì sạt lở và lũ quét gây nên; còn tài sản của người dân thì ước tính thiệt hại đến hàng chục nghìn tỷ đồng… Đó là toàn cảnh sơ bộ về thảm họa thiên tai sau hậu bão Yagi hồi đầu tháng 9/2024 ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Xa hơn là các vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở khu vực miền Trung, như Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam), Rào Trăng (Thừa Thiên Huế), Tà Cạ (Kỳ Sơn, Nghệ An)… khiến nhiều người thiệt mạng, nhà cửa, tài sản trôi sông, đổ suối. Dẫu thiên tai đã phần nào lắng xuống, người người đã lục đục quay về chốn cũ, sửa sang lại nhà cửa, gây dựng lại cuộc sống mới. Trưởng bản Sơn Hà, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn, Nghệ An) Vi Văn Truyền chia sẻ: Sau trận lũ quét cuối năm 2022, vì chưa xây dựng xong tái định cư nên bà con vẫn phải dựng nhà ở bản cũ. Tâm lý bà con trong bản rất bất an vì nỗi lo sạt lở đất và lũ quét có thể tái diễn lúc nào.

Cuộc sống của bà con Làng Nủ xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) tại khu tạm cư
Cuộc sống của bà con Làng Nủ xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) tại khu tạm cư

Sau thiên tai, nhiều người dân ở các tỉnh, thành miền núi phía Bắc đã không thể trở về nhà. Ngay cả những vụ sạt lở trước đó ở khu vực miền Trung cũng vậy. Vì bản làng đã bị xóa sổ do sạt lở và lũ quét, không ít số phận đã phải ở nhờ, ở trọ trong suốt thời gian dài sau đó. Sau mất mát lớn nhất là tính mạng con người, thì việc thiếu chỗ an cư sau sạt lở đất và lũ quét là nỗi lo lắng thường trực, âm ỉ của rất nhiều người dân vùng chịu cảnh thiên tai.

Một dẫn chứng đầy xót xa, nhìn từ tỉnh Yên Bái, Lào Cai. Mưa lũ từ bão Yagi đã khiến 21.368 hộ trên toàn tỉnh này phải di dời người và tài sản. Đến ngày 20/9, đã có 17.725 hộ quay về nhà sau khi nước rút và nguy cơ sạt lở giảm, còn lại 3.643 hộ chưa trở về nhà. Còn tỉnh Lào Cai, vẫn còn hơn 1.101 hộ bị thiệt hại hơn 70% đang ở nhờ người thân, lán tạm thời hoặc các khu kết hợp tránh trú cộng đồng.

An cư là nỗi canh cánh diết da, và đó cũng là nhiệm vụ trọng tâm sau những vụ sạt lở đất. Nhưng, việc bố trí di dân theo hình thức tái định cư hoặc xen ghép cũng không hề đơn giản. Thực tiễn tại các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng, vùng miền núi của cả nước nói chung đang có rất nhiều hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đất rất cao. Điều này đặt ra vấn đề cần một chương trình bài bản, căn cơ để di dời, tái định cư cho người dân, không để tính mạng người dân đặt cược vào sự bất thường của thời tiết.

Khởi công xây dựng khu tái định cư Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà (Lào Cai)
Khởi công xây dựng khu tái định cư Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà (Lào Cai)

Những cộng đồng an toàn trước thiên tai

Việt Nam là đất nước nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của nhiều đợt mưa lớn kéo dài, địa hình chia cắt, mật độ sông suối phong phú. Đây là những yếu tố làm tăng khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Tuy vậy, ngoài những nguyên nhân trên, còn có sự tác động của con người, làm hủy hoại môi trường tự nhiên do khai thác mỏ, phá rừng, hay xây dựng không hợp lý.

Thực tế cho thấy, lũ quét, sạt lở đất là những hiện tượng thiên tai thường xuất hiện trong thời gian ngắn với diễn biến nhanh, cục bộ trong khu vực hẹp và có sức tàn phá lớn. Vì vậy, vấn đề đặt ra, được ưu tiên hàng đầu là công tác phòng ngừa sạt lở đất và lũ quét như thế nào, chứ không phải là công tác ứng phó, khắc phục sự cố khi đã xảy ra.

Muốn làm tốt công tác phòng ngừa sạt lở đất và lũ quét để kiến tạo những cộng đồng an toàn trước thiên tai; thì điều đầu tiên vẫn là công tác dự báo, dự đoán. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng: Việc đầu tư công nghệ hiện đại và thiết lập các hệ thống tự động cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở các vùng có nguy cơ cao là rất cần thiết. Những đầu tư trong giai đoạn phòng ngừa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với giai đoạn ứng phó, khắc phục hậu quả.

San ủi tạo mặt bằng thi công tái định cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai)
San ủi tạo mặt bằng thi công tái định cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai)

Mặt khác, cần có những khảo sát, đánh giá lại để khoanh vùng bản đồ sạt lở đất và lũ quét một cách chi tiết hơn, cập nhật kịp thời hơn nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai của các cấp chính quyền (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) và Nhân dân.

Sau cùng, nhiều ý kiến chuyên môn đã khẳng định rằng: Cần có chiến lược bài bản, căn cơ để bố trí ổn định chỗ ở cho người dân trong vùng nguy cơ, vùng nguy cơ cao của sạt lở đất và lũ quét. Tuy nhiên, ở góc độ này lại vấp phải hai yếu tố rất khó khăn là quỹ đất và kinh phí.

Việc bố trí tái định cư là một nhu cầu lớn, nhưng trong quá trình thực hiện vừa phải cân đối ngân sách, vừa dựa vào điều kiện thực tế, lồng ghép nhiều nguồn vốn, chương trình để thực hiện nên khó càng thêm khó.

Bên cạnh đó, việc thiếu quỹ đất (hoặc vùng bố trí tái định cư không phù hợp) khiến khó chồng khó. Chính vì thế, trong khi phải chờ ngân sách thì người dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai vẫn đang phải tiếp tục điệp khúc “chờ” được tái định cư.