Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kiến tạo cơ hội tiêu thụ nông sản miền núi

Khánh Thư - 11:48, 19/12/2023

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 (Chương trình MTQG 1719) đã và đang là động lực thúc đẩy phát triển thị trường, tạo ra nền tảng căn bản cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt, các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và phát triển sản xuất, tiêu thụ cho sản phẩm cho khu vực này.

Mô hình điểm bán hàng hai chiều tại xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Mô hình điểm bán hàng hai chiều tại xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại

Những năm qua, nhiều cơ chế, chính sách đã được triển khai nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Có thể kể đến như: Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020; Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình xúc tiến thương mại (theo Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 12/2019/QĐ-TTg); Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;…

Một trong những ưu tiên về các cơ chế, chính sách trong giai đoạn 2011 – 2020 là chú trọng phát triển hạ tầng thương mại ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS. Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), những năm qua, với nỗ lực cố gắng các địa phương miền núi, nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, việc phát triển hạ tầng thương mại miền núi, trong đó có phát triển hệ thống chợ đã có nhiều cải thiện. Điều này khẳng định, việc phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS không chỉ là trách nhiệm của các tỉnh, thành phố có đông đồng bào DTTS mà còn là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị.

Trong Báo cáo số 855/BC-UBDT ngày 3/6/2022 về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, Ủy ban Dân tộc cho biết, tính đến năm 2019, cả nước có 8.500 chợ, trong đó có 6.323 chợ ở khu vực nông thôn, miền núi. Hệ thống chợ vẫn giữ được vai trò quan trọng ở khu vực nông thôn, miền núi, bảo đảm phân phối 35 – 40% lưu lượng hàng hóa.

Giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719), Bộ Công Thương đã hướng dẫn các địa phương triển khai nhiệm vụ đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ ở khu vực miền núi.

 Đây là hạ tầng thương mại quan trọng ở địa bàn này, thúc đẩy thương mại hai chiều, đưa được hàng hóa lên với đồng bào DTTS, cũng như đưa hàng hóa của đồng bào về xuôi, về các vùng miền mà có thị trường sôi động.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Thị Nga cho rằng, phát triển hạ tầng thương mại để kết nối vùng đồng bào DTTS và miền núi là yếu tố then chốt để địa bàn này hòa nhập vào công cuộc đổi mới của đất nước. Hiện Việt Nam đã ký 17 Hiệp định thương mại tự do, là cơ hội cần được nắm bắt để đưa những sản phẩm, trong đó có sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bào DTTS và miền núi trở thành những lợi thế cạnh tranh trong công cuộc mà Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng quốc tế.

 Một trong những ưu tiên về các cơ chế, chính sách trong giai đoạn 2011 – 2020 là chú trọng phát triển hạ tầng thương mại ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)
Một trong những ưu tiên về các cơ chế, chính sách trong giai đoạn 2011 – 2020 là chú trọng phát triển hạ tầng thương mại ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)

Khai thác lợi thế cạnh tranh

Cùng với phát triển hạ tầng thương mại, để tăng cường kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS, từ các chương trình, đề án, dự án, các địa phương đã ưu tiên các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống, thì nông sản khu vực miền núi đã từng bước được phân phối trên các kênh bán hàng hiện đại.

Có thể kể đến như: Chương trình sinh kế cộng đồng của Big C tạo sinh kế bền vững cho hơn 500 hộ gia đình ở miền núi (chủ yếu là đồng bào DTTS); Chương trình hỗ trợ, hợp tác, hình thành liên kết chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm giữa hệ thống siêu thị Saigon. Co.op với các hợp tác xã ở địa bàn miền núi;…

Với việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả đã góp phần khuyến khích và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững và hướng về xuất khẩu. Nhiều vùng sản xuất tập trung cũng đã được hình thành và hiện tại cũng đang duy trì thực hiện tốt, nhiều sản phẩm của địa phương đã được bảo hộ về sở hữu trí tuệ và góp phần phát triển thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Thị Nga, tiếp nối những kết quả đã đạt được, Chương trình MTQG 1719 đặt ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ để đưa sản phẩm của vùng đồng bào DTTS và miền núi đi xa hơn, tham gia sâu vào thị trường trong nước cũng như vươn ra thế giới. Đây là một bước tiến mạnh mẽ cũng như là giải pháp đồng bộ khi trong Chương trình MTQG 1719, các Bộ, ngành và các địa phương đều được phân công những nhiệm vụ rất cụ thể, rõ ràng.

Thực tế, trong xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững đang được cả thế giới hết sức quan tâm, sản phẩm của bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi đang có sẵn những lợi thế này. Không ít sản phẩm đã trở thành thế mạnh của các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi được tiêu thụ ở các kênh phân phối và xuất khẩu. 

Từ đó, không chỉ giúp bà con ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá được truyền thống văn hoá đặc sắc của các dân tộc ở các địa phương.

(Bài CĐ Dân tộc Tôn giáo) Kiến tạo cơ hội tiêu thụ nông sản miền núi 2
Cùng với phát triển hạ tầng thương mại, các địa phương đã ưu tiên các hoạt động xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào DTTS. (Trong ảnh: sản phẩm na Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn được quảng bá trong Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền diễn ra từ ngày 24 - 27/8/2023 tại Hà Nội)

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, hiện còn rất nhiều sản phẩm xanh và sạch, chứa đựng những bí quyết canh tác, chế biến có tuổi đời hàng trăm năm trong đồng bào các DTTS chưa được khai thác ở quy mô sản xuất hàng hoá. Sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi vừa có dấu ấn văn hoá, có tích truyện hấp dẫn lại vừa bắt nhịp được với xu thế hiện nay là lối sống, cách sống xanh, phát triển bền vững.

Bởi vậy, để khai thác tiềm năng này, các địa phương cũng như doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ hơn về mặt tổ chức, công nghệ và nhân lực nhằm thu hút đồng bào các dân tộc chung tay xây dựng những vùng nguyên liệu hàng hoá tập trung, làm cơ sở cho phát triển thị trường sản phẩm, hàng hoá vùng đồng bào DTTS và miền núi; nâng cao năng lực sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm để đưa những hàng hóa của đồng bào đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, Bộ Công thương đã và đang triển khai, nhân rộng các điểm bán hàng hai chiều tại các địa phương. Mô hình vừa cung ứng được hàng hóa thiết yếu cho bà con ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, đồng thời thu mua những sản phẩm, hàng hóa đã được thương mại hóa ở địa bàn này để đưa về các vùng miền có đông người tiêu dùng lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, những nơi đầu mối giao thương lớn nhất cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu.