Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP qua kênh TikTok

PV - 15:57, 28/02/2023

Ngày 28/2, Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và TikTok ký kết hợp tác Chiến lược nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

Việc hợp tác này nhằm đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống, du lịch nông thôn trên môi trường số.

Trong khuôn khổ hợp tác, TikTok sẽ đồng tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn về cách xây dựng nội dung video ngắn, về bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok for Business, đồng thời thiết lập ngành hàng riêng cho sản phẩm OCOP trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop.

TikTok phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp và các cơ quan liên quan xây dựng các chương trình truyền thông quảng bá cho các sản phẩm OCOP và các sự kiện liên quan trong năm 2023.

Cụ thể, TikTok sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai các khóa tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP tại các tỉnh thành như: Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Huế, Lâm Đồng..., đồng thời tái khởi động hashtag #DacSanVietNam trên nền tảng nhằm thúc đẩy tương tác và kết nối giao thương giữa các đơn vị và người tiêu dùng.

Việc đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, bao gồm việc đưa các sản phẩm này lên nền tảng số được xem là bước đi tất yếu, góp phần mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương.

Điều này đã được minh chứng trong năm 2022, TikTok đã tổ chức thành công hơn 10 khóa đào tạo địa phương về chuyển đổi số, thu hút 200 chủ thể mở gian hàng trên TikTok Shop để bán hơn 500 sản phẩm đặc trưng mỗi vùng miền. Đặc biệt, hashtag #OCOP và #DacSanVietNam đã thu hút lần lượt 305 triệu và 350 triệu lượt xem, qua đó mở ra cơ hội tìm kiếm, tiêu thụ và phát triển tiềm năng cho các sản phẩm OCOP.

Tiếp nối nỗ lực trên, trong khuôn khổ hợp tác trên, TikTok sẽ trở thành đối tác chính thức của Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp trong việc đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng số về sản xuất nội dung, quảng bá và tiếp thị cho trung tâm, đơn vị thành viên và các chủ thể OCOP.

Đặc biệt, doanh nghiệp có thể tham gia các lớp đào tạo chuyên môn về xây dựng nội dung ngắn trên TikTok, tìm hiểu các giải pháp sáng tạo TikTok for Business và giải pháp thương mại điện tử toàn diện trên TikTok Shop để khai thác tối đa sức mạnh của nền tảng.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam cho biết, TikTok ưu tiên triển khai các hoạt động dài kỳ thể hiện cam kết song hành và hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển kinh doanh trên nền tảng số. Đây sẽ là cột mốc tiếp theo hứa hẹn mở ra những kết quả tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời tạo đà xúc tiến cho các giá trị văn hóa địa phương lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nền tảng.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp chia sẻ, kết quả tích cực trong năm 2022 đã củng cố thêm triển vọng phát triển của OCOP trên nền tảng số. Đồng thời tạo động lực cho những sáng kiến khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Đây là kết quả từ những hỗ trợ chuyên sâu của TikTok khi tạo nên “bệ phóng” vững chắc giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức và làm mới tư duy kinh doanh.

Với hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện, ông Nguyễn Minh Tiến kỳ vọng TikTok sẽ mang lại cho người dùng những trải nghiệm mua sắm mới mẻ, qua đó mở ra cơ hội tiềm năng cho các chủ thể OCOP khẳng định thương hiệu địa phương.

Không chỉ tập trung đẩy mạnh các nhóm sản phẩm về thực phẩm, nông sản, TikTok sẽ hợp tác cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thí điểm số hóa một số làng nghề truyền thống và hỗ trợ hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc, loại hình thủ công mỹ nghệ cho các nghệ nhân thông qua các công cụ sáng tạo trên nền tảng.