Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kiên quyết đấu tranh với các tà đạo đội lốt tôn giáo

Cù Hương - Tùng Nguyên - 19:27, 10/12/2023

Sự xuất hiện những tà đạo đội lốt tôn giáo được lập ra với mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, gây chia rẽ khối đại đoàn kết, làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở một bộ phận Nhân dân. Chính vì vậy, các tầng lớp Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, cần nâng cao cảnh giác, cùng với lực lượng chức năng kiên quyết đấu tranh với các tà đạo đội lốt tôn giáo.

Từ ngày 15/11/2023 đến 15/1/2024, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tiếp tục mở cao điểm đợt 3 để tuyên truyền, vận động đồng bào theo “San sư khẹ tọ” quay về tín ngưỡng truyền thống. (Trong ảnh: Lực lượng chức năng huyện Mèo Vạc nắm bắt tình hình tại thôn Xín Phìn Chư, xã Thượng Phùng )
Từ ngày 15/11/2023 đến 15/1/2024, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tiếp tục mở cao điểm đợt 3 để tuyên truyền, vận động đồng bào theo “San sư khẹ tọ” quay về tín ngưỡng truyền thống. (Trong ảnh: Lực lượng chức năng huyện Mèo Vạc nắm bắt tình hình tại thôn Xín Phìn Chư, xã Thượng Phùng )

Xử lý nghiêm hành vi phát triển tà đạo

Sau một thời gian lắng xuống do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19, “Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ” đang nhen nhóm hoạt động trở lại và tiếp tục chiêu mộ tín đồ ở một số địa phương. Hoạt động của tà đạo này tiềm ẩn vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, gây nhiều hệ lụy cho người tham gia và gia đình có người thân mù quáng tin, theo.

Theo cơ quan chức năng, địa bàn chính của tà đạo này chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, nhưng gần đây đã bắt đầu len lỏi về các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ chia sẻ của những người đã thoát ra khỏi vòng kìm tỏa của tà đạo này thì mới rõ được bản chất thực sự của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” đang hoạt động trái phép ở nước ta.

Trong đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, bà N.T.M.L. (từng là giảng viên của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên), bị dụ dỗ theo tà đạo, bà được “truyền giáo” xem bố mẹ, anh em, người thân là ma quỷ, ốm đau không đến gần chăm sóc, chết không cần thờ phụng; chỉ lo cho chính bản thân mình để lên thiên đàng; coi cuộc sống hiện tại chỉ là tạm thời, không người thân, không Tổ quốc… Nhận rõ bản chất lừa đảo, vô nhân tính và phản động của tổ chức này, bà L. đã dứt ra được và đang tích cực giúp đỡ những gia đình có người nhân đang vướng vào tà đạo.

Xác định “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” với giáo lý đi ngược với văn hoá truyền thống và thuần phong mỹ tục của Việt Nam, vi phạm các quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước, thời gian qua, các lực lượng chức năng trên cả nước đã đấu tranh, kiên quyết xóa bỏ. Tuy vậy, các hội nhóm của tà đạo này vẫn len lỏi chiêu mộ tín đồ.

Theo đó, từ giữa năm 2023 đến nay, nhiều địa phương như: Điện Biên, Bắc Kạn, Bình Phước, Thanh Hoá, Quảng Nam, Quảng Ninh… đã liên tục phát đi các khuyến cáo đề nghị người dân cảnh giác với các hoạt động trở lại của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”. Chỉ tiêng tại Thanh Hóa, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 500 người đang hoạt động trong tổ chức “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” với 16 điểm sinh hoạt, tập trung phần lớn ở TP. Thanh Hóa.

Trước tình hình đó, ngày 15/9/2023, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 5254/BNV-TGCP về một số công tác đối với “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong công văn, Bộ Nội vụ cho biết, thời gian gần đây hoạt động của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” (tên chính thức và đầy đủ là “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới”) tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, gây bức xúc và phẫn nộ trong quần chúng Nhân dân, vi phạm các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, trái thuần phong mỹ tục.

Bản Giàng Ly Cha thuộc xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu nay đã bình yên sau “cơn bão” tà đạo.
Bản Giàng Ly Cha thuộc xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu nay đã bình yên sau “cơn bão” tà đạo.

Vì vậy, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện kịp thời và kiên quyết đấu tranh, xoá bỏ về phương diện tổ chức đối với Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” tại Việt Nam. Đồng thời tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là các hoạt động vi phạm pháp luật, tác hại do “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” gây ra để nâng cao nhận thức, cảnh giác, đồng thuận xã hội, đồng thuận tôn giáo trong nhìn nhận, phê phán, phát giác, ngăn chặn, xử lý hoạt động vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đạo đức tôn giáo của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác

Ngoài “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”, thời gian qua, cùng với nhiều địa phương trên cả nước thì ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã xuất hiện những hiện tượng tôn giáo mới mang đậm chất tà đạo, tạp đạo. Trong đó, nổi lên một số hiện tượng tôn giáo lạ, tà đạo như: đạo bà Điền, đạo Dừa, Thanh Hải vô thượng sư, tà đạo Hà Mòn, Bà Cô Dợ, Tin Lành Đề Ga, Dương Văn Mình, Giáo hội Phật giáo vũ trụ, Đạo Trời Thái Bình...

Các tà đạo, đạo lạ đã và đang len lỏi thâm nhập vào vùng đồng bào DTTS và miền núi, gây bất ổn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chính vì vậy, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi truyền đạo trái phép, các địa phương vùng đòng bào DTTS và miền núi đã đẩy mạng công tác tuyên truyền đồng bào không tin, không theo; đồng thời vận động những người theo tà đạo quay về với tín ngưỡng truyền thống.

Đơn cử tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang), hiện tượng tôn giáo “San sư khẹ tọ” (còn có tên gọi khác là “Cơ đốc ba ngôi”) đã thâm nhập vào vùng đồng bào dân tộc Mông, Dao,… Hoạt động của tà đạo này ảnh hưởng xấu đến truyền thống của đòng bào các dân tộc; những người tin theo phải bỏ phong tục tập quán của dân tộc, phải dỡ bỏ bàn thờ cúng tổ tiên, một số còn hoạt động lén lút và gây nên những bức xúc trong cộng đồng…

Lực lượng chức năng bám sát địa bàn để tuyên truyền, vận động, kịp thời ngăn chặn hoạt động truyền đạo trái phép. (Trong ảnh: Lực lượng Công an tỉnh Tuyên Quang cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con, tuyên truyền vận động quần chúng Nhân dân bảo đảm an ninh trên địa bàn dân cư )
Lực lượng chức năng bám sát địa bàn để tuyên truyền, vận động, kịp thời ngăn chặn hoạt động truyền đạo trái phép. (Trong ảnh: Lực lượng Công an tỉnh Tuyên Quang cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con, tuyên truyền vận động quần chúng Nhân dân bảo đảm an ninh trên địa bàn dân cư )

Để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, giúp những người dân lạc lối, thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động ở những địa bàn có tôn giáo lạ “San sư khẹ tọ” hoạt động. Trong 10 tháng đầu năm 2023, huyện đã tổ chức 2 đợt cao điểm về tuyên truyền, qua đó vận động được 125 hộ, với 629 khẩu tự nguyện từ bỏ theo tôn giáo lạ “San sư khẻ tọ”, quay về tín ngưỡng truyền thống. Từ ngày 15/11/2023 đến 15/1/2024, huyện Mèo Vạc tiếp tục mở cao điểm đợt 3 để tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo lạ quay về tín ngưỡng truyền thống.

Còn tại Điện Biên, Lai Châu, trước hoạt động lôi kéo người dân theo tà đạo bà Cô Dợ, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành chức năng liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác nắm bắt tình hình, phương thức hoạt động của tà đạo này; nắm chắc địa bàn bị ảnh hưởng, số lượng người tin theo, số người đứng đầu để kịp thời có biện pháp xử lý, giải quyết triệt để. Đặc biệt, cán bộ về tận nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động bà con không tin, không nghe theo luận điệu tuyên truyền xấu, không theo các tà đạo, đạo lạ không có ở Việt Nam, chưa được Nhà nước công nhận.

Để hạn chế tác động tiêu cực của hiện tượng tôn giáo lạ, tà đạo, tạp đạo, thời gian tới, các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng tại các địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, các hoạt động phòng ngừa, phát hiện xử lý nghiêm các hoạt động truyền đạo trái phép sẽ được quyết liệt triển khai để kịp thời ngăn chặn hoạt động của các đối tượng lợi dụng tôn giáo gây mất an ninh trật tự, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Những thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam không chỉ được Nhân dân trong nước, trong đó có tín đồ các tôn giáo ghi nhận, mà còn được cả cộng đồng quốc tế thừa nhận. Việc Việt Nam lần thứ hai trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 với số phiếu ủng hộ của 145/189 nước đã một lần nữa khẳng định quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ở Việt Nam nói riêng được bảo đảm tốt, không thể phủ nhận.