Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kiên Giang: Tín dụng chính sách khẳng định vai trò trụ cột trong công tác giảm nghèo

Như Tâm - 09:47, 05/07/2024

Đoàn kiểm tra giám sát của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang về hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra giám sát của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam làm việc tại Kiên Giang
Đoàn kiểm tra giám sát của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam làm việc tại Kiên Giang

Theo báo cáo của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang, tính đến ngày 31/5/2024, tổng nguồn vốn chính sách xã hội của tỉnh đạt hơn 6.100 tỷ đồng, tăng gần 230 tỷ đồng so với đầu năm. 

Doanh số cho vay đạt trên 704 tỷ đồng, gần 20.800 lượt khách hàng được vay vốn. Tổng dư nợ đạt gần 6.100 tỷ đồng, tăng hơn 224 tỷ đồng so với đầu năm. Số khách hàng còn dư nợ hơn 162.000 khách hàng. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là gần 164 tỷ đồng, tỷ lệ 2,69%/tổng dư nợ.

Để hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh được triển khai thuận lợi và phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang đề nghị: Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trong thời gian tới cần cơ cấu thành viên Ban đại diện cấp tỉnh, cấp huyện có đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Công an huyện tham gia. Việc này nhằm phối hợp thực hiện tốt Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ và phối hợp rà soát thông tin, địa chỉ khách hàng vay vốn bỏ đi khỏi nơi cư trú, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được quản lý chặt chẽ.​

Tỉnh đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh đối với chương trình cho vay học sinh, sinh viên bổ sung đối tượng vay vốn là hộ gia đình thu nhập thấp. Đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nên nâng mức cho vay tối đa 25 triệu đồng/công trình. Ủy ban Dân tộc chủ trì, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cho phép các xã khu vực III, II khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn trong thời gian 03 năm.​

Cùng với đó tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục quan tâm bố trí đầy đủ vốn theo nhu cầu vốn xây dựng hằng năm của tỉnh để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn; mở rộng, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.​

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi kiểm tra, giám sát ở Kiên Giang
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi kiểm tra, giám sát ở Kiên Giang

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh khẳng định, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, tiếp tục khẳng định vai trò "trụ cột" của tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo, góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, hộ chính sách tại nông thôn. Đồng thời qua đó góp phần làm hạn chế tín dụng đen, tạo nguồn lực cho địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, việc làm và an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2022 từ 1,9% giảm xuống 1,28% năm 2023; tỷ lệ hộ cận nghèo từ 3,18% giảm còn 2,23%.​

Tuy nhiên, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn cũng còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: do ảnh hưởng của thời tiết hạn hán, giông lốc, sạt lở đất, dịch bệnh xảy ra nhiều nơi gây thiệt hại tài sản, rủi ro trong sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ của một bộ phận khách hàng. Một số món vay dù đã được khoanh nợ từ 3 đến 5 năm nhưng hộ vay vẫn chưa khôi phục được phương án vay vốn, chưa có khả năng trả nợ dẫn đến tình trạng nợ hết hạn khoanh chuyển sang nợ quá hạn lớn...

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị, Giám đốc, cán bộ, nhân viên chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thường xuyên báo cáo, tham mưu chính quyền địa phương, chỉ đạo chi nhánh và phòng giao dịch huyện phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, Ban giảm nghèo cấp xã tuyên truyền, triển khai, tổ chức quản lý, thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo đúng quy định của Chính phủ.​

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác chú trọng lồng ghép giữa cho vay với việc chuyển giao công nghệ; phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm; bám sát các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng đến các đối tượng thụ hưởng khi được Trung ương phân bổ vốn; cho vay đảm bảo cho vay công khai, minh bạch, đúng đối tượng.​

Tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội trong quản lý, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.