Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đắk Lắk: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững

Phương Linh - Anh Minh - 11:35, 08/07/2024

Thời gian qua, tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang phát huy hiệu quả. Theo đó, tín dụng chính sách đã tạo sinh kế giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế các vùng nông thôn phát triển.

Bà Hà Thị Phán ở buôn Ea Krái, xã Dliêya, huyện Krông Năng sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi bò.
Bà Hà Thị Phán ở buôn Ea Krái, xã Dliêya, huyện Krông Năng sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi bò.

Gia đình chị Phan Thị Mộng Điệp ở thôn 8, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn. Năm 2019, gia đình chị được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách để đầu tư chăn nuôi heo. Được sự tư vấn từ chính quyền và cán bộ tín dụng, gia đình chị đã nâng cấp chuồng trại, mua con giống và thức ăn để đầu tư cho chăn nuôi.

Để bảo đảm đàn heo khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh, chị Điệp chủ động nhập 30 con heo giống đã qua kiểm định của một công ty ở Đồng Nai. Song song đó, chị tiếp tục mở rộng thêm chuồng trại để thả nuôi 200 con gà ta. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, thực hiện vệ sinh chuồng trại hằng ngày, dùng vắc xin phòng bệnh đầy đủ, nên đàn heo, gà của gia đình chị luôn sinh trưởng và phát triển tốt.

Hiện mỗi năm gia đình chị xuất 4 lứa heo, 2 lứa gà, cùng với trồng trọt, cho chị tổng thu hơn 200 triệu/năm. Từng bước có thu nhập ổn định, chị Điệp tích cực tham gia các hoạt động của các hội, đoàn thể, đối với những chị em khó khăn hoặc thiếu kinh nghiệm sản xuất chị tận tình giúp đỡ.

Hay như gia đình bà H'Thoai Niê, thuộc diện hộ nghèo ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Năm 2022, gia đình bà được hỗ trợ 2 con bò sinh sản, được tham gia tập huấn cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh. Hiện nay, cặp bò ban đầu của gia đình bà đã phát triển lên 4 con. Bà H'Thoai cho biết: "Mình tận dụng thời gian rảnh rỗi để chăm sóc bò, thức ăn cũng dễ kiếm. Đàn bò sinh sản tốt, gia đình có khoản thu nhậpổn định hơn để nuôi các con học hành, chữa trị bệnh cho chồng, kinh tế bớt khó khăn hơn trước".

Chị Bùi Thị Ánh Tuyết ở thị trấn Buôn Trấp (bên phải) đang trao đổi với cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Ana
Chị Bùi Thị Ánh Tuyết ở thị trấn Buôn Trấp (bên phải) đang trao đổi với cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Ana

Vốn tín dụng CSXH được đầu tư đến 100% thôn, buôn, tổ dân phố, giúp hàng ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 40 nghìn lao động; tạo điều kiện cho gần 8 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; gần 230 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng...

Ông Võ Khắc Huy, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Buôn Đôn cho biết: Thời gian qua, các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được triển khai đầy đủ, kịp thời. Trong quá trình thực hiện mô hình giảm nghèo luôn có cán bộ xã, thôn hướng dẫn, giám sát nhằm bảo đảm hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi hiệu quả. Nhờ đó, đời sống của người dân trên địa bàn huyện được nâng lên. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 29,98% (giảm 3,96% so với năm 2022).Vốn tín dụng CSXH được đầu tư đến 100% thôn, buôn, tổ dân phố, giúp hàng ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 40 nghìn lao động; tạo điều kiện cho gần 8 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 230 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn..

Ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của UBND tỉnh, các sở, ban ngành của tỉnh và phối hợp tốt của các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng thuận, nhất trí cao của toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 47.858 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với tổng số vốn cho vay hơn 2.086 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 7.356 tỷ đồng, tăng hơn 1.025 tỷ đồng so với cuối năm 2022.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân có thêm điều kiện để phát triển chăn nuôi, trồng trọt
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân có thêm điều kiện để phát triển chăn nuôi, trồng trọt

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh có trên 76.000 khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng, với tổng dư nợ gần 2.728 tỷ đồng, chiếm 37%/tổng dư nợ của toàn chi nhánh.

Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án kết hợp với những giải pháp, cách làm sáng tạo. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm xuống còn 9,15% (giảm 1,79% so với năm 2022). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 19,7% (giảm 3,38% so với năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 34,45% (giảm 4,81% so với năm 2022), ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Ngân hàng CSXH cho biết thêm.

Tại các huyện, thành phố, thị xã, nguồn vốn chính sách đã và đang “trợ lực” tạo ra chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo. Ngân hàng CSXH đã phối hợp với các địa phương rà soát kịp thời những hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn để tạo điều kiện cho họ tiếp cận và sử dụng vốn vay nhanh chóng, hiệu quả.

Thông qua các phiên giao dịch trực tiếp, cán bộ phòng giao dịch ngân hàng CSXH đã tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nghèo để họ không ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước mà tích cực sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thoát nghèo… Chất lượng tín dụng cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo của tỉnh luôn bảo đảm.

Theo thống kê, nguồn vốn của ngân hàng đã phủ kín toàn địa bàn 184 xã, phường, thị trấn ở 15 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc. 100% hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn được tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng chính sách.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, hàng ngàn hộ đồng bào DTTS ở tỉnh Đắk Lắk có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, hàng ngàn hộ đồng bào DTTS ở tỉnh Đắk Lắk có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế

Bên cạnh hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng CSXH, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk còn ưu tiên các chính sách để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như: Dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ về y tế, giáo dục... Qua đó góp phần tạo việc làm, phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; cải thiện, nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5 - 2,0%; hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm từ 3 - 4%; hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%; mức giảm hộ nghèo đa chiều đối với huyện phấn đấu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn (huyện M’Drắk) giảm từ 6 - 7%.

Đến 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 7.779 tỷ đồng (tăng 4.771 tỷ đồng so với năm 2014), tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 10,6%. Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt hơn 502 tỷ đồng (tăng 382 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm 6,5% tổng nguồn vốn), tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 15,7%.

Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 7.745 tỷ đồng (tăng 4.744 tỷ đồng so năm 2014), với hơn 169 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt gần 46 triệu đồng (tăng 28 triệu đồng so năm 2014).