Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Một mục tiêu, nhiều giải pháp

PV - 14:26, 02/10/2018

Tại sao không thể khởi nghiệp ở bản làng? Với tiềm năng, lợi thế, sự đa dạng văn hóa vùng DTTS, cùng với sự chung tay hỗ trợ, “tiếp lửa”, truyền cảm hứng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng quốc tế, có thể khẳng định, khởi nghiệp ở bản làng là hoàn toàn có thể...

Bài cuối: Vững bước đến tương lai

Khởi nghiệp bằng “sự tử tế”

Như chúng ta đã biết, trên nhiều bản làng vùng đồng bào DTTS, ngày càng có nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công từ những tiềm năng, lợi thế của quê hương. Từ câu chuyện khởi nghiệp của Giàng A Dạy, chàng thanh niên dân tộc Mông, bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La với những thành công từ nông nghiệp bản làng, hơn hết là thay đổi tư duy nông nghiệp, mang lại cuộc sống ấm no cho bà con trong bản. Hay cô sơn nữ dân tộc Tày Nguyễn Thị Cẩm Ly (Na Hang, Tuyên Quang), dù tốt nghiệp hệ chính quy Học viện Tài chính nhưng Cẩm Ly đã lựa chọn về quê khởi nghiệp từ chính sản phẩm của quê hương. Và cam sành Sơn Nữ đã và đang vươn xa ra thị trường.

Vùng DTTS, miền núi có nhiều tiềm năng, thế mạnh để khởi nghiệp thành công.(Trong ảnh: Cây chè Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã và đang là loại cây đặc sản có thể đánh thức tiềm năng để khởi nghiệp) Vùng DTTS, miền núi có nhiều tiềm năng, thế mạnh để khởi nghiệp thành công.(Trong ảnh: Cây chè Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã và đang là loại cây đặc sản có thể đánh thức tiềm năng để khởi nghiệp).

Một câu chuyện khác được ví như câu chuyện cổ tích giữa đại ngàn Trường Sơn, từ hai bàn tay trắng cách đây hơn chục năm, nhờ khởi nghiệp thành công từ sâm Ngọc Linh, đến nay anh Hồ Văn Bông, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã có căn nhà khang trang trị giá gần 1 tỷ đồng và có trong tay vườn sâm trị giá hàng chục tỷ đồng và có điều kiện cho con cái học hành. Hay chàng thanh niên Lý Tà Giàng, dân tộc Dao, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang khởi nghiệp từ thế mạnh cây dược liệu; gương chị Sầm Thị Tình, người phụ nữ dân tộc Thái ở Nghệ An đã tìm cách đưa sản phẩm với những tầng sâu giá trị văn hóa dân tộc Thái tới những nơi đô hội, thị trường trong nước và quốc tế...

Có thể thấy, niềm tin, sự nỗ lực, cố gắng sẽ làm nên những thành công trên con đường khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS. Nhiều đồng bào DTTS tâm sự với chúng tôi rằng: muốn khởi nghiệp thành công và giữ được sự vững bền phải làm bằng cái tâm và “sự tử tế”. Bởi nếu làm ra sản phẩm không tốt cho sức khỏe con người, không được người dân đón nhận thì sẽ không bao giờ bền vững. Hơn hết muốn sản phẩm của đồng bào DTTS vươn xa phải không ngừng nắm bắt thị hiếu khách hàng. Đặc biệt muốn vươn xa ra thị trường thế giới phải tuân thủ những quy định khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Khi có được tất cả những điều đó thì ắt sẽ thành công.

Hoàn toàn có thể...

Thời gian gần đây, khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS dành được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước. Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, có những chính sách thúc đẩy đồng bào DTTS khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh dựa trên những tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương. Ủy ban Dân tộc-cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc đã và đang có rất nhiều cố gắng để kết nối, hỗ trợ, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho đồng bào DTTS. Mới đây nhất, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả của các hộ, nhóm hộ để hỗ trợ đồng bào DTTS phát huy nội lực, khởi nghiệp, khởi sự làm ăn, kinh doanh...

Trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi ngày càng khó khăn thì việc khuyến khích đồng bào DTTS chủ động tổ chức lao động sản xuất, làm ăn kinh doanh theo hướng thị trường để tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập và vươn lên làm giàu là giải pháp giảm nghèo, tăng giàu bền vững nhất...

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã chỉ ra: Chương trình giảm nghèo đang thay đổi chứ không đứng yên. Khi thoát nghèo, khát vọng của người dân thay đổi, chuyển trọng tâm từ chỗ chỉ đơn thuần là ăn no mặc ấm, đến mục tiêu kiếm đủ tiền để đảm bảo về kinh tế và sống cuộc sống của tầng lớp trung lưu. Điều này đòi hỏi thu nhập trong tương lai thậm chí phải tăng với tốc độ cao hơn. Chương trình nghị sự không chỉ là tạo công ăn việc làm, mà tạo việc làm và cơ hội kinh tế tốt hơn. Người nghèo cần phát triển kinh tế tư nhân, sáng tạo và công nghệ, có thể giúp đánh thức tiềm năng.

Trên con đường khởi nghiệp vùng DTTS, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng việc lựa chọn con đường khởi nghiệp ở bản làng là hoàn toàn có thể mang lại thành công. Điều này không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn góp phần xây dựng bản làng ấm no, giàu mạnh; đánh thức tiềm năng, giữ gìn bản sắc, sự đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Niềm tin khởi nghiệp vùng DTTS, miền núi đang được bù đắp từng ngày...

THANH HUYỀN