Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân

Vân Khánh - Xuân Hải - 23:00, 26/04/2023

Xác định truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác giảm nghèo, các ngành, các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giảm nghèo để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ và Nhân dân. Nhờ công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, đa dạng nhiều hình thức đã giúp bà con dần thay đổi tư duy, nhận thức, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo của người dân, góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.

Mô hình nuôi cá thương phẩm ở Nho Quan (Ninh Bình)
Mô hình nuôi cá thương phẩm ở Nho Quan (Ninh Bình)

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022). Trong đó giảm nghèo về thông tin là một trong 2 tiểu dự án góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo…

Xác định tuyên truyền là nhiệm vụ chính trị quan trọng để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 luôn được các ngành, các cấp chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững…

Minh chứng như tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, nhờ vào quá trình vận động, tuyên truyền của cả hệ thống chính trị giúp đồng bào vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Bộ mặt nông thôn bản làng của đồng bào các dân tộc Sán Chỉ, Tày, Dao, Sán Dìu… đã được nâng lên rõ rệt, đời sống người dân từng bước được nâng cao, đường làng ngõ xóm, nhà cửa khang trang sạch đẹp. Quan trọng nhất là sự thay đổi trong ý thức nâng cao đời sống, tập trung xây dựng, phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, Phạm Văn Hoài, để vận động người dân thay đổi tư duy phát triển kinh tế, điều quan trọng là phải tuyên truyền để bà con hiểu về hiệu quả việc áp dụng khoa học - kỹ thuật trong phát triển kinh tế.

“Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cho đồng bào, các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên, chú trọng đội ngũ tuyên truyền là người DTTS ở cơ sở. Đặc biệt phải đổi mới, đa dạng phương thức tuyên truyền cũng như nâng cao chế độ đãi ngộ cho người làm công tác tuyên truyền, có như vậy công tác tuyên truyền mới thực chất, hiệu quả”, ông Hoài cho hay .

Mô hình trang trại chăn nuôi gia cầm ở Bảo Thằng (Lào Cai) giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo
Mô hình trang trại chăn nuôi gia cầm ở Bảo Thằng (Lào Cai) giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo

Còn tại Bắc Giang, để thúc đẩy mạnh tuyên truyền công tác giảm nghèo năm 2023, UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Theo đó, Bắc Giang xác định kế hoạch nhằm truyền thông, tuyên truyền kịp thời những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, góp phần huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, công tác truyền thông phải làm cho mọi người, mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội thấy được công tác giảm nghèo bền vững vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mang tính nhân văn sâu sắc của dân tộc.

Đối tượng truyền thông là người dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và toàn xã hội. Trong đó, chú trọng truyền thông cho nhóm đối tượng hưởng lợi từ Chương trình giảm nghèo như người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người khuyết tật có khó khăn về kinh tế, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp…

Mục tiêu của Bắc Giang là chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu; tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đầu tư vào con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực phát triển của người dân, nhất là người nghèo, người cận nghèo, người DTTS; đổi mới dạy nghề, tạo việc làm, sinh kế, giảm nghèo bền vững và khuyến khích làm giàu chính đáng.

Mô hình phát triển kinh tế từ cây ăn quả ở xã Đức Long, Nho Quan, Ninh Bình
Mô hình phát triển kinh tế từ cây ăn quả ở xã Đức Long, Nho Quan, Ninh Bình

Tiên Yên (Quảng Ninh) và Bắc Giang chỉ là hai trong số nhiều địa phương thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo nhờ đẩy mạnh tuyên truyền. Với những giải pháp và hướng đi cụ thể từ công tác giảm nghèo vừa qua đã đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên phạm vi toàn quốc vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, cho thấy tỷ lệ nghèo đa chiều chung toàn quốc là 7,52%, với tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.972.767 hộ. Đã có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo, sản xuất và làm kinh tế giỏi; hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả; nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình giảm nghèo đặt mục tiêu giảm nghèo trọng tâm ở những vùng lõi nghèo. Có 3/4 mục tiêu quan trọng được đặt vào vùng lõi nghèo. Cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo phải giảm 4 - 5%/năm; 30% huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cho biết: Phát huy những kết quả từ giai đoạn trước, Chiến lược Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.