Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khoa học công nghệ - Đòn bẩy để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển xứng tầm

Tâm Thư - 10:23, 19/12/2022

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng là vùng đất quan trọng của cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Để ĐBSCL phát triển xứng tầm thì một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo, là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

(Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển xứng tầm

Tích cực chuyển giao KH&CN

ĐBSCL là 1 trong 7 vùng kinh tế lớn trên cả nước, với nhiều tiềm năng về cả nông nghiệp lẫn lĩnh vực KH&CN. Hiện trên địa bàn 13 tỉnh trong khu vực có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại... là nền tảng thuận lợi cho các giải pháp đổi mới, sáng tạo.

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đánh giá, ĐBSCL có thế mạnh nông nghiệp to lớn, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây của cả nước. Kết hợp với cơ sở khoa học - kỹ thuật kể trên cùng nguồn nhân lực sẵn có từ các trung tâm, viện nghiên cứu, theo ông Trường, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực sẽ diễn ra thuận lợi.

Toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 1,4 triệu đồng bào DTTS sinh sống, chiếm khoảng 10% đồng bào DTTS trong cả nước. Những năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân, vùng ĐBSCL tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế tăng trưởng, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống người dân không ngừng được cải thiện; quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững;...

Để thúc đẩy phát triển vùng, thời gian qua, Bộ KH&CN đã tích cực hỗ trợ các địa phương trong công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Số liệu từ Hội nghị giao ban KH&CN vùng ĐBSCL lần thứ XXVI diễn ra tại Sóc Trăng chiều 15/12/2022 cho thấy, giai đoạn 2018 - 2022, Bộ KH&CN đã hỗ trợ các địa phương trong vùng triển khai 39 nhiệm vụ KH&CN, với tổng kinh phí hơn 345 tỷ đồng.

Các địa phương cũng đã và đang triển khai 578 đề tài, dự án. Trong đó, có 489 dự án đầu tư; 4 hợp đồng chuyển giao công nghệ; 2 giám định công nghệ đã được đánh giá, thẩm định và giám định. Phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đẩy mạnh, có 9.686 sáng kiến đã được công nhận và áp dụng vào các lĩnh vực.

Giai đoạn 2018 - 2022, các Sở KH&CN trong vùng đã hướng dẫn hồ sơ cấp phép cho 890 cơ sở; thẩm định, cấp phép hoạt động cho 1.055 cơ sở thiết bị bức xạ mới phục vụ sản xuất và y tế. Các Sở cũng đã chủ động tham mưu xây dựng được 22 văn bản quản lý về tài sản trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu... Có 9.862 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, 5.835 văn bằng được cấp trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời, có 62.951 thông tin về hoạt động KH&CN được cụ thể hóa qua các bản tin, ấn phẩm, bài báo, chuyên mục truyền hình tại các địa phương trong vùng.

Tại Hội nghị, trên những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị các Sở KH&CN vùng ĐBSCL tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về KH&CN và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển bền vững cho vùng; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động. Đồng thời, các địa phương trong vùng cần huy động mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ thiết thực, hiệu quả nhất các mục tiêu phát triển của từng địa phương và cả vùng.

Hội nghị giao ban KH&CN vùng đồng bằng sông Cửu Long lần thứ XXVI diễn ra tại Sóc Trăng chiều 15/12/2022.
Hội nghị giao ban KH&CN vùng đồng bằng sông Cửu Long lần thứ XXVI diễn ra tại Sóc Trăng chiều 15/12/2022.

“Các Sở KH&CN tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn trực tiếp với các nội dung phục vụ định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin thống kê về KH&CN và đổi mới sáng tạo, cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường, tình hình biến đổi khí hậu và các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng và các địa phương”, ông Đạt đề nghị.

Thúc đẩy phát triển vùng

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, ĐBSCL là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Hàng năm, ĐBSCL đóng góp hơn 20% GDP, giữ vai trò số một của quốc gia trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản.

“Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, ĐBSCL đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước, cũng là nơi có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, nhìn tổng thể kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có”, ông Đạt nhận định.

Đây cũng là ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Hội thảo khoa học do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức sáng ngày 15/12/2022. Hội thảo đã thông qua 15 báo cáo và tham luận về KH&CN, từ đó đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL để xứng tầm với tiềm năng, lợi thế.

Theo ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, các tỉnh, thành nên tập trung đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và phù hợp được đặt ra trong Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết là động lực cho tăng trưởng, với tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.

Giai đoạn 2018 – 2022, phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở ĐBSCL được đẩy mạnh, có 9.686 sáng kiến đã được công nhận và áp dụng vào các lĩnh vực. (Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cùng Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn tham quan sản phẩm trưng bày tại Hội thảo khoa học do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức sáng ngày 15/12/2022)
Giai đoạn 2018 – 2022, phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở ĐBSCL được đẩy mạnh, có 9.686 sáng kiến đã được công nhận và áp dụng vào các lĩnh vực. (Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cùng Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn tham quan sản phẩm trưng bày tại Hội thảo khoa học do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức sáng ngày 15/12/2022)

Với tỉnh Sóc Trăng, ông Mẫn đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ các dự án gắn với các Chương trình KH&CN quốc gia. Trong đó, có các dự án như: “Đa dạng hóa sản phẩm chế biến và nâng cao hiệu suất thu hồi sản phẩm xay xát lúa gạo, phát triển các sản phẩm tạo giá trị gia tăng từ lúa gạo ST”; “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN chế biến các sản phẩm từ trái cây (vú sữa, bưởi, nhãn...)”; “Hoàn thiện quy trình công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm từ sinh khối Artemia Vĩnh Châu”.

“Tỉnh đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ tỉnh xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Sóc Trăng” cho sản phẩm gạo thuộc giống lúa ST24 và ST 25, đưa nhãn hiệu đã được bảo hộ vào chương trình, kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng các mô hình ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong các lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, quản lý khai thác biển”, ông Mẫn đề nghị.

Đồng tình với kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để vùng ĐBSCL phát triển xứng tầm và theo kịp với các khu vực khác thì cần đẩy mạnh lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo. Đây được xem là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Muốn vậy, các địa phương vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thành tựu KH&CN vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của vùng.

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, tổng kinh phí đầu tư phát triển KH&CN trong vùng ĐBSCL giai đoạn 2018 - 2022 do Trung ương cân đối cho các tỉnh/thành phố trong vùng là 831 tỷ đồng, UBND tỉnh/thành phố phê duyệt 1.176 tỷ đồng, ước tính kinh phí thực hiện đến tháng 8/2022 là 745 tỷ đồng (đạt 63%). Tổng kinh phí huy động nguồn xã hội hóa là khoảng 430 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn đối ứng của doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình nông thôn miền núi, chương trình KH&CN cấp quốc gia, chương trình phát triển tài sản trí tuệ…